'Thích ứng an toàn, linh hoạt' nhưng không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch

Ngày 12/10/2021, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về việc Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Khi thực hiện nghị quyết này, các địa phương trong cả nước sẽ tạm thời không áp dụng các quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6/8/2021, Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 2686/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. 

Thích ứng an toàn linh hoạt nhưng không lơ là chủ quan trong phòng chống dịch
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 128/ NQ-CP có hiệu lực thi hành, vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung tại Nghị quyết 128/NQ-CP, làm ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân và tạo những bức xúc trong dư luận xã hội. Ví như, việc dán tem niêm phong ở cửa xe ô tô của lực lượng trực tại chốt kiểm dịch của tỉnh Bến Tre, nhằm cấm các tài xế, phụ xe không được xuống phương tiện khi lưu thông qua địa bàn tỉnh Bến Tre. Mặc dù, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, việc làm “sáng tạo” của lực lượng trực chốt ở Bến Tre đã được chỉ đạo gỡ bỏ. Qua sự việc trên cho thấy, dù việc phòng chống và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 là vấn đề cấp bách, nhưng tất cả các giải pháp cực đoan, thiếu khoa học, không những không đem lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch mà còn gây phản cảm, bất bình trong nhân dân.  

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì, vào ngày 17/10 vừa qua cũng đã nêu rõ: Tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP là, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo, nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương; nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên. Trong quá trình thực hiện những qui định trên, nếu có những vấn đề vướng mắc, đề xuất Chính phủ xem xét và có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Điều đó, đồng nghĩa với việc, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng “cát cứ”, ban hành các văn bản trái qui định của cấp trên, làm khó cho người dân, doanh nghiệp, gây ách tắc các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị xử lý. 

Hiện, nhiều địa phương trở về trạng thái "bình thường mới", nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn hiện hữu. Đặc biệt, với việc xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian qua cho thấy, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn dài. Vì vậy, các địa phương cần chủ động đánh giá chính xác tình hình dịch trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh những giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương thì ý thức phòng, chống dịch của người dân cũng rất quan trọng. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch, chỉ cần xuất hiện một ca bệnh mà không phát hiện được sớm và khoanh vùng, dập dịch kịp thời thì cũng có thể lây lan thành các ổ dịch lớn. 

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.