Mục tiêu thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Một trong những chủ trương chiến lược của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, là sớm giúp toàn bộ người dân được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, để 100% người dân được tiêm phòng, chúng ta cần khoảng hơn 25 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin. Về nguyên tắc, tiền mua vắc-xin tiêm phòng cho toàn dân phải được Nhà nước lo nên đây thực sự là một áp lực lớn đối với ngân sách Nhà nước. Vì vậy, ngay sau khi quyết định thành lập Quỹ vắc- xin của Chính phủ được ban hành với mục tiêu phi lợi nhuận, nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy việc tiếp cận vắc-xin nhanh nhất, đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của dư luận xã hội.
Việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 là một chủ trương đúng đắn và phù hợp của Chính phủ trong trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, kéo dài. Kinh tế khó tăng trưởng như dự kiến sẽ tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. Đó là còn chưa kể tới việc ngân sách cũng phải tăng chi cho an sinh xã hội, cho phòng chống dịch trong suốt thời gian qua. Không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, Quỹ vắc-xin được thành lập còn mang một thông điệp hết sức nhân văn, nhân lên niềm tin về quyết tâm chống dịch và kỳ vọng sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh của cả nước.
Huy động xã hội hóa cùng chung tay chống dịch, cùng với việc hình thành và cơ chế chi tiêu chặt chẽ của Quỹ vắc-xin, tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng bằng vắc-xin. Được biết, ngay sau khi quyết định thành lập Quỹ vắc-xin có hiệu lực, hàng nghìn tỷ đồng đã được huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dường như, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống “ tương thân, tương ái” và sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc lại được phát huy cao độ. Trong thời chiến, người dân Việt Nam đã từng san sẻ thực hiện “hũ gạo kháng chiến” thì nay, trong thời bình, tinh thần ấy lại được nhân lên. Mỗi cá nhân có điều kiện hơn, ngoài phần đóng góp cho mũi tiêm của mình thì còn có thể đóng góp thêm cho mũi tiêm của những người có điều kiện khó khăn hơn, những người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Mục tiêu thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Vì vậy, để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ vắc-xin, một điều rất quan trọng cùng với sự đóng góp thuận tiện, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì việc công khai, minh bạch, thực hiện kiểm toán ra sao cũng cần được quan tâm. Có như vậy, sự ra đời của Quỹ vắc-xin sẽ càng có ý nghĩa và nhân văn hơn.
Minh Thu