Sự cẩu thả trong khâu tổ chức và sự lệch chuẩn về văn hóa

Theo Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 12/3, một số tài khoản Facebook đăng tải hình ảnh về một đoàn xe  được cho là "hộ tống" dàn thí sinh tham gia Lễ hội Áo dài Hoa cúc biển (diễn ra tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An) dạo phố. Những người đẹp mặc quần đen, áo phông trắng đứng trên xe Jeep có treo cờ nước ngoài, bên cạnh các xe Jeep là dàn môtô "khủng" hộ tống, điều khiển xe Jeep là những người đàn ông mặc trang phục rằn ri. Ngay sau khi những hình ảnh này được đăng tải trên mạng xã hội đã khiến dư luận xôn xao.

Sự cẩu thả trong khâu tổ chức và sự lệch chuẩn về văn hóa
Có ít nhất 5 chiếc xe jeep tham gia hoạt động trải nghiệm của các thí sinh cùng nhiều mô tô phân khối lớn "hộ tống" (Ảnh: Facebook B.N).

Được biết, để khởi động năm du lịch 2023, thị xã Cửa Lò đã lên kế hoạch tổ chức Lễ hội Áo dài Hoa cúc biển năm 2023. Mục đích của lễ hội nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Cửa Lò, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thông qua tà áo dài truyền thống. Vì vậy, sự việc dàn người đẹp ngồi xe Jeep cắm cờ nước ngoài, tài xế mặc rằn ri xuất hiện tại Cửa Lò trong những ngày diễn ra Lễ hội Áo dài Hoa cúc biển năm 2023 là một hình ảnh phản cảm, không phù hợp với tiêu chí của chương trình. Mặc dù, ngay sau đó, chính quyền thị xã Cửa Lò cũng đã lên tiếng giải trình đây là sự việc đáng tiếc xảy ra ngoài mong muốn. Đội xe Jeep ngay sau đó đã bị yêu cầu dừng hành trình và cảnh sát giao thông cũng đã kiểm tra, tạm giữ 6 chiếc xe; trong đó, có 5 phương tiện vi phạm các lỗi, như: chở quá số người qui định, xe hết đăng kiểm nhưng vẫn tham gia lưu thông, không có đầy đủ giấy tờ liên quan…

Sau sự việc một số câu hỏi được đặt ra: đây là sự cẩu thả trong khâu tổ chức hay là những biểu hiện của sự lệch chuẩn về văn hóa của các đơn vị, cá nhân tham gia sự kiện Lễ hội? Câu trả lời là cả hai. Thực tế, những năm gần đây cho thấy, hiện tượng “lệch chuẩn” về văn hóa, đạo đức xã hội đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng nhiều, không chỉ gây ra những hình ảnh phản cảm, mà còn làm mất niềm tin về bản sắc văn hóa dân tộc. Môi trường văn hóa ở nhiều nơi bị “ô nhiễm” xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, mặt trái của nền kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế. Việc ban hành quy định, hướng dẫn về xây dựng môi trường văn hóa nói chung chưa đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm. Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa nói chung, xây dựng môi trường văn hóa nói riêng. Chính vì thế, các phong trào, chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa diễn ra còn mang tính hình thức, thời vụ.

Vẫn biết, xây dựng văn hóa là công việc lâu dài và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ góp phần tạo ra những con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, năng lực và bản lĩnh, đồng thời khắc phục và đẩy lùi cái xấu, tiêu cực ra khỏi đời sống xã hội.

                                                              

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy