Ngay sau khi trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip được cho là trích xuất từ camera của nhà trường ghi lại sự việc xảy ra vào ngày 15/9, phản ánh một nữ giáo viên 26 tuổi dùng gai đâm vào chân và tay một số trẻ mầm non đang học tại Trường Mầm non chất lượng cao Kỳ Bá - Fairy Dream 2 (Khu đô thị Kỳ Bá, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình), với lý do vì các cháu mất trật tự đã gây lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Vụ việc được phản ánh, các ngành chức năng của TP Thái Bình đã nhanh chóng vào cuộc điều tra để làm rõ mức độ vi phạm, giáo viên có hành vi bạo hành trẻ em cũng đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục; đặc biệt là vấn đề đạo đức của những người được giao trọng trách “trồng người”. Đáng buồn là thời gian qua trong giáo dục liên tục xảy ra các vấn đề nóng khiến dư luận bức xúc và hoài nghi. Tình trạng thầy, cô bạo hành học trò, thầy lạm dụng tình dục học sinh vị thành niên, cô giáo lộ ảnh nóng khi tập huấn trực tuyến, thầy giáo gạ tình đổi điểm… dường như xuất hiện ngày càng dày hơn.
Xưa nay chúng ta vẫn quan niệm “Lương sư hưng quốc” nghĩa là người thầy không chỉ có cái đầu của nhà khoa học hiểu sâu biết rộng mà còn phải có một trái tim nhẫn nại, kiên trì uốn nắn học trò; đủ ấm áp và bao dung để mở rộng tấm lòng trao gửi yêu thương. Vì vậy, việc xây dựng hình ảnh một người thầy mẫu mực xứng đáng để học sinh noi theo là điều tiên quyết để thực hiện đổi mới giáo dục. Cốt cách của người thầy chính là yếu tố quan trọng để xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện; để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà; nhất là giáo dục mầm non. Người từng căn dặn: “Dạy mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy thì phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây non lên tốt. Dạy trẻ nhỏ được tốt thì sau này các cháu trở thành người tốt…”. Từ vụ việc trên, càng thấm thía hơn những lời dạy của Bác năm xưa: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
Vụ việc cô giáo lấy gai bưởi đâm vào cơ thể trẻ ở một trường mầm non của TP Thái Bình cũng chỉ là một trong rất nhiều vụ gây nhức nhối dư luận. Trong bất kỳ giai đoạn nào việc chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ luôn là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội, trong đó nhà trường chính là cái nôi ươm mầm thế hệ trẻ.
Vì vậy để ngăn chặn những vụ việc đau lòng như trên cần kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo điều kiện tốt nhất mà nhà trường và gia đình có được để giúp trẻ học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”; giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện thể lực, trí tuệ và nhân cách con người mới. Vì đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời đại mới.
Minh Thu