Học sinh đến trường để nhận được sự yêu thương, dạy dỗ

Mấy ngày qua, thông tin về nữ sinh N.T.N.Y (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang) được cho là tự tử trong nhà vệ sinh tại trường học đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. 

Theo báo chí đưa tin, nguyên nhân bắt đầu từ việc nữ sinh không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức. Ngoài ra, giáo viên dạy môn Toán trong lớp cho rằng em mặc áo dài mỏng, lộ “nội y” nhưng đỉnh điểm dẫn đến hành động cực đoan của Y. là khi nữ sinh này bị nhà trường "bêu" tên trước toàn trường, đã khiến nữ sinh xấu hổ, uất ức.
Được biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT An Giang đã cử cán bộ đến xác minh sự việc và nhận thấy, Ban Giám hiệu Trường THPT Vĩnh Xương có nhiều thiếu sót trong công tác tổ chức, quản lí và biện pháp xử lý học sinh. Cụ thể, nhà trường đã tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng với quy định của ngành. Lãnh đạo nhà trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc trên, gây bức xúc đối với phụ huynh, bản thân học sinh và dư luận. Theo đó, ngày 6/12, Sở GD&ĐT An Giang đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 7/12). 

Đây thực sự là một vụ việc đáng tiếc xảy ra trong một môi trường giáo dục, nhất là khi cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đang được triển khai mạnh mẽ ở các địa phương. Với mục đích tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập; nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở tập trung mọi nỗ lực của nhà trường vì người học, với các mối quan tâm thể hiện thái độ thân thiện và tinh thần dân chủ,… cuộc vận động đã được các nhà trường hưởng ứng tích cực.

Vì vậy, nhìn nhận lại toàn bộ vụ việc đã xảy ra, khách quan mà nói, chúng ta không nên cổ xúy cho hành động cực đoan của nữ sinh Y., nhưng chúng ta cũng không thể chấp nhận được những hành xử vi phạm quy định ngành của lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đối với em Y. Giáo viên có quyền trách phạt, kỷ luật khi học sinh mắc lỗi, nhưng kỷ luật trong giáo dục là kỷ luật hành vi chứ không phải con người đó… Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Dũng khi trả lời phỏng vấn trên báo chí đã nhấn mạnh: Học sinh ở tuổi vị thành niên, là cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa kể bị tác động bởi nhiều yếu tố nên dễ dẫn đến hành vi lệch lạc. Độ tuổi của các em là độ tuổi đang dung nạp, đang trong giai đoạn học hỏi, hình thành nhân cách… Bởi vậy, nếu mọi biện pháp kỷ luật, răn đe học sinh mà không xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của người thầy thì chính các em học sinh sẽ trở thành đối tượng bị bạo hành tinh thần, mà hành vi bạo hành ấy lại xuất phát từ chính trong ngôi trường mà các em đang theo học. 

Học sinh đến trường để nhận được sự yêu thương, dạy dỗ từ những người thầy không chỉ về kiến thức mà cả kỹ năng sống và đạo đức làm người. Vì vậy, khi các em chưa ngoan, nhà trường, gia đình, giáo viên cần kết hợp đồng hành giáo dục học sinh, để tìm ra tiếng nói công bằng, hạn chế những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra trong tương lai.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy