Lực lượng chức năng ở Hà Nội diễn tập ứng phó với dịch tả lợn châu Phi. Nguồn: VnExpress
Những ngày qua, sự kiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam bước đầu sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi được dư luận trong nước và quốc tế đón nhận với sự sửng sốt xen lẫn mừng vui. Đặc biệt, người chăn nuôi khắp nơi mừng đến rơi nước mắt, phần vì cảm động các nhà khoa học không ngại khó, ngại khổ luôn đồng hành cùng nông dân; phần vì thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nay có thể được chấm dứt, không làm “lao tâm, khổ tứ” người chăn nuôi nữa!
Có thể coi đây là “thần dược” vô hiệu hóa dịch tả lợn châu Phi: “Lợn nái khỏe được tiêm vắc-xin phòng và sống cùng lợn bị nhiễm bệnh, sau hơn hai tháng vẫn khỏe mạnh và đẻ con”… Và “thử nghiệm tiêm cho lợn khỏe nhốt chung với lợn bị bệnh thì lợn được tiêm phòng không bị lây nhiễm”. Thực là kỳ tích! Bởi trên thế giới đã trải qua hàng trăm năm đối mặt với bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn nhưng vô phương cứu chữa. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam trong vài tháng, các nhà khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, bước đầu tìm ra thuốc đặc trị.
Nhắc lại vài con số để thấy bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế và người chăn nuôi đến nhường nào: Trên cả nước bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm thiệt hại khoảng 10% đàn lợn. Còn ở tỉnh ta tính đến ngày 9/7 đã có 7.647 hộ chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng, tổng số lợn tiêu hủy lên tới hơn 107 nghìn con, ước tính kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy khoảng 270 tỷ đồng. Lợn khỏe, lợn bệnh đã cùng một đàn, cùng một chuồng nuôi đều phải tiêu hủy hết. Người chăn nuôi cũng chỉ biết “xuýt xoa” tiếc của, chứ chẳng biết làm cách nào khác!
Các nhà khoa học thầm lặng, tận tụy, trách nhiệm với công việc đã mang đến niềm vui cho cả cộng đồng, nhất là những người nông dân, vốn chỉ lấy việc chăn nuôi, đồng áng làm trọng. Họ làm ra những thành tích xuất sắc không vì mục đích được vinh danh, mà vì tâm nguyện và khát vọng xây dựng, cống hiến.
Vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi đang được nghiên cứu tiếp trên diện rộng và cần lặp lại, bổ sung nhiều thí nghiệm để tối ưu hóa công thức và chất lượng vắc-xin.
Có vắc-xin, chắc chắn đàn lợn sẽ được bảo vệ tốt hơn, sẽ phát triển tốt hơn và ngành chăn nuôi, người nông dân và cả xã hội sẽ được hưởng lợi. Hoan hô các nhà khoa học!
Thanh Bình
Tiến Đoàn