Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn (chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sắp tới) đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Việc xây dựng dự thảo, hướng tới ban hành nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn chính là cụ thể hóa một cách kịp thời tinh thần nội dung Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đồng thời, góp phần bảo đảm sự nhất quán về chủ trương và quyết tâm chính trị, sự đồng bộ, chặt chẽ về nhiệm vụ, giải pháp và hiệu lực thi hành giữa những quy định của Đảng với những quy định, cơ chế chính sách của Nhà nước trong công tác cán bộ.
Đây cũng là giải pháp quan trọng, thiết thực nhằm góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo sâu sắc, toàn diện của Đảng, giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; bảo đảm yêu cầu công khai, công bằng, khách quan, minh bạch gắn với nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cũng như người đứng đầu các cấp, ngành trong công tác lãnh đạo, quản lý và giám sát cán bộ.
Việc xây dựng dự thảo, hướng tới ban hành nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn cũng là giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm đánh giá chính xác uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ; giúp đội ngũ cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Đây cũng là việc làm cần thiết nhằm kịp thời xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với những cán bộ có tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Cao hơn hết, đây còn là giải pháp thiết thực góp phần đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, củng cố, nhân lên niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thế Vĩnh