Cần minh bạch trong việc mua - bán sách giáo khoa lớp 1

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 có sự thay đổi. Theo qui định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) sẽ có 8 đầu sách bắt buộc. Giá các bộ sách được nhà xuất bản thông báo dưới 200.000 đồng.

Ngoài các cuốn SGK chính thức, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học, câu chuyện phụ huynh phải bỏ ra hơn 800 nghìn đồng để mua một bộ sách lớp 1 với 23 đầu sách đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế cả nước vừa trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. 

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên được cho là do phía nhà trường không nêu cụ thể đâu là SGK, đâu là tài liệu tham khảo nên dẫn đến sự hiểu nhầm của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc giới thiệu mua- bán SGK lớp 1 giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở một số địa phương trong thời gian qua đã thiếu sự công khai, minh bạch. Bởi, theo qui định của Bộ GD-ĐT, SGK là tài liệu bắt buộc phụ huynh cần trang bị cho con. Còn với sách tham khảo, nhà trường có trách nhiệm lựa chọn tài liệu phù hợp và trang bị trong thư viện để phục vụ cho việc dạy học. Việc đưa sách tham khảo vào trường học cũng phải trên cơ sở đề xuất của giáo viên và tổ chuyên môn. Nhà trường không được ép buộc phụ huynh mua tài liệu tham khảo mà phải thông tin để phụ huynh mua theo nguyện vọng thực tế… Do vậy, việc nhập nhèm bán sách tham khảo kèm với SGK của một số nhà trường theo phản ánh của dư luận trong thời gian qua là hoàn toàn vi phạm qui định của Bộ GD-ĐT về việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo cho năm học mới. Chính điều này, đã khiến cho phụ huynh học sinh và dư luận hết sức bức xúc. 

Được biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về những lùm xùm về tình trạng mua sách đầu năm, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra các trường trong việc mua sắm SGK và tài liệu tham khảo và nếu phát hiện sai phạm ở khâu nào, khâu đó sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tình thế, việc ra văn bản chấn chỉnh sau khi việc mua sách vở, đồ dùng học tập đã hoàn tất là việc làm khá chậm trễ của Bộ GD-ĐT.  

Năm học 2020-2021 là năm học đặc biệt do tác động của dịch Covid-19. Hơn nữa, đây lại là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Vì thế, hơn bao giờ hết, ngành giáo dục cần nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện thành công chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, tạo tiền đề cho các năm học tiếp theo. Việc công khai, minh bạch trong việc hướng dẫn mua - bán SGK khi bước vào năm học mới là việc cần phải làm của ngành giáo dục đặc biệt là đối với các nhà trường.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy