Cần có một “cái đầu lạnh” khi tiếp cận “đại lộ thông tin” trên mạng xã hội

Liên quan đến thông tin về bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ được đăng tải và lan truyền trên mạng internet những ngày qua, chiều 9/8, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với chủ thể đăng ký và sử dụng tài khoản facebook Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ về việc cung cấp, chia sẻ thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố. Mặc dù, ngay sau đó, các tài khoản trên đã kịp thời gỡ bài và đăng lời xin lỗi tới cộng đồng khi phát hiện những thông tin từ facebook Trần Khoa là hoàn toàn không có thật. Tuy nhiên, căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã có quyết định xử phạt hành chính đối với hai trường hợp trên. 

Cần có một “cái đầu lạnh” khi tiếp cận “đại lộ thông tin” trên mạng xã hội
Ảnh minh họa.

Như vậy, tùy theo mức độ vi phạm của hành vi cụ thể, những cá nhân tạo dựng nên câu chuyện giả mạo để đưa lên không gian mạng đã bị xử phạt theo đúng qui định của pháp luật. Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng bức xúc và mất niềm tin không chỉ dừng lại ở những thông tin giả mạo bị phát giác, mà điều đáng nói là những thông tin giả mạo ấy sau khi được đăng tải, đã được chia sẻ bởi rất nhiều người, trong đó có cả những người làm báo. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Đằng sau động cơ đưa thông tin giả này lên mạng là gì? Tài khoản Trần Khoa là ai? Có hay không dấu hiệu trục lợi cá nhân? Nếu câu chuyện hư cấu của tài khoản bác sĩ Trần Khoa không bị phát giác thì liệu có hay không việc lợi dụng lòng tốt để chiếm đoạt tiền quyên góp của những nhà hảo tâm? 

Qua vụ việc trên có thể thấy, việc đưa thông tin sai sự thật không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể, nhân viên ngành y tế khi cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp mà còn gây mất niềm tin của nhân dân. Hơn nữa, việc đưa hình ảnh trẻ sơ sinh, người bệnh lên mạng xã hội khi chưa được phép cũng là một hành vi vi phạm pháp luật cần lên án.

Nói như vậy để thấy, bất cứ ai khi tham gia mạng xã hội; nhất là đối với những người làm báo, ngoài những kiến thức xã hội, sự am hiểu về luật pháp cần phải tỉnh táo chọn lọc và thẩm định thông tin trước khi chia sẻ lên mạng xã hội. Đây không chỉ là vấn đề nghiệp vụ mà là vấn đề đạo đức người làm báo. Trong xã hội, bất cứ ngành nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, nhưng với người làm báo thì đạo đức nghề nghiệp càng phải được coi trọng và đề cao. Bởi sản phẩm của nhà báo có tác động đến nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội, mang tính định hướng về nhận thức, tư tưởng và đạo đức. Trách nhiệm xã hội của nhà báo vì thế luôn được đề cao thành một chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của người cầm bút tử tế, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy