Cần có bản án thích đáng cho những kẻ coi thường pháp luật

Sự việc bé gái 8 tuổi T.T.V.A bị mẹ kế bạo hành đến chết ngay trước Lễ Giáng sinh ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Sự ra đi của bé không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình, người thân, mà còn là lời cảnh tỉnh lương tri đối với tất cả những bậc làm cha, làm mẹ, những người mặc nhiên chấp nhận và cổ vũ cho những quan niệm dung dưỡng hành vi bạo lực trẻ em như "Con tôi đẻ ra, tôi có quyền", "Thương cho roi cho vọt"…

Một đứa trẻ “Ăn chưa no, lo chưa tới” bị tước đoạt mạng sống, ra đi trong đau đớn, tức tưởi và cô đơn với một cơ thể bầm tím ngay trong chính ngôi nhà của mình bởi sự vô cảm của người bố ruột và mẹ kế đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh. Không đủ khả năng tự bảo vệ trước những hành vi bạo lực của người mẹ kế, nỗi đau của bé và gia đình càng nhân lên bởi thái độ vô cảm, mất nhân tính của người cha ruột. Vì vậy, nếu hành vi của người mẹ kế bị lên án một, thì hành vi, thái độ của người cha ruột đáng bị lên án mười. 

Theo như báo chí đưa tin, hành vi bạo hành với bé T.T.V.A đã diễn ra khá lâu và thường xuyên kể từ khi cha mẹ bé ly dị và bé được đưa về sống cùng bố và mẹ kế. Điều đáng buồn là, sau khi phát hiện những tiếng đánh đập, mắng chửi và gào khóc của bé, những người hàng xóm đã báo Ban Quản lý khu chung cư nơi em đang sống, nhưng những hành vi đó đã không được ngăn chặn kịp thời chỉ vì quan niệm “Chuyện riêng nhà người ta, con người ta, người ta dạy”. Chỉ đến khi bé ra đi, tiếng kêu cứu tắt lịm, người ta mới bàng hoàng và đặt ra hàng loạt các giả thiết.

Giá như người cha của em không thản nhiên xem việc vợ kế làm với con mình là điều bình thường; giá như Ban Quản lý khu chung cư nơi em sống không xem đó là "Chuyện dạy con của nhà người ta"; giá như những người hàng xóm xung quanh hiểu biết về pháp luật và có kỹ năng nhận diện những hành vi bạo hành và những đối tượng bị bạo hành; giá như các đoàn hội, tổ chức có chức năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ năng động trong hoạt động phong trào… thì có lẽ đứa trẻ sẽ được giải cứu kịp thời và tránh được cái kết đau lòng này. 

Theo quy định tại Luật Trẻ em 2016, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã nêu rõ: Cha dượng, mẹ kế cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con riêng của chồng, của vợ mình đến khi trưởng thành. 

Hành vi bạo hành khiến trẻ em tử vong tùy tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả sẽ bị xử lý tương ứng với quy định của pháp luật. Được biết, hiện đối tượng bạo hành bé T.T.V.A đã bị khởi tố và vụ án đang được điều tra làm rõ, những hành vi bạo hành của người mẹ kế và thái độ vô cảm, đồng lõa của người cha ruột tất yếu sẽ bị pháp luật xử lý. Sẽ có một bản án thích đáng cho những kẻ coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe và mạng sống của người khác, nhưng bản án nặng hơn cả đó chính là bản án từ tòa án lương tâm dành cho họ trong suốt những phần đời còn lại- sống trong nỗi ám ảnh và day dứt.

Thiết nghĩ, đây cũng là một bài học lớn cho những người làm cha, làm mẹ về cách ứng xử trong quan hệ hôn nhân, tình cảm gia đình; bài học về ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trước những hành vi bạo lực. Vụ việc này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người sống vô trách nhiệm, thiếu đạo đức và coi thường pháp luật.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy