Bảo vệ trẻ em trước thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

Những ngày qua, clip có nội dung, hình ảnh “xin vía học giỏi từ búp bê Kumanthong” của youtuber Thơ Nguyễn được đăng tải đã gây bức xúc dư luận xã hội, nhất là các bậc phụ huynh. Không chỉ nhận về rất nhiều những chỉ trích, phản đối của dư luận, sau vụ việc này, youtuber Thơ Nguyễn đã phải đối diện với pháp luật, bởi hành vi lợi dụng mạng xã hội cung cấp và tuyên truyền thông tin mê tín dị đoan không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 101 của Nghị định 15, cơ quan chức năng đã phạt tiền đối với hành vi trên là 7,5 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm. Những hành vi vi phạm pháp luật của Thơ Nguyễn đã bị xử lý.

Tuy nhiên, đã đến lúc câu chuyện trẻ em với mạng xã hội cần được các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn. Cần cụ thể hóa những quy tắc để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng xã hội. Thực tế, Thơ Nguyễn không phải là một hiện tượng cá biệt trên mạng xã hội phải trả giá cho những hành vi vi phạm qui định của pháp luật. Bởi, trước đó, đã có Khá Bảnh, Huấn hoa hồng hay Hưng vlog… cũng đã bị xử lý.

Vậy tại sao, những hành vi vi phạm đó chưa bị ngăn chặn triệt để và YouTube vẫn là mảnh đất màu mỡ để những nhân vật như Thơ Nguyễn “làm mưa, làm gió” với lượng fan khổng lồ? Phải chăng, những biện pháp xử lý theo qui định của pháp luật hiện nay của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh, nên không đủ sức răn đe và ngăn chặn sự tấn công của vi-rút mang thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Phải chăng, chính sự tò mò, hiếu kỳ của cư dân mạng đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhà kinh doanh trực tuyến khai thác, làm giàu?

Qua clip “xin vía học giỏi từ búp bê Kumathong”, chúng ta thấy rõ những lệch lạc trong tư duy học hành mà Thơ Nguyễn đã truyền tải, đó là muốn học giỏi chỉ cần “xin vía từ búp bê Kumathong”, một thứ bùa ngải mang nặng màu sắc mê tín dị đoan, có nguồn gốc từ Thái Lan. Mặc dù, sau đó, Thơ Nguyễn đã có những giải trình trước cơ quan pháp luật nhưng điều đó cũng đã muộn khi mà đã có hàng ngàn, hàng vạn đứa trẻ, fan ruột của kênh YouTube Thơ Nguyễn đã xem và bị tác động bởi thông tin xấu độc đó. 

Để ngăn chặn những thông tin xấu độc trên không gian mạng ảnh hưởng tới trẻ em, thay vì sai đâu xử đó kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, chúng ta cần có biện pháp nâng cao nhận thức cho nhóm đối tượng này. Tin rằng, nếu kịp thời cung cấp kiến thức cho họ về trách nhiệm của bản thân trước pháp luật và với cộng đồng thì các nội dung, sản phẩm phi giáo dục, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ sẽ ngày càng hạn chế. Đồng thời, cần siết chặt công tác quản lý, xây dựng và ban hành chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe. Bên cạnh đó, cũng phải nhấn mạnh trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc bảo vệ con cái trong không gian mạng xã hội.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy