“Giải cứu” nông sản - Chuyện chưa bao giờ cũ

Những ngày qua, cùng với “sức nóng” của tình hình bệnh dịch Covid-19 tại các quốc gia trên thế giới thì chủ đề “giải cứu” nông sản (dưa hấu, thanh long, sầu riêng...) cũng là vấn đề “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhìn lại thực tế sản xuất nông nghiệp của cả nước nhiều năm qua có thể thấy, đây không phải là lần đầu tiên việc “giải cứu” dưa hấu được phát động và tổ chức ở nhiều địa phương. 

Một câu hỏi được đặt ra: làm sao để nâng mức tiêu thụ dưa hấu ngay chính thị trường trong nước và người tiêu dùng sẽ không chờ đến những đợt “giải cứu” mới mua dưa hấu mà sẽ thường xuyên được mua với giá cả ổn định và chất lượng an toàn? 

Hành trình “giải cứu” dưa leo, củ cải, dưa hấu, sầu riêng... đến bao giờ mới thực sự kết thúc và đến khi nào sản xuất nông nghiệp của nước ta mới thoát khỏi tình trạng này? Vai trò của nhà quản lý ở đâu khi mỗi vụ thu hoạch của nhà nông đều cần sự “giải cứu” từ cộng đồng xã hội?

Thực tế, không một nông dân nào muốn nông sản mình trồng ra phải giải cứu, thua thiệt đủ đường; nhất là trong thời điểm xảy ra bệnh dịch, khi thị trường Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các loại nông sản nước ta bị “đóng băng”. Vấn đề người dân cần là một chính sách quy hoạch rõ ràng về mùa vụ, về diện tích, loại cây trồng, vật nuôi để đến mùa thu hoạch nông sản không bị dồn ứ  hay ép giá. Sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân để an tâm sản xuất, đầu ra ổn định. Tình trạng "được mùa, mất giá" đã diễn ra nhiều năm nay, những cuộc "giải cứu" tình thương vẫn tiếp tục mỗi khi nông sản vào vụ. Nông dân gần như “lạc lõng” giữa “rừng” thông tin về thị trường, lại quen sản xuất theo lối cũ, nên thường là người chịu thua thiệt.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, trong khi một số địa phương trông chờ, ỷ nại vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, thì tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình liên kết để tiêu thụ nông sản thực sự hiệu quả. 

Ví như tại thành phố Đà Nẵng, cứ vào Chủ nhật cuối tháng lại diễn ra "phiên chợ nông dân" do một doanh nghiệp duy trì. Phiên chợ này đã tổ chức được 2 năm, tạo sự kết nối giữa người mua và người bán các nông sản sạch và đã ít nhiều góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân cũng như các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông sản. Bởi "giải cứu" những nông sản đang bị tồn đọng dù là một hành động rất nhân văn trong cộng đồng xã hội nhưng cũng chỉ mang tính “chữa cháy”.

Đã đến lúc việc quy hoạch, định hướng và tuyên truyền, vận động nông dân trong sản xuất nông nghiệp phải được các địa phương nhìn nhận, đánh giá lại và thực hiện hiệu quả. Chuỗi liên kết “4 nhà” tại không ít địa phương cần phải được thiết lập lại một cách chặt chẽ và thực chất, phù hợp với tình hình sản xuất và tiêu thụ trong nước và trên thế giới. Có như thế “giải cứu” nông sản mới không còn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” nữa.

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.