Từ phong trào trồng cây đầu xuân nghĩ về lời dạy của Bác

Ngày 28/11/1959, trong một bài viết đăng trên Báo Nhân Dân, Bác Hồ đã đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng và ngày 11/1/1960, Bác đã trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất, mở đầu cho Tết trồng cây, một phong trào mới, tốt đẹp vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc do Người phát động.

Tết trồng cây đã thể hiện tư tưởng lớn của Người, một lãnh tụ vĩ đại, cả một đời luôn vì nước, vì dân. Không chỉ xây dựng nước nhà ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững, mà Người còn luôn quan tâm bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Thấm nhuần tư tưởng của Người, ngay sau khi phát động, phong trào đã được cán bộ, nhân dân cả nước hưởng ứng và tích cực tham gia. Phong trào Tết trồng cây được duy trì và phát triển ngày càng sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Hơn 60 năm qua, Tết trồng cây luôn song hành cùng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, các địa phương, đơn vị, cơ quan… trong cả nước lại sôi nổi tổ chức Tết trồng cây nhằm thực hiện mong muốn của Bác trong bài “Tết trồng cây” Người viết năm 1959, khởi đầu cho những mùa xuân, những Tết trồng cây sau này: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.  Phong trào với ý nghĩa giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái thân thiện, bền vững với đời sống con người, đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Hà Nam nói riêng.

Cây xanh được trồng trên tuyến đường T1, địa phận thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm. Ảnh: Mạnh Hùng

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã tích cực hưởng ứng tham gia phong trào trồng cây nhân dân, cây phân tán, trồng rừng và đã đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, phát huy tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2024, thực hiện Chỉ thị số 422/CT-BNN-LN ngày 12/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và triển khai thực hiện Kế hoạch số 3604/KH-UBND ngày 24/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Hà Nam, hằng năm, cứ vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, các địa phương trong tỉnh lại đồng loạt ra quân trồng cây xanh. Sau 20 ngày ra quân, toàn tỉnh đã trồng được trên 500 nghìn cây xanh các loại (đạt 45,6%) kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt, Bảo vệ thực  vật và Kiểm lâm Hà Nam, kết quả trên là nhờ các địa phương trong tỉnh đã thực sự quan tâm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây” với những nội dung, hình thức phù hợp, hiệu quả; qua đó, động viên các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng, thực hiện tốt phong trào trồng cây nhân dân, cây phân tán gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu... Tiếp tục hưởng ứng phong trào trồng cây nhân dân, năm 2024, trên cơ sở bám sát Kế hoạch số 3604/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí kinh phí, tổ chức thực hiện chặt chẽ, có phương án chi tiết về địa điểm, loại cây, diện tích, số lượng cây trồng… bảo đảm kế hoạch trồng 1.100.000 cây xanh năm 2024 (trong đó, huyện Kim Bảng 180.000 cây; huyện Thanh Liêm 170.000 cây; huyện Bình Lục 210.000 cây; huyện Lý Nhân 220.000 cây; thị xã Duy Tiên 200.000 cây; thành phố Phủ Lý 120.000 cây).

Nhằm phát huy giá trị của cây xanh đối với môi trường và đối với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã chỉ đạo các địa  phương, đơn vị có phương án lựa chọn cây trồng phù hợp. Cụ thể, đối với các xã đồng bằng chọn và bố trí trồng cây ăn quả có giá trị cao cải tạo cây trồng cũ, trồng cây lấy gỗ ven đường, dọc bờ sông kết hợp xây dựng các hàng cây có tác dụng phòng hộ đồng ruộng. Đối với thành phố, thị trấn, trồng cây trên các đường phố, đường giao thông trọng yếu, công viên để tạo bóng mát và cảnh quan. Trong các cơ quan, khu tái định cư, khu công nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện bố trí trồng cây xanh tạo bóng mát, cải tạo môi trường. Đối với những xã miền núi, lựa chọn cây trồng ở những đồi gò, vườn rừng, trang trại rừng theo phương thức nông lâm kết hợp. Sau khi trồng, các địa phương phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc, bảo vệ để cây sống và sinh trưởng phát triển tốt.

Có thể khẳng định, hơn 60 năm qua (kể từ mùa xuân năm 1960) phong trào trồng cây xanh đầu xuân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân trong tỉnh. Phong trào đã mang lại giá trị thiết thực, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.Phong trào “Tết trồng cây” không chỉ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, mà  “Tết trồng cây” còn là một bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. “Tết trồng cây” đã tạo nên một phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân ta mỗi khi Tết đến Xuân về.

“Tết trồng cây” sẽ mãi là động lực to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái, nhiệt tình, ra sức trồng cây, trồng rừng, góp phần làm cho đất nước ta ngày càng giàu đẹp, xanh tươi và thịnh vượng. Trong giai đoạn hiện nay, lời căn dặn về "Tết trồng cây" của Bác Hồ càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; hơn nữa hiện nay vẫn còn một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, hiệu quả của "Tết trồng cây".

Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tốt hơn nữa "Tết trồng cây" theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để càng làm sáng ngời nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy