Tác động từ biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường. Các hình thái thời tiết không còn xảy ra theo quy luật hàng năm. Những bất thuận của thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, phát triển kinh tế. Nhìn lại thời tiết năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều hình thái cực đoan. Điển hình là cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc, trên địa bàn tỉnh có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; tổng lượng mưa do hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn phổ biến từ 150 – 200mm. Tiếp đến, đợt lũ trên sông Hồng và sông Đáy vượt báo động 3 (sông Hồng vượt 50 cm, sông Đáy vượt đến 122 cm), gây ngập lụt diện rộng cho vùng bãi ngoài đê. Trong năm cũng xuất hiện đến 4 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt (nhiệt độ đo được 41,8oC, cao nhất trong chuỗi số liệu tại trạm Khí tượng thủy văn Hà Nam); tổng lượng mưa cả năm cao hơn trung bình nhiều năm, nhiều trận mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn xuất hiện…
Ông Hoàng Đức Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam cho biết: Năm 2024, thiên tai diễn ra đặc biệt khốc liệt ảnh hưởng đến nước ta, cả bão, lũ và nắng nóng. Năm 2025, dự báo trạng thái khí quyển duy trì ở pha La Nina từ tháng 4 – 6, sau đó về trạng thái trung tính đến những tháng cuối năm; các hình thái thời tiết không còn cực đoan, khốc liệt như năm trước. Đối với bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khoảng 1 – 2 cơn khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, 1 cơn ảnh hưởng đến khu vực Hà Nam, tương đương mức trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa trên địa bàn ở mức 1.000 – 1.300 mm, xấp xỉ trung bình nhiều năm, xuất hiện từ 7 – 9 đợt mưa to diện rộng. Về nắng nóng, có số ngày ít hơn trung bình nhiều năm, ít gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2024, xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm.
Vật tư phục vụ phòng, chống thiên tai của tỉnh để tại kho của Hạt quản lý đê Phủ Lý.
Cũng theo ông Hoàng Đức Hùng, do tình hình biến đổi khí hậu nên yếu tố khí hậu cực đoan vẫn có thể xuất hiện đột biến như: dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, cục bộ trong các tháng giao mùa (tháng 4, 5); nắng nóng gay gắt có thể xuất hiện nhưng không kéo dài và mưa, lũ, bão mạnh vẫn có thể xuất hiện. Do vậy, công tác chủ động ứng phó cần được quan tâm để hạn chế thấp nhất thiệt hại…
Từ thực tế thiên tai, bão, lũ năm 2024 và bất thuận, khó lường của dự báo thời tiết năm 2025, cần có sự chủ động ứng phó của mọi cấp, ngành chức năng và trực tiếp người dân. Tình trạng lũ trên các sông lên cao sẽ gây ngập lụt cho diện tích sản xuất và khu dân cư ngoài đê. Vì vậy, cần bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê sông lớn như sông Hồng, sông Đáy. Đồng thời, chống úng ngập tại các khu công nghiệp, đô thị và diện tích sản xuất nông nghiệp… Các cơ quan chuyên môn, nhất là Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam thường xuyên dự báo, cảnh báo, truyền phát thông tin kịp thời giúp phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cần làm tốt công tác quản lý, xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi; nâng cao vai trò quản lý đê nhân dân, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, sớm phát hiện các sự cố bảo đảm xử lý tốt ngay giờ đầu. Hệ thống công trình thủy lợi cần thường xuyên được nạo vét, khơi thông dòng chảy bảo đảm năng lực phục vụ. Đối với hệ thống kênh trong các khu công nghiệp, đô thị cũng cần được bảo đảm thông thoáng, thoát nước nhanh. Về phía người dân, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết thông qua các bản tin trên hệ thống thông tin đại chúng để chủ động ứng phó cả trong sinh hoạt và sản xuất. Ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Việc chủ động ứng phó là biện pháp hiệu quả nhất đối với bất thuận của thời tiết. Quan trọng nhất là cần tránh tư tưởng chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” luôn được quan tâm, sẵn sàng trong mọi thời điểm.
Mùa mưa, bão, lũ năm 2025 đang đến gần. Công tác chuẩn bị các điều kiện về vật tư, phương tiện, nhân lực… phòng, chống thiên tai cần được triển khai sớm. Các công trình đê điều, thủy lợi gặp sự cố trong năm 2024 cần được sớm hoàn thành, gia cố theo yêu cầu, bảo đảm năng lực phục vụ. Qua đó, góp phần ứng phó hiệu quả với bất thuận của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Manh Hùng