Bình Lục tăng cường kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Bình Lục xảy ra hiện tượng một số hộ gia đình, doanh nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại chưa quan tâm đến việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Tình trạng này diễn ra ở các xã: Tiêu Động, La Sơn, Trung Lương, thị trấn Bình Mỹ gây bức xúc cho nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực. Do đó, mới đây các cấp, ngành của tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp phát thải từ chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Theo báo cáo của ngành chức năng về kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 11 trang trại chăn nuôi lợn tại thị trấn Bình Mỹ chưa áp dụng biện pháp thu gom, xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường. Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) và UBND thị trấn đã lập biên bản yêu cầu các chủ trang trại thực hiện đầy đủ biện pháp như: Đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt tiêu chuẩn và xử lý vi phạm hành chính một trường hợp với số tiền 2,5 triệu đồng. Đến nay, các trang trại đã từng bước khắc phục những tồn tại, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải và có 10/11 trang trại chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà. Từ đó, hạn chế được tình trạng xả nước thải, chất thải chăn nuôi ra môi trường.

Bình Lục tăng cường kiểm tra giám sát bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Chuồng trại chăn nuôi của anh Nguyễn Hữu Tiến, xã Đồng Du, Bình Lục thường xuyên được khử trùng, tiêu độc.

Còn trên dòng kênh BH23 đoạn qua các xã: La Sơn, Tiêu Động từ đầu năm đến nay tại một số thời điểm nước ô nhiễm do nguồn phát thải từ chăn nuôi lợn của một số trang trại trong khu vực ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư ven hai bờ kênh. Trước tình trạng này, UBND huyện đã yêu cầu các địa phương kiểm tra các hộ chăn nuôi trên địa bàn, trong đó phối hợp với cơ quan Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra trang trại lợn của Công ty TNHH nông nghiệp và xây dựng Đồng Xuân ở xã Tiêu Động. Tại đây, đã phát hiện công ty xả thải từ chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường kênh BH23 và ngành chức năng lấy mẫu nước thải, lập biên bản xử lý theo quy định. Căn cứ Quyết định số 12/QĐ-XPHC ngày 19/5/2023 của Phòng Cảnh sát môi trường về xử phạt vi phạm hành chính, Công ty đã vi phạm: xả nước thải có chứa thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 đến dưới 3 lần vào môi trường trong trường hợp thải lượng nước thải 0,5m3/ngày đến dưới 10m3/ngày. Mức vi phạm bị xử lý với số tiền 27,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu công ty thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Theo đó, ngày 26/5/2023, Công ty đã có văn bản số 01/VB-CT gửi các ngành chức năng về việc tạm ngừng nuôi 5.000 con heo hậu bị để tiến hành sửa chữa các công trình xử lý nước thải theo quy định.

Cùng với đó, theo phản ánh của nhân dân xã Trung Lương, thời gian qua nguồn nước trên sông Sắt, kênh S17 bị ô nhiễm do hoạt động thu mua, buôn bán lợn của các hộ kinh doanh và xả thải từ chăn nuôi tại một số trang trại trong khu vực. Theo đó, cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện phối hợp với UBND xã đôn đốc các hộ chăn nuôi, kinh doanh buôn bán lợn xây dựng các hạng mục công trình thu gom, xử lý chất thải, nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường; xử lý xác động vật chết đúng quy định về chăn nuôi, thú y, nghiêm cấm không vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh buôn bán lợn và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm tại địa phương.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, hiện nay huyện Bình Lục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp và rà soát các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương và yêu cầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Tăng cường quản lý, phân loại theo quy mô chuồng trại để áp dụng biện pháp xử lý chất thải, hạn chế tối đa tình trạng phát tán ra môi trường. Chú trọng tập huấn, hướng dẫn các hộ áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Triển khai các biện pháp giảm thiểu như: xây dựng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; sử dụng men vi sinh, xây bể biogas; thu gom phân khô, ủ mục để sử dụng trong trồng trọt. Yêu cầu các cơ sở chăn nuôi xây dựng hệ thống thu gom, lắng lọc xử lý chất thải, nước thải trước khi thải ra môi trường. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ và đột xuất các hộ chăn nuôi nhằm phát hiện những hành vi vi phạm để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tích cực ra quân khơi thông cống rãnh vào các ngày 7; 17; 27 hằng tháng và tổ chức ký cam kết không xả chất thải, nước thải, vứt xác động vật ra môi trường; thu gom, xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi và chôn lấp, xử lý xác động vật chết bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.

Để ngăn chặn tình trạng xả thải từ chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường, bên cạnh chế tài xử lý theo quy định của pháp luật, UBND huyện còn yêu cầu các cấp, ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường chăn nuôi. Huyện yêu cầu các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp nghiêm túc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy định nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi ở mỗi địa phương.

Anh Thắng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy