Bệnh nhân ung thư cần chú ý điều gì trong đại dịch?

Với bệnh nhân ung thư, việc thăm khám nên được giảm xuống mức an toàn trong đại dịch Covid-19. Bệnh nhân đang điều trị bằng đường uống có thể theo dõi từ xa, nên được cung cấp thuốc ít nhất 3 đợt để giảm tiếp cận bệnh viện.

Bệnh nhân ung thư cần chú ý điều gì trong đại dịch
Chăm sóc bệnh nhân ghép tủy điều trị ung thư máu tại bệnh viện trung ương Quân đội 108.

Câu hỏi: Gia đình tôi có bệnh nhân K vú đã điều trị 2 năm. Gia đình cần lưu ý điểm gì trong chăm sóc người bệnh khi Covid-19 chưa được khống chế?

Trả lời: 

Bác sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung, Khoa Huyết học lâm sàng, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:

Đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ 3, đã có rất nhiều người nhiễm bệnh và cuộc sống bị ảnh hưởng, có khi là đảo lộn. Đối với bệnh nhân bị ung thư thì mức tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 càng nhiều hơn.

Không những kế hoạch chẩn đoán, điều trị bệnh nhân chịu ảnh hưởng mà còn rất nhiều hệ lụy khác mà đại dịch gây nên như: thiếu hụt thuốc, bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, kinh tế … làm cho hiệu quả điều trị giảm sút, tăng tỷ lệ tử vong do bệnh.

Đến nay, dịch Covid-19 đang dần được coi là bệnh đặc hữu, nghĩa là bệnh sẽ không biến mất mà trở thành một căn bệnh thường niên. Vì vậy, cần phải có phương cách để thích nghi, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, duy trì hiệu quả điều trị cao nhất mà vẫn bảo đảm an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Đối với tất cả các bệnh nhân ung thư thì việc tuân thủ nguyên tắc 5K + vaccine cần được thực hiện chặt chẽ hơn với người khỏe mạnh.

Những bệnh nhân có nguy cơ cao

Cho đến nay, không có báo cáo hệ thống nào về tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao hơn ở bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, dữ liệu hạn chế gần đây từ Trung Quốc, Italia và Mỹ, dường như xác nhận có rủi ro cao hơn.

Dữ liệu hiện có chỉ ra rằng, người cao tuổi dễ bị tổn thương hơn, với các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như bệnh hô hấp mãn tính, bệnh tim mạch hoặc thận mãn tính, tiểu đường, ung thư đang hoạt động và các bệnh mãn tính nói chung.

Do đó, trong đại dịch Covid-19, cân bằng về lợi ích và nguy cơ của việc điều trị ung thư cần được xem xét ở một số bệnh nhân nhất định.

Đối với những bệnh nhân ung thư đang được điều trị tích cực cần xác định những cách thức để bảo đảm tuân thủ được kế hoạch điều trị. Việc thăm khám nên được giảm xuống mức an toàn và khả thi nhất mà không gây ảnh hưởng việc chăm sóc bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân đang điều trị bằng đường uống có thể theo dõi từ xa, nên được cung cấp thuốc ít nhất 3 đợt để giảm tiếp cận bệnh viện. Việc theo dõi xét nghiệm cho những bệnh nhân đó có thể được thực hiện tại các cơ sở y tế địa phương gần nhà. Trì hoãn tất cả các lần tái khám nếu không có dấu hiệu tái phát.

Cần có các quy trình phân loại nghiêm ngặt và an toàn để đánh giá bất kỳ triệu chứng Covid-19 nào cũng như mức độ khẩn cấp và cần thiết của việc nhập viện. 

Ở bệnh nhân ung thư, các yếu tố nguy cơ bao gồm: bệnh nhân đang hóa trị hoặc đã được hóa trị trong 3 tháng qua; bệnh nhân được xạ trị trên diện rộng; những người đã ghép tế bào gốc tạo máu trong vòng 6 tháng, hoặc những người vẫn đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; 

Những người bị ung thư máu, ung thư hạch làm tổn thương hệ thống miễn dịch, ngay cả khi họ không cần điều trị; bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch suy giảm, như: giảm bạch cầu, giảm immunoglobulin, dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (steroid, kháng thể)

Cần đặc biệt chú ý trong trường hợp các triệu chứng mới xuất hiện, như: sốt, ho khan, viêm họng, khó thở, đau cơ, mệt mỏi, mất khứu giác, vị giác, rối loạn tiêu hóa.

Trong những tình huống như vậy, cần xác định xem bệnh nhân có bị nhiễm Covid-19 hay không. Ưu tiên xét nghiệm RT-PCR SRAS-CoV-2 cho tất cả bệnh nhân có các triệu chứng gợi ý nhiễm Covid-19 mà đang được điều trị tích cực (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch, hoặc bất kỳ phương pháp điều trị chống ung thư tích cực nào). 

Khuyến nghị trong quyết định điều trị đối với bác sĩ:

•    Nên trao đổi, thảo luận với các chuyên gia và với bệnh nhân qua điện thoại hơn là gặp mặt trực tiếp

•    Quyết định bắt đầu hoặc tiếp tục điều trị phải được thảo luận cho cả bệnh nhân không bị nhiễm và bệnh nhân dương tính với SARS-CoV2 sau khi cân nhắc và giải thích rủi ro, lợi ích thích hợp.

•    Cần trao đổi với bệnh nhân về lợi ích và rủi ro của liệu pháp điều trị ung thư hiện tại trong bối cảnh của đại dịch Covid-19: bối cảnh điều trị, tiên lượng bệnh, bệnh đi kèm của bệnh nhân, sở thích của bệnh nhân, xác suất và rủi ro do nhiễm Covid-19.

•    Nếu có kế hoạch điều trị tại chỗ cho giai đoạn sớm (phẫu thuật hoặc xạ trị), cân nhắc các khả năng trì hoãn bằng cách sử dụng phương pháp “chờ và xem” (như trong một số bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến giáp) hoặc ưu tiên điều trị cân bằng  giữa chi phí và lợi ích theo tuổi, bệnh đi kèm và tác động lên kết quả của quá trình phẫu thuật. Chiến lược tương tự với bệnh nhân ở giai đoạn muộn có chỉ định chăm sóc giảm nhẹ, có thể lựa chọn “kỳ nghỉ trị liệu”.

•    Ưu tiên các liệu pháp bổ trợ ở những bệnh nhân mắc bệnh nguy cơ cao có lợi ích đáng kể về sống còn.

•    Giảm số lần đến bệnh viện của bệnh nhân bằng cách chọn các phác đồ liều giãn cách thay vì liều dày, chuyển thuốc/hóa chất sang đường uống…

•    Đối với bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc uống, ưu tiên liên hệ qua điện thoại hoặc các ứng dụng qua mạng để được tư vấn dùng thuốc.

•    Ưu tiên liên hệ qua điện thoại hoặc công nghệ web để đánh giá độc tính, điều chỉnh liều lượng và khuyến nghị chăm sóc hỗ trợ

•    Cân nhắc về các liệu trình xạ trị ngắn hơn/ít phân liều với các bác sĩ xạ trị ung thư, khi được chứng minh về mặt khoa học và phù hợp với bệnh nhân. 

NDĐT

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy