Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, triển khai nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong 10 năm (2013 - 2023), nhờ sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT, sự tham gia mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có bước phát triển đáng kể. Cùng với đó, việc xã hội hóa trong giáo dục góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên được huy động từ hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, số tiền ước 33.000 tỷ đồng, đầu tư xây dựng khoảng 36.000 phòng học, 1.300 phòng công vụ cho giáo viên với tổng diện tích 521,9 ha, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố ở các địa phương.
Tại Hà Nam, đến năm 2023, số phòng học các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT được xây dựng 6.661 phòng, trong đó số phòng học kiên cố tăng 1.487 phòng. Số trường lớp được đầu tư từ nguồn xã hội hóa gồm 6 trường mầm non, 1 trường học, 1 trường liên cấp THCS và THPT, 1 trường liên cấp tiểu học, THCS và THPT với tổng số 351 phòng học. Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa đầu tư cho 4 dự án được cấp phép hoạt động trên 568 tỷ đồng; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ cho các cơ sở giáo dục để xây dựng phòng học, đề xuất khen thưởng trong phong trào xã hội hóa giáo dục gần 236 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị: Thời gian tới, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của các cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong công cuộc xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng công tác kiên cố hóa trường, lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và thiết bị dạy học; chỉ đạo việc rà soát và sắp xếp mạng lưới trường, lớp để đầu tư và huy động đầu tư có trọng điểm các dự án khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn, trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập và xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số. Bảo đảm ngân sách cho GD&ĐT, phân bổ nguồn lực hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến GD&ĐT theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở những khu vực khó khăn; giám sát và quản lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Hội nghị đã biểu dương, khen thưởng, tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho 37 tập thể, 4 hộ gia đình và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa kiên cố trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023.
Giang Nam