Trần Quốc Hương - Nhân cách và kỳ tích (Phần I - I)

Ông Mười Hương sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924, tên khai sinh và lúc đi học là Trần Ngọc Ban. Như nhiều người hoạt động thời kỳ bí mật và kháng chiến, ông Mười Hương, tên thường gọi hiện nay, tùy lúc, tùy nơi tùy hoàn cảnh, còn có nhiều bí danh khác như Hương Con, Đen, Ly, Trang (tên người yêu) thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám

Tuổi trẻ dấn thân theo con đường cách mạng

I

Ông Mười Hương sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924, tên khai sinh và lúc đi học là Trần Ngọc Ban. Như nhiều người hoạt động thời kỳ bí mật và kháng chiến, ông Mười Hương, tên thường gọi hiện nay, tùy lúc, tùy nơi tùy hoàn cảnh, còn có nhiều bí danh khác như Hương Con, Đen, Ly, Trang (tên người yêu) thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám; từ khi vào Nam lấy căn cước với tên mới là Trần Ngọc Trí (tên người anh ruột đã chết); còn sinh hoạt trong quần chúng có nhiều bí danh anh Hai, anh Bẩy, anh Mười... Đến khi Chính phủ nước ta tiến hành điều tra dân số, ông mang tên Trần Quốc Hương (Mười Hương) cho đến nay.

Quê ông ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đây là vùng đồng chiêm đất trũng, đến mùa mưa, đồng ngập trắng xóa; mùa lúa chiêm lại khô, hạn thiếu nước làm ruộng, người ta thường nói “chiêm khê mùa thối” là thế. Dân làng ít ruộng nghèo lắm, mùa nông nhàn và mùa nước ngập đàn ông, đàn bà phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, làm đủ mọi nghề từ thợ hồ, thợ mộc đến các công việc khác... Những năm 1927-1929, do mất mùa nhiều trai tráng nghèo quá không còn đường thoát phải chấp nhận ký “công – ta” đi làm phu đồn điền cao su ở mãi tận đất Nam kỳ, để lại cho gia đình vài đồng bạc qua cơn đói, nhiều người vĩnh viễn không trở về, bỏ xác tại gốc cao su. Ở Hà Nam có toán thanh niên, các anh Trần Tử Bình (ở quê gọi là Phú), vì nghèo quá cũng phải kéo nhau đi phu, vào làm trong đồn điền các Sở cao su Dầu Tiếng, Phú Riềng..., rồi tham gia phong trào bãi công những năm 1929-1930 do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở đó.

Tuy nghèo, nhưng làng ông có tiếng yêu nước. Cụ Phan Bội Châu hay qua lại vùng quê ông, khi Cụ đề xuất “Đông Du”, những người có danh vọng yêu nước, sĩ phu vùng ông hưởng ứng, cho con, cháu sang Nhật theo Cụ Phan khá nhiều, có người ở lại luôn bên đó sinh cơ lập nghiệp cắm rễ luôn ở đó, như dân ta thường nói “đất lành chim đậu”.

Thứ trưởng Bùi Quang Bền cùng đoàn công tác thăm, tặng quà và chúc Tết gia đình các đồng chí cố lãnh đạo Bộ Công an và đồng chí Trần Quốc Hương. Ảnh: cand.com.vn

Ông có người cậu tìm đường lên tận Yên Thế (Bắc Giang), theo ông Đề Thám, làm đốc phu chỉ huy một đơn vị chiến đấu chống thực dân Pháp, dưới trướng ông Đề gần 30 năm. Sau khi ông Hoàng Hoa Thám bị giặc Pháp giết, Tây bắt ông và đưa về quản chế tại làng.

Ông chú của bố ông, có học nhưng đi thi không thành đạt, mấy lần “lều chõng” mà chẳng đỗ cao, bạn thân của nhà thơ yêu nước khí khái Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và là kẻ sỹ được dân làng quanh vùng quý trọng.

Hồi phong trào công nông năm 1930 do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng với nông dân bên các tỉnh Thái Bình, Nam Định, dân làng vùng quê ông ở Hà Nam cũng sôi nổi đánh trống, đánh mõ, kéo nhau đi biểu tình đòi giảm thuế, chống thuế, chống phụ thu lạm bổ, chống đi phu ở xã Bồ Đề bên cạnh.

Gia đình ông từ cảnh người trung nông, tu chí lao động làm ăn mà đi lên. Mẹ ông kể lại thủa hàn vi, bố ông rất có hiếu với cha mẹ. Bố ông đi làm nghề ở Phủ Lý, tỉnh lỵ Hà Nam, cách làng khoảng 20 kilômét, gặp lúc mẹ ốm, suốt thời gian đó, ngày nào cũng cuốc bộ sáng đi tối về trông nom săn sóc mẹ, cho đến khi mẹ qua đời. Chuyện ấy mãi mãi in đậm nét trong trí nhớ của ông.

Cha ông tên là Trần Đức Tân, giỏi nghề mộc, có lúc làm thợ đóng xe bò cho hiệu Đồng Lợi, một cơ sở của Đông Kinh Nghĩa Thục tại Phủ Lý.

Sau khi lập gia đình, nhờ có chí làm ăn, lại tằn tiện, có uy tín tay nghề cao, từ thợ cả cha ông đứng ra nhận thầu, lúc đầu những công việc nhỏ rồi đến lớn, như các việc đóng đồ, làm nhà... Nhờ đó, gia đình ngày càng khá giả, cho các con học hành chu đáo. Vào năm đói Ất Dậu 1945 gia đình ông tậu được vài mẫu ruộng ở quê, khi đó ông Mười Hương đã thoát ly. Chính vì thế, sau này lúc Chính phủ ta phát động giảm tô, cải cách ruộng đất, cha ông bị đội phát động giảm tô, cải cách ruộng đất quy là địa chủ.

Tuy trở thành ông chủ, nhưng cha ông vẫn giữ những đức tính quý của người lao động, quan hệ bình đẳng với người giúp việc, công lao sòng phẳng, ai bị ốm đau hoặc có việc ma chay, cưới hỏi, ông đều chăm sóc tận tình, chu đáo, cho nên được mọi người chung quanh quý trọng, thương mến.

Mẹ ông, bà Trần Thị Nhàn, một người lao động, hiền lành, chất phác, như hầu hết đàn bà ở nông thôn xưa, theo tục lệ cũ không được gia đình cho đi học; nhưng bà lại thông minh, có trí nhớ tốt, thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, truyện Kiều bà đọc lầu lầu nhiều đoạn dài, đó là kho tàng chuyện kể của ông thời thơ ấu. Mẹ ông cần cù lao động, tất cả vì chồng, vì con, lấy việc chăm lo gia đình “thờ chồng nuôi con” làm nghĩa vụ và vinh dự. Đối với các con, bà thường khuyên dạy làm những điều tốt việc thiện, “thấy ai hoạn nạn thì thương”, ai gặp khó khăn thì giúp đỡ, đừng có làm việc ác, gây chuyện hằn thù với ai, gặp người xấu, đối xử không ưng, thì “chín bỏ làm mười”; đừng theo cảnh “chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”...

Về sau này ông nghĩ lại, đó cũng là một mặt, một phần của “chữ nhân”, “chữ nhẫn” mà ông thừa hưởng ở mẹ ông.

Cha ông vốn xuất thân từ gia đình nhà nho, không theo được con đường khoa cử, nhưng vẫn rất trọng chữ “thánh hiền”, thấy giấy có chữ nho là bắt phải đem đốt, không được dùng gói đồ bẩn. Đến thời không còn trường dạy chữ nho, các trường đều học chữ quốc ngữ, ông vẫn tìm thầy, bắt các con phải học thêm chữ nho. Ông nói: “Các con phải học chữ nho để giữ đạo lý làm người. Nhưng thời thế đã thay đổi, bây giờ thế nào cũng phải học chữ Tây để kiếm ăn sinh sống”. Ông khuyên các con cố gắng chăm học để trở thành người hữu ích.

Cha ông có nghị lực làm việc, biết cách tổ chức làm ăn, biết cách xây dựng gia đình, chăm lo cho vợ, cho các con, cho người thân rất chu đáo. Đối với họ hàng làng xóm thì giữ vững quan hệ tốt, ứng xử đàng hoàng, không để một ai chê trách.

Trong giáo dục gia đình, tính ông nghiêm, nhưng không bao giờ dùng lời dung tục, to tiếng và đánh chửi các con. Nếu các con có nói hoặc làm điều không đúng, ông không nói ngay, mà lựa lúc lấy các chuyện xưa, tích cũ ôn tồn chỉ bảo, làm cho các con thấm sâu, nhớ kỹ. Từ kinh nghiệm của bản thân và nhiều người chung quanh làng xóm, ông khuyên các con phải chăm chỉ học tập, làm việc, cố gắng học lấy một nghề cho thông thạo “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, có nghề là có ăn, không nghề thì chỉ đi hầu hạ mọi người.

Cha ông có tinh thần dân tộc, trọng người làm cách mạng, nhưng không tham gia, phần sợ bị bắt, bị tù đầy, phần phải lo nuôi sống toàn gia đình, đông con nhiều cháu. Cuối năm 1944, sau mấy năm thoát ly, trên đường đi công tác, ông Mười Hương tranh thủ về thăm cha mẹ, cha ông không rầy la gì, chỉ nhắc ông: “Con lớn rồi, con có chí của con, thầy không cản, chỉ khuyên con có làm thì làm cho tới nơi, đừng bao giờ để lụy người khác”.

Năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, cha ông chấp hành tốt lệnh “phá hoại kháng chiến” về quê ít lâu, rồi lên Cốc Thôn (Chi Nê, tỉnh Hòa Bình), tăng gia sản xuất nuôi gia đình, với mức sống trung nông. Có người khuyên ông về Phủ Lý cho đỡ khổ, lúc đó địch còn chiếm Phủ Lý, ông nhất định không nghe. Đến 1954, ta chiến thắng, Pháp phải rút khỏi miền Bắc, ông cùng gia đình mới về nơi cũ. Ông mất 1958, thọ 78 tuổi.

Một lần, người anh thứ ba và ông Mười Hương về thăm quê. Đồng chí Bí thư chi bộ địa phương đến chơi, nói với anh em ông Mười Hương:

-Chúng tôi biết các ông tham gia cách mạng từ lâu và có chức quyền cao, nhưng chưa có đóng góp thiết thực gì cho địa phương, còn hai Cụ thì nhân dân địa phương và chúng tôi biết ơn nhiều. Hồi phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, Đội phát động quần chúng đã tìm người thân trong gia đình bồi dưỡng thành rễ chuỗi đấu tố các Cụ, nhưng dân chúng chúng tôi không tin. Nhân dân ở đây ai cũng biết và nhớ ơn năm đói Ất Dậu 1945, nhiều người đã chết đói, nhờ hai Cụ bỏ lẫm lúa giúp dân, không thì còn nhiều người chết nữa. Nhân dân địa phương chúng tôi cảm ơn hai Cụ và gia đình nhiều lắm, chẳng bao giờ quên.

Anh cả ông Mười Hương noi theo nghiệp bố làm thầu khoán, dựa vào cơ ngơi, uy tín của gia đình và nhờ có học, lại thông minh, tháo vát, cho nên nhận thầu các công việc lớn hơn như xây nhà, xây cầu, làm đường... Đời sống của gia đình ông thêm sung túc.

Theo nếp sống của hệ thống quan hệ gia tộc cũ, quyền cao nhất là cha, rồi đến anh, người anh đến tuổi trưởng thành có quyền thay cha, gọi là “quyền huynh thế phụ”. Anh cả ông Mười Hương là Trần Ngọc Trí làm ăn khá giả, sớm có vị trí trong xã hội, cho nên lúc bé ông Mười Hương cũng bị người anh cả ne nét bắt vào khuôn, vào phép, nhất là việc học hành. Hàng ngày học xong ở trường, có quy định giờ bắt buộc ông phải học thêm ở nhà. Khi đã làm, học xong bài của trường, anh ông còn dạy và bắt làm thêm toán, ngữ pháp... Mỗi người ngồi một đầu bàn, bên cạnh người anh có sẵn chiếc roi mây, nếu người em mệt quá ngủ gật, thì chiếc roi sẵn sàng quất. Có lần không thuộc bài, người anh còn bắt người em phải quỳ trên vỏ gai mít.

Bà mẹ thấy con trai bé bị đòn, xót con, không bằng lòng nói: “Nhà tao không có mả học giỏi. Mày đừng hành hạ nó thế, học được thì học, không học được thì có phải đi làm thuê, làm mướn cũng được!”.

Sau này, ông Mười Hương kể lại: Những lần bị o ép bắt phải học và lại bị đòn nữa, lúc đó ông ức lắm, oán người anh lắm, nhưng nghĩ cho cùng thì anh ấy thương mình, mong cho mình giỏi chứ có ghét bỏ gì đâu, cho nên ông rất cảm ơn người anh đã tận tình hướng dẫn chỉ bảo ông, nhờ đó mà trí tuệ ông thêm mở mang, biết thêm nhiều điều hay cũng như những điều dở. Anh ông Mười Hương chết năm 1947, vì bệnh lao.

Hồi đó đang có phong trào Bình dân (1936-1939), ông Mười Hương đã đi học Trường Tiểu học Phủ Lý. Ngoài giờ đi học ở trường, về nhà gia đình thuê một gia sư tên là thầy Đào Đình Luống. Cùng với việc dạy thêm chữ Pháp, thầy còn dần dà nói nhiều chuyện về thời sự, nói về phong trào Bình dân bên Pháp, hướng cho người học trò của mình đi vào phong trào Thanh niên dân chủ ở Phủ Lý, như đi bán báo, đi hội họp... Thầy nói rằng trong tất cả những nỗi khổ nhục của người ta không có nỗi khổ, nỗi nhục nào bằng người dân bị mất nước, mà nước ta lại bị Pháp cai trị, bóc lột, khổ lắm, nhục lắm!

Thầy Luống giỏi nhiều tiếng nước ngoài như tiếng Pháp, tiếng Anh, cả tiếng Tàu nữa. Vì vậy, thầy được nhiều gia đình các ông Thông, ông Phán trong tỉnh thuê làm gia sư dạy thêm cho con cháu.

Về sau này, ông Mười Hương mới biết nhiều hơn về người thầy ban đầu quý mến này. Ông tên là Nguyễn Đức Quỳ, người thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, sớm tham gia Đảng Cộng sản, bị Pháp bắt và đưa đi tù ở Sơn La mấy năm. Ra tù ông tiếp tục thoát ly gia đình, đi làm cách mạng chuyên nghiệp, viết cho các báo của Đảng như báo Đời Nay và lúc về Hà Nam, ông được cấp trên cử làm Trưởng ban cán sự Tỉnh ủy Hà Nam, núp dưới danh nghĩa làm nghề gia sư để tổ chức và lãnh đạo phong trào Mặt trận dân chủ của tỉnh một thời gian. Thời kỳ ông Mười Hương ở ATK (An toàn Khu), có lúc ông Nguyễn Đức Quỳ cũng về làm ở Công tác Đội Trung ương với ông Mười Hương; rồi làm Trưởng ban Đại diện Đối ngoại của Chính phủ nước ta ở Thái Lan những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta; làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa trước khi về hưu...

Cũng thời kỳ này ở Phủ Lý còn ông Rốc núp dưới vỏ bọc nhân viên cảnh sát của “Nhà nước” để tổ chức phong trào Dân chủ ở Phủ Lý. Ông Rốc là bạn của anh ông Mười Hương, thường qua lại nhà ông. Ông Rốc là người tuyên truyền giác ngộ ông Mười Hương, hướng dẫn ông Mười Hương đọc sách, báo tiến bộ, tham gia các hoạt động trong phong trào Dân chủ, đi dạy Truyền bá quốc ngữ, dự những buổi họp với người lao động, làm thuê, làm mướn... rồi giới thiệu ông Mười Hương vào Đoàn Thanh niên Dân chủ ở thị xã.

Sau thời gian ở Phủ Lý, ông Rốc được tổ chức phân công làm cán bộ Công vận của Xứ ủy Bắc kỳ; năm 1941 bị mật thám Pháp bắt ở Việt Trì (Phú Thọ). Vì ông Rốc không chịu cung khai, cho nên ông bị chúng đánh đến chết ngay tại phòng hỏi cung.

Thày Đào Đình Luống (Nguyễn Đức Quỳ) và ông Rốc là những người đầu tiên hướng dẫn ông dấn thân trên con đường cách mạng, theo lý tưởng, ước vọng của tuổi thanh niên, nhưng cũng đầy cam go, thử thách.

(Còn nữa

Trần Giang

Ngọc Diệp

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy