Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Tin liên quan
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Chương Mười Ba: Đợt tiến công cuối cùng

Chung quanh bát ngát một màu đất đỏ. Điện Biên Phủ không phải là một hiện tượng người ta thường gặp trong chiến tranh. Ký giả Rôbe Ghilanh đã viết: “Đó là một trận đánh chứa đầy nghịch lý và hầu như chưa từng có. Một pháo đài với quy mô to lớn mà kẻ bị bao vây ở trên cánh đồng và kẻ bao vây thì ở trên cao; cái quân đội ở dưới lòng đất đó chỉ có con đường duy nhất là bầu trời, người ta chưa bao giờ chứng kiến một điều tương tự”.
Nhìn các vị trí địch, thấy rõ cái mạnh của con nhím Điện Biên Phủ, và thấy vì sao địch đã chống giữ được ở đây 55 ngày đêm. Nhưng cũng chính lúc này, càng thấy rõ một nhược điểm rất lớn của tập đoàn cứ điểm: trong khi kẻ địch tự vây kín từng đại đội bằng những bãi dây thép gai và mìn để vô hiệu hóa những cuộc tiến công của ta, thì chúng cũng tự giam giữ, tự cô lập mình trong những chiếc cũi sắt, làm mất đi sức mạnh của trên 16.000 quân cơ động tinh nhuệ. Trước đây Nava cũng như nhiều nhà quân sự phương Tây đã không nhận thấy điều đó.

Lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ giữa tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên. Ảnh tư liệu: NDO

Những ngày đầu kháng chiến, với dăm ba ngàn quân, địch nghênh ngang lùng sục khắp đường ngang lối tắt của Việt Bắc, tìm cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta. Chỉ tám năm qua, ngày nay, 17 tiểu đoàn quân địch được trang bị mạnh dường kia, đã phải co cụm lại một chỗ, dựa vào nhau trong một thế chỉ nhằm đối phó với cuộc tiến công của ta. Rõ ràng là tình hình đã đổi thay nhiều.

Đồng chí Cao Văn Khánh, Tư lệnh phó Đại đoàn 308, người phụ trách tiếp quản Mường Thanh, đưa tôi vào xem sở chỉ huy của Đờ Cát. Nó khá rộng, nằm không sâu dưới mặt đất, được bảo vệ bên trên bằng một vòm những thanh sắt uốn cong và rất nhiều bao tải cát. Những đường hào phủ ghi sắt nối liền hầm chỉ huy với những hầm nhỏ hơn của các cơ quan ở chung quanh. Nó nằm khá lộ liễu giữa cánh đồng. Có thể khi thiết kế sở chỉ huy, quân địch chưa hề nghĩ nhiều đến hỏa lực của pháo binh ta. Căn hầm này sẽ không đủ sức chịu đựng lâu nếu ta đặt pháo trên những đồi khu đông bắn xuống. Trong hầm, giấy tờ vẫn ngổn ngang. Có cả một bức thư của vợ Đờ Cát. Tôi nhắc anh Khánh cho thu giữ những giấy tờ của địch, chúng sẽ có giá trị lâu dài.

Anh Khánh cho biết khu vực thương binh của địch dưới lòng đất thật là kinh khủng. Hơn một ngàn binh lính và sĩ quan bị thương nặng ở đầu, ở bụng, què cụt bị lèn chặt ních trong những căn hầm đầy bùn nhão hôi thối, lúc nhúc ròi bọ. Thương binh địch rên xiết, kêu khóc, đòi cứu chữa, đòi ăn, đòi uống. Nhân viên y tế của Pháp tỏ ra hoàn toàn bất lực. Một bác sĩ trẻ tốt nghiệp trường đại học y khoa Pháp nói: "Từ khi đặt chân xuống Điện Biên Phủ, tôi chỉ rúc trong cái xó này, có làm được gì đâu và trong tình cảnh này, chúng tôi có thể làm gì".

(Còn nữa)

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy