Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Tin liên quan
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Chương Mười Ba: Đợt tiến công cuối cùng

Như vậy, ngay trong đêm đầu của đợt tiến công thứ ba, địch đã mất thêm bốn cứ điểm: C1, 505, 505A ở phía đông, và 311A ở phía tây. Tại Hồng Cúm, trận vây ép đánh lấn khu C của trung đoàn 57 đã tiêu hao nhiều binh lực địch, nên sáng ngày 2 tháng 5, địch phải rút chạy khỏi đây.

Những đường hào thọc sâu của bộ đội ta trên cánh đồng phía tây, đều nhắm thẳng về phía sở chỉ huy Đờ Cát. Tập đoàn cứ điểm đã bị dồn lại trong cái “ô vuông cuối cùng”.

Rất nhiều cuốn sách của phương Tây xuất bản trong những thập niên qua đã giúp chúng ta bổ sung vào bức tranh toàn cảnh về chiến cục Đông Xuân 1953-1954 cũng như những ngày giờ cuối cùng của con nhím Điện Biên Phủ.

Ngày 2 tháng 5, Nava vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội. Nava triệu tập họp khẩn cấp bàn cách cứu vãn tình thế. Dự họp có Nava, Cônhi, Crevơcơ, tư lệnh lực lượng Lào, và những sĩ quan thuộc lực lượng lục quân ở chiến trường Bắc Việt Nam.

Bộ đội ta sử dụng súng máy phòng không tiêu diệt máy bay địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh tư liệu: QĐND

Cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đã kéo dài năm mươi ngày đêm. Không biết lúc này Nava đã nhận ra sai lầm lớn nhất của mình là đã phân tán hầu hết lực lượng cơ động tập trung tại đồng bằng sông Hồng trước khi trận đánh bắt đầu! Ngoài những tiểu đoàn tinh nhuệ đưa lên Tây Bắc, ba binh đoàn cơ động của Bắc Bộ vẫn bị cầm chân ở Trung Lào. Suốt thời gian qua, những mưu toan cứu nguy cho Điện Biên Phủ đều không thể thực hiện vì thiếu lực lượng, đặc biệt là lực lượng nhảy dù và không quân. Nếu ném những tiểu đoàn dù ít ỏi vào những cuộc hành binh giải tỏa thì không còn lực lượng tăng viện để duy trì cuộc sống của tập đoàn cứ điểm. Nếu huy động không quân vào những cuộc hành binh Xênôphôn, Côngđo thì không còn lực lượng yểm trợ, tiếp tế hàng ngày cho Điện Biên Phủ. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đi vào thời điểm quyết định khi Nava chỉ còn trong tay một tiểu đoàn dù!

Hội nghị Giơnevơ đã khai mạc, nhưng còn bàn về vấn đề Triều Tiên. Đại diện của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa có mặt. Hy vọng cuối cùng của Pháp lúc này là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Điện Biên Phủ. Nhưng mong muốn được như vậy, ít nhất con nhím Điện Biên Phủ phải tồn tại thêm một thời gian. Chính phủ Pháp hoàn toàn không muốn thấy một cuộc đầu hàng ở Điện Biên Phủ.

Những bức điện của Đờ Cát và Lănggơle mới gửi về đều mang những lời lẽ gay gắt và tuyệt vọng. Số phận của Điện Biên Phủ chỉ còn tính từng ngày. Có thể ngay ngày mai nếu không có quân tiếp viện. Cônhi một lần nữa lại đưa ra ý kiến mở một cuộc hành binh đánh vào sau lưng đối phương. Đây chỉ là sự suy nghĩ thiển cận. Lấy đâu ra lực lượng để mở một cuộc hành binh như vậy lúc này! Tất cả các binh đoàn cơ động đang sa lầy ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Trung Lào, ở miền Trung. Muốn điều động chúng cũng không còn thời gian. Và làm cách nào tiếp tế đạn dược, lương thực cho một cuộc hành binh mới trong lúc toàn bộ lực lượng không quân vận tải với cả những máy bay hạng nặng của Mỹ đã không thể bảo đảm những yêu cầu khẩn thiết của riêng Điện Biên Phủ.

Nava tuyên bố: "Không cần phải tiếp tục cuộc chiến ở Điện Biên Phủ. Nava quyết định tiến hành một cuộc hành binh phá vây. Khác với những kế hoạch rút chạy lần trước, tuy còn là trên giấy, Xénophon huy động 15 tiểu đoàn, Condor, 7 tiểu đoàn, cuộc hành binh phá vây mang bí danh Albatros (Hải âu lớn) lần này chỉ dựa vào bản thân lực lượng đồn trú tại Điện Biên Phủ, với sự hỗ trợ tạo một hành lang của một lực lượng biệt kích địa phương nhỏ ở Lào. Nava cho rằng cuộc hành binh có thể thực hiện trong hai hoặc ba ngày bằng sức mạnh, hoặc bí mật, khôn khéo, vì Việt Minh không có phương tiện hậu cần ở Lào, phải 24 giờ sau mới có thể đối phó". Nava quyết định "bỏ lại thương binh và sĩ quan quân y", vì tin chắc là họ sẽ được Việt Minh trao trả. Do tính chất của cuộc hành binh như vậy nên nó được trao cho Đờ Cát tự mình vạch ra kế hoạch.

Nava đồng ý với Cônhi tăng viện thêm cho Điện Biên Phủ một tiểu đoàn dù. Đây là tiểu đoàn dù cuối cùng. Tổng chỉ huy trực tiếp nắm các đơn vị dù và không quân. Từ trước tới nay Nava vẫn sử dụng lực lượng này rất dè dặt, theo nguyên tắc không hy sinh vô ích một tiểu đoàn nào. Nhưng lần này Nava nhận thấy muốn phá vây con nhím Điện Biên Phủ phải được tăng thêm sức mạnh.

Ngày 4 tháng 5, Cônhi điện cho Đờ Cát một số chỉ thị về cuộc rút chạy theo quyết định của tổng chỉ huy: "Chỉ huy trưởng GONO được trao quyền lựa chọn cách thức và thời gian tuỳ theo sáng kiến của mình sau khi nhận được lệnh". Cônhi chỉ thị cho Đờ Cát phải phá hủy các xe tăng, đại bác, tài liệu mật, mật mã và dụng cụ vô tuyến điện. Nhưng vẫn không quên nhấn mạnh "cho tới khi có lệnh mới, chỉ huy trưởng GONO phải duy trì nhiệm vụ chống cự tại chỗ không được có tư tưởng rút lui", phải hết sức giữ bí mật về kế hoạch và chuẩn bị thực hiện với sự thận trọng tối đa. Cônhi vốn cho rằng tháo chạy khỏi Điện Biên Phủ chỉ dẫn tới sự hy sinh vô ích.

Trong ngày, dưới trời mưa tầm tã, Đờ Cát họp các sĩ quan cao cấp của Mường Thanh phổ biến kế hoạeh Albatros. Có mặt Lănggơle, Lơmơniê (Lemeunier), Bigia, Vađô (Vadot) và Xêganh Pagít. Không mấy ai có ảo tưởng vào lối thoát này. Chiến hào của đối phương đã bao vây rất chặt, không còn kẽ hở. Lực lượng của Crevơcơ không có khả năng chống chọi với Việt Minh. Tuy nhiên, mọi người thống nhất phải chia làm ba cánh khi rút chạy. Cánh thứ nhất, gồm toàn bộ quân dù, do Lănggơle và Bigia chỉ huy. Cánh thứ hai, gồm toàn bộ quân lê dương và Bắc Phi, do Lơmơniê và Vađô chỉ huy. Cánh thứ ba, gồm toàn bộ quân ở Hồng Cúm do Lalăng chỉ huy. Có ba đường rút lui: đường thứ nhất qua bản Keo Lom, đường thứ hai, theo thung lũng Nậm Nưa, đường thứ ba theo hướng Nậm Hợp. Con đường chạy về phía nam - đông nam dường như có vẻ ít nguy hiểm hơn. Mọi người phải rút thăm. Dự kiến kế hoạch rút chạy sẽ được thực hiện vào 20 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Theo Giuyn Roa: “Ở Điện Biên Phủ, người ta gọi cuộc hành binh này là “mở con đường máu” để chứng tỏ không có ảo tưởng về nó: mười người sẽ chỉ còn lại một người”.

Đêm ngày 4 tháng 5, trên cánh đồng phía tây, sau khi tiêu diệt 311A, đại đoàn 308 tiếp tục đánh 311B (Huguette 4) ở phía trong. Trung đoàn 36 tiêu diệt 1 đại đội gồm lính lê dương và lính Marốc, đưa trận địa tới gần trung tâm đề kháng Lili (Lilie, từ Claudine mới tách ra), tấm bình phong cuối cùng che chở cho sở chỉ huy Đờ Cát ở hướng này. Buổi sáng, địch phản kích định chiếm lại, nhưng thất bại.

Ngày 5 tháng 5, cả Lănggơle và Bigia đều kéo tới Êlian. Họ đã biết rõ số phận của phân khu trung tâm sẽ được kết thúc trên hai điểm cao còn lại ở phía đông. Tại A1, tiểu đoàn 1 bán lữ đoàn lê dương 13 đã bị tổn thất nặng sau một thời gian dài phòng ngự. Lănggơle quyết định chuyển những lính lê dương xuống Êlian 3 dưới chân đồi làm lực lượng dự bị, và điều tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 (1er BPC) vừa được tăng viện lên thay thế.

Tiểu đoàn dù 1, do viên đại úy Badanh (Bazin) chỉ huy, nhận lệnh khẩn trương nhảy xuống Mường Thanh, nhưng sau ba đêm chỉ mới tới được hơn hai đại đội, và bộ phận chỉ huy tiểu đoàn. Badanh chưa kịp làm gì thì đã trúng một mảnh đạn pháo bị thương. Đại úy Pugiê (Jean Ponget), đại đội trưởng đại đội 3, được chỉ định nắm quyền chỉ huy tiểu đoàn. Cách đây không lâu, Pugiê còn là sĩ quan tùy tùng của Nava, thường xuất hiện phía sau tổng chỉ huy trong những bức ảnh. Pugiê đã mất gần sáu giờ đưa đơn vị vượt qua quãng đường 1.500 mét từ Êpécviê tới Êlian trong những chiến hào ngập bùn, luôn luôn bị đại bác ta bắn chặn. Sau khi nhận bàn giao của Cutăng (Coutant), chỉ huy tiểu đoàn lê dương 1, Pugiê đi quan sát vị trí rồi quvết định chia lực lượng bố trí thành ba nơi tại Êlian 2. Đại úy Étmơ (Edme), chỉ huy đại đội 2, phụ trách tuyến lô cốt và chiến hào phía đông và phía nam cứ điểm đối diện với lực lượng ta. Pugiê cùng với đại đội 3 giữ đỉnh đồi có hầm ngầm, và mặt tây nam tiếp giáp với A3, nơi có một mũi chiến hào của ta chạy men theo đường 41, đang trực tiếp đe dọa con đường nối A1 với Mường Thanh. Chỉ một ngày sau, Pugiê mới biết sự phân công này mang tính định mệnh.

Lực lượng địch ở Điện Biên Phủ còn 5.385 quân chiến đấu, và 1.282 thương binh. Nếu so với sau đợt tiến công thứ hai, thì quân địch đông hơn, do đã được tăng cường. Con nhím khổng lồ của Nava đã thu lại bằng con nhím của Xalăng ở Nà Sản năm trước. Diện tích phân khu trung tâm còn không đầy 1 kilômét vuông.

Cũng trong ngày 5 tháng 5, trung đoàn 174 báo cáo đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Trong đêm, một tấn bộc phá chia thành những gói hai mươi kilôgam, được đưa vào đặt dưới hầm ngầm của địch.

Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định đẩy nhanh nhịp độ phát triển của đợt tiến công thứ ba chuẩn bị mọi điều kiện sớm chuyển sang tổng công kích.

Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1954, tiểu đoàn 255 của 174 phòng ngự suốt ba mươi tư ngày đêm trên đồi A1 được lệnh rút qua Đồi Cháy làm lực lượng dự bị.

Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công tối nay.

Trời ngớt mưa. Cơ quan tham mưu báo cáo đêm qua địch đã thả dù thêm hàng trăm quân tăng viện. Máy bay địch hoạt động với mức độ chưa từng có kể từ đầu chiến dịch. Chúng ném bom, bắn rốckét vào những vị trí phòng ngự của ta, đặc biệt là đồi C1. Pháo cao xạ bắn rơi thêm một chiếc C.119.

(Còn nữa)

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy