kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Tin liên quan
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Chương Mười Hai: Tất cả để chiến thắng

Pháo đói đạn trầm trọng. Có ngày mỗi khẩu pháo của ta chỉ còn hai, ba viên đạn. Trước đó, một số đơn vị cũng đã sử dụng đạn quá lãng phí. Một trung đoàn qua năm ngày kiềm chế pháo binh địch, bắn hết 2.000 viên đạn súng cối. Một tiểu đoàn phòng không 12 ly 7 trong một ngày, bắn tới 12.000 viên đạn. Bộ chỉ huy Mặt trận buộc phải quy định lại việc sử dụng đạn dược: Bắn quá ba viên 105 phải xin phép Tham mưu trưởng, quá mười viên phải xin phép Tổng tư lệnh. Một lần tôi qua phòng tác chiến, nghe đơn vị đề nghị bắn năm phát lựu pháo vào sân bay. Anh Thái hỏi lại: "Bắn để làm gì?". Khi biết đơn vị cần bắn tỉa quân địch, anh Thái trả lời: “Một viên”!

Mọi chiến dịch, tôi thường nghe báo cáo tình hình cung cấp từng thời kỳ. Nhưng lần này, công tác hậu cần đã trở nên một vấn đề đặc biệt quan trọng góp phần quyết định thành bại của chiến dịch. Cán bộ tham mưu đã làm một cuốn sổ theo dõi tình hình vận chuyển đạn dược hàng ngày; riêng về gạo, dựng thành một biểu đồ. Mỗi sáng, đã trở thành thói quen, khi mới ngủ dậy, tôi nhìn ngay vào bảng biểu đồ hậu cần treo trên vách liếp bên cạnh bản đồ chiến sự. Cán bộ tham mưu đã ghi số gạo nhập kho đêm trước bằng một gạch đỏ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch họp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Ảnh tư liệu.

Một buổi sớm, tôi bỗng nhìn thấy một đường gạch đỏ dốc gần như thẳng đứng. Đêm hôm trước, gạo nhập kho không đầy một tấn!

Đồng chí phụ trách kế hoạch hậu cần được gọi tới. Anh giải thích:

- Báo cáo anh, đêm qua trời mưa to.

- Mặc dù mưa to, bộ đội vẫn phải có ăn để đánh giặc.

Tôi dành liền mấy ngày ngồi họp cùng các anh Đặng Kim Giang, Nguyễn Thanh Bình, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Văn Nam bàn cách giải quyết khâu yếu này. Trong chiến dịch, các đồng chí phụ trách công tác hậu cần đã gặp những trường hợp bất khả kháng. Nhiều đồng chí thức ròng rã suốt tháng, lấy mặt đường làm nơi gặp gỡ cán bộ, bàn bạc giải quyết những khó khăn. Nhưng nhiệm vụ chiến đấu yêu cầu chúng ta còn phải cố gắng hơn nữa.

Sau cuộc họp, một số lớn cán bộ mặt trận được chỉ định đi xuống các tuyến cung cấp đẩy mạnh hoạt động.

Mỗi sáng, đúng 6 giờ, tôi đứng bên máy điện thoại trực tiếp nhận báo cáo số lượng gạo, đạn vận chuyển trong đêm.

Trên cánh đồng phía tây, bộ đội ta khơi rãnh chung quanh công sự và đào những đường thoát nước tại trận địa. Cơ quan tham mưu mặt trận tập trung nghiên cứu cách làm chiến hào nổi để đối phó với nước lũ.

Mỗi khi thấy một đám mây đen hiện trên đầu núi, một ánh chớp lóe trong đêm, tôi lại bồn chồn. Chúng ta đã chuẩn bị mọi mặt để chiến đấu qua mùa mưa. Nhưng tốt nhất vẫn là kết thúc số phận quân địch trước khi mùa mưa tới.

Những ngày đầu tháng Tư, Ban Bí thư cử anh Hoàng Tùng ra mặt trận thông báo công việc ở nhà, và nắm tình hình. Nghe tin tôi bị mệt, Trung ương gửi ra một ít thuốc bổ. Khi anh Tùng trở về, tôi biên thư báo cáo với Bộ Chính trị về tình hình Điện Biên Phủ sau hai đợt tiến công, về chủ trương tác chiến sắp tới, và nêu sự cần thiết phải khắc phục tư tưởng mỏi mệt, ngại chiến đấu ác liệt và kéo dài. Ít ngày sau, nhận được nghị quyết cuộc họp ngày 19 tháng 4 năm 1954 của Bộ Chính trị: "Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch". Cả nước đang dồn sức cho Điện Biên Phủ, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.

Anh Trường Chinh gửi kèm cho tôi một bức thư. Qua thư anh, tôi biết công việc của Trung ương ở nhà hết sức bận rộn vì chiến dịch. Anh Nguyễn Chí Thanh đi Liên khu 4 để cùng anh Hoàng Anh đẩy mạnh công tác chi viện tiền tuyến. Anh Văn Tiến Dũng đi Liên khu 3 chỉ đạo những hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Anh Lê Văn Lương ở nhà lo công việc hàng ngày.

Từ đầu chiến dịch, Trung ương và Chính phủ đã tập trung lãnh đạo quân đội và nhân dân thực hiện kế hoạch tiến công Đông Xuân. Trung ương chưa hề bỏ qua bất cứ một yêu cầu nào dù là hết sức khó khăn của tiền tuyến. Sự chăm lo đặc biệt của Trung ương, của toàn Đảng, toàn dân đối với Điện Biên Phủ khiến cho chúng tôi càng nghĩ đến trách nhiệm của mình.

Các chiến dịch trước đó, từng đơn vị chỉ đánh vài trận, những trận đánh thường diễn ra không quá một đêm. Sau mỗi trận, bộ đội ta rút ngay về vị trí an toàn phía sau, nghỉ ngơi, củng cố chuẩn bị cho trận khác. Đến chiến dịch này, cuộc chiến đấu đã kéo dài nhiều tháng ròng. Những trận truy kích đường dài, công đồn, phòng ngự, đánh phản kích quyết liệt diễn ra liên tiếp. Ngay sau đó lại bắt tay luôn vào xây dựng trận địa, bản thân công việc này cũng là chiến đấu. Bộ đội ta ăn, ngủ ngay tại công sự trên trận địa đối mặt với quân địch. Cường độ chiến đấu đã vượt lên sức chịu đựng của con người.

Cơ quan chính trị đi nắm tình hình tư tưởng các đơn vị nhận xét: Qua đợt chiến đấu vừa rồi nổi lên những gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nhưng trong cán bộ cũng nảy sinh một số biểu hiện tiêu cực, như ngại hy sinh, gian khổ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm, cá biệt có cán bộ đã bỏ nhiệm vụ giữa trận đánh. Trong chiến dịch này, đây là những hiện tượng mới.

Trên bàn làm việc của tôi, có một bản đồ trận địa tiến công và bao vây. Hàng ngày, cán bộ tham mưu ghi lên đó những đoạn chiến hào các đơn vị đào đêm trước. Thời gian đầu, chúng phát triển khá nhanh. Nhưng tới gần đồn địch, thì ở một số nơi, đường hào hầu như không tiến triển. Một hôm, tôi hỏi đơn vị chuẩn bị đánh đồi A1, chiến hào ta còn cách địch bao xa. Đơn vị báo cáo: 30 mét. Để đơn vị đào tiếp thêm một đêm, hỏi lại, đơn vị báo cáo: 35 mét! Qua một đêm nữa, lại hỏi, khoảng cách này vẫn không thay đổi.

Sau đợt tiến công khu đông, công tác giáo dục chính trị đã tập trung làm cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ nhận rõ tình hình khó khăn của địch và những điều kiện tất thắng của ta, nâng cao tinh thần trách nhiệm, và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Từ cán bộ tới chiến sĩ đều đã tiến hành kiểm điểm.

Đảng ủy Mặt trận thấy không thể bỏ qua những hiện tượng mới này, quyết định triệu tập hội nghị các bí thư đại đoàn ủy, các đồng chí phụ trách tổng cục, những người có trách nhiệm nặng nhất trong chiến dịch, để tiến hành kiểm điểm tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trước khi bướt vào đợt chiến đấu quyết định.

Chúng tôi ngồi lại dưới ngôi nhà mái nứa dành riêng cho các cuộc họp. Hầu hết những đồng chí có mặt đã hoạt động từ ngày cách mạng còn phải đi kiếm từng khẩu súng kíp, từng quả lựu đạn. Con đường cách mạng tuy đầy chông gai, thử thách, nhưng nó không ngừng tiến lên phía trước, và đem lại cho ta cái đẹp, cái vô cùng quý giá là tình đồng chí, tình bạn trong chiến đấu. Những khi có dịp quây quần bên nhau là để cùng vui trước thắng lợi, hoặc cùng bàn cách vượt qua khó khăn, giành thêm những thắng lợi mới.

Tôi giới thiệu với hội nghị nghị quyết mới của Bộ Chính trị, và trình bày bản báo cáo: "Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, xây dựng tinh thần tích cực cách mạng, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch" của Đảng ủy Mặt trận. Hội nghị thảo luận, nhất trí về tình hình sau khi phân tích kỹ những khó khăn, thuận lợi của ta và địch. Mọi người đều nghiêm khắc kiểm điểm những thiếu sót. Hội nghị Giơnevơ sắp họp. Ai nấy đều thấy mình đang đứng trước một đòi hỏi to lớn, là không phải chỉ giành thắng lợi trong chặng đua nước rút cuối cùng, mà còn phải về tới đích đúng thời gian. Và không được phép sao lãng trách nhiệm giành thắng lợi với tổn thất ít nhất về xương máu. Đây cũng là điều có thể thực hiện, đã được thực tế chiến đấu những ngày qua chứng minh. Cuối cùng, hội nghị nhận thấy cần làm sao cho quyết tâm của Trung ương thấm nhuần tới mỗi cán bộ, chiến sĩ, mọi người cần vượt lên mỏi mệt, biến quyết tâm thành hành động trên chiến trường.

Sau cuộc họp, tôi gặp riêng từng đồng chí bí thư đảng ủy, trao đổi về kế hoạch tác chiến sắp tới, về những khó khăn của đơn vị. Đã thấy một không khí khác hẳn. Ai nấy đều tỏ ra lạc quan và tin tưởng. Những cuộc trao đổi kéo dài tới 2 giờ khuya.

Đồng chí Hiếu, Chánh văn phòng, chong đèn ngồi ghi lại bản báo cáo kết luận. Viết được từng phần, anh lại đánh thức tôi dậy thông qua trước khi đem đi đánh máy. Ngày mai, các đơn vị đã cần có bản kết luận này, vì nó chính là một tài liệu học tập. Thời giờ rất gấp, đợt chiến đấu cuối cùng sắp bắt đầu.

Ngay hôm sau, phần lớn cán bộ cơ quan chính trị chia nhau xuống giúp đỡ các đơn vị triển khai một đợt giáo dục cấp tốc cho toàn thể bộ đội, từ cấp ủy đến đảng viên, từ cán bộ đến chiến sĩ, để mọi người nhận thức rõ tình hình, nâng cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Một khí thế mới dâng lên khắp nơi sau đợt học tập. Đây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta.

Tại Ninh Bình, trước yêu cầu của mặt trận Điện Biên Phủ, chỉ trong 24 giờ, nhân dân đã tập trung được 600 tấn gạo đưa ra tiền tuyến.

Nhân dân Thanh Hóa đã đóng góp cho chiến dịch gần 11.000 tấn lương thực, thực phẩm đến mức gần như cạn kiệt nguồn dự trữ. Sau chiến thắng, Nhà nước đã phải có nhiều biện pháp cứu đói và nhanh chóng phục hồi sản xuất ở Thanh Hóa.

Trong Đông Xuân 1953-1954, hậu phương đã đóng góp trên 300.000 dân công, gồm 10 triệu ngày công, hơn 26.000 tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, khối lượng lớn gấp nhiều lần so với các năm trước. Nhân dân Tây Bắc, chủ yếu là bốn huyện Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, đã đóng góp 32.000 dân công, 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, chiếm hơn 10% tổng số dân công, gần 30% số lương thực thực phẩm phục vụ chiến dịch. Đồng bào Tây Bắc san sẻ nốt những hạt gạo cuối cùng cho bộ đội. Riêng huyện Tuần Giáo giáp Điện Biên Phủ, người thưa ruộng hiếm, đã góp cho mặt trận 1.200 tấn gạo, vượt rất xa mức dự kiến cơ quan cung cấp đề ra lúc đầu. Nhiều nơi đồng bào đóng góp cả thóc giống. Sau chiến dịch, hậu phương phải chuyển ngay thóc giống và nông cụ lên Tây Bắc để giúp nhân dân kịp thời tiếp tục sản xuất.

Trên các tuyến chiến dịch, mọi người, mọi phương tiện lại phải dồn sức vào một cuộc thi đua nước rút với thời tiết, với kẻ thù.

(Còn nữa)

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy