Tiếp theo kỳ trước
|
Tiếp theo kỳ trước
|
Chương Mười Hai: Tất cả để chiến thắng
Ngày 24 tháng 4, đô đốc Rátpho gặp ngoại trưởng Anh Iđơn tại Pari nhân cuộc họp Hội đồng khối Bắc Đại Tây Dương (O.T.A.N). Rátpho một lần nữa tìm cách thuyết phục Iđơn chí ít nước Anh cũng cho Hoa Kỳ một lời tuyên bố ủng hộ có tính tượng trưng. Nhưng Iđơn nói thẳng với những người đối thoại Hoa Kỳ là một chính sách dựa trên cơ sở một cuộc oanh tạc bằng máy bay chóng chầy sẽ đưa người Mỹ tới việc can thiệp bằng lực lượng trên bộ như kinh nghiệm tại Triều Tiên đã chứng tỏ, sự can thiệp đó sẽ dẫn người Mỹ tới việc thúc đẩy đồng minh thực hiện một "hành động liên minh", có nghĩa là đưa quân đội của họ vào cuộc chiến. Người Anh sẽ làm tất cả cho Hội nghị Giơnevơ thành công. Ngày 25, Iđơn trở về Luân Đôn họp Hội đồng nội các để giải quyết dứt khoát vấn đề này.
Ngày 26 tháng 4, tướng Canđira trở lại Sài Gòn. Canđira đề cập tới việc sẽ dùng 80 máy bay ném bom chung quanh thung lũng Điện Biên Phủ và khu vực hậu cần Tuần Giáo, nhưng với những phi hành đoàn Mỹ - Pháp kết hợp. Cuộc hành binh sẽ được thực hiện trong 62 giờ và một sĩ quan cao cấp đã từ Sài Gòn bay tới Clark Field để chuẩn bị. Về thực chất vẫn là kế hoạch Chim kền kền. Người Pháp lại hy vọng.
Ngày 27 tháng 4 năm 1954, Thủ tướng Sớcsin tuyên bố ở Hạ nghị viện Anh: "Chính phủ Hoàng gia Anh không chuẩn bị lời hứa nào về hành động quân sự ở Đông Dương khi mà chưa biết kết quả của Hội nghị Giơnevơ”. Lời tuyên bố đã được Hạ nghị viện Anh hoan hô nhiệt liệt.
Cũng trong ngày 27, đại sứ Pháp Mátxigli (René Massigli) xin gặp Sớcsin, tiếp tục nài nỉ nước Anh hãy nghĩ tới số phận của đoàn quân đồn trú ở Điện Biên Phủ. Sớcsin nói với đại sứ Pháp: Tôi đã phải chịu đựng ở Sinhgapo, Hồng Kông, Tôbrúc (Tobrouk). Người Pháp sẽ có Điện Biên Phủ. Người Anh không thể vì số phận một đoàn quân Pháp đã được định đoạt, bỏ lỡ cơ may giải quyết những vấn đề quan trọng của mình với những cường quốc cộng sản tại Giơnevơ.
Ngày 29 tháng 4, tại Oasinhtơn, Aixenhao họp với Rátpho, các tham mưu trưởng ba quân chủng và nhiều sĩ quan cao cấp khác xem xét lần cuối mọi mặt tình hình. Rátpho là người duy nhất ủng hộ một cuộc can thiệp của Mỹ, dù là đơn phương để tránh sự thất trận ở Điện Biên Phủ. Các tham mưu trưởng hải quân, không quân tỏ vẻ không mặn mà. Riêng tham mưu trưởng Lục quân Rituê phản đối quyết liệt. Rituê viện dẫn sự thất bại thảm hại từ cuộc hành binh "Bóp nghẹt" (Strangle) của Mỹ ở Triều Tiên, nhằm tiêu diệt con đường tiếp tế, để chứng minh sự hạn chế của những hành động bằng không quân trong loại chiến tranh này. Cũng như Iđơn, Rituê cho rằng những cuộc ném bom sẽ dẫn Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh mới bằng bộ binh tốn kém với lối thoát không rõ ràng ở lục địa châu Á. Ý kiến của Rituê được nhiều người tán đồng. Phái chủ chiến hạ vũ khí. Aixenhao không phải không biết nghe lời nói đúng. Ông ta quyết định ngừng xúc tiến kế hoạch Chim kền kền. Nhưng mười năm sau, cũng tại Việt Nam, nhà cầm quyền Mỹ đã quên những kinh nghiệm này.
Chính quyền Pháp thời đó cho rằng tất cả mọi biện pháp cứu nguy cho Điện Biên Phủ đều đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng. Một số người Pháp coi nước Anh là ích kỷ. Nhiều người chê trách Mỹ, nói Mỹ đã khôn khéo gạt trách nhiệm cho đồng minh, trong khi quyết định không can thiệp bằng không quân chiến lược vào Điện Biên Phủ đã được đề ra ở cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ. Người Anh tự hào mình đã có thái độ đúng trong thời điểm lịch sử này. Thực ra ở nước Mỹ, những người thuộc phái diều hâu không phải cứ muốn điều gì đều có thể làm.
Quân Pháp sống trong những điều kiện cực kỳ khủng khiếp. Trên diện tích 1 kilômét vuông, một khoảng rộng bên bờ sông phải dành cho bệnh viện và cái "hố chung". Nếu tập đoàn cứ điểm không ngừng thu hẹp thì khu vực dành cho người bị thương và người chết cũng không ngừng phát triển. Công binh Pháp ra sức đào thêm những nhánh hào mới để mở rộng bệnh viện nhưng vẫn không đủ chỗ cho thương binh. Nhiều thương binh phải nằm ngay tại cứ điểm. Chiếc máy xúc duy nhất còn lại chỉ chuyên vào việc đào hố chôn người chết. Danh mục đồ tiếp tế cho Điện Biên Phủ có thêm một yêu cầu khẩn cấp, đó là thuốc khử trùng DDT. Ruồi nhặng kéo tới đẻ trứng trên những vết thương. Thương binh nặng nằm trên những chiếc giường ba tầng, sáu người trong một căn hầm nhỏ. Nhiều người bị thương sọ não và mắc chứng hoại thư. Máu mủ của những người nằm bên trên chảy xuống những người nằm bên dưới. Những cẳng tay, cẳng chân, những ống tiêm chôn ngay trong đường hầm, khi trời mưa, nước bên ngoài chảy vào, tất cả lại lềnh bềnh nổi lên. Phần lớn những bộ phận lọc nước đã bị hỏng. Những viên chỉ huy ra lệnh cho binh lính đào giếng. Nhưng chỉ thấy một thứ nước váng dầu đục ngầu. Sân bay đã bị bỏ. Binh lính lấy những tấm ghi về lát trên đường hào, phủ đất để tránh mảnh đạn. Những tấm ghi này biến họ thành những con chuột ngày cũng như đêm, sống chui lủi trong bóng tối. Rời công sự đi lượm dù hoặc lấy nước là làm mồi cho các loại súng bắn tỉa khó trở về an toàn. Điện Biên Phủ khẩn thiết yêu cầu Cônhi gửi thật nhiều ống nhòm ngầm (kính tiềm vọng) vì nhô đầu lên khỏi chiến hào để quan sát đã trở thành mạo hiểm.
Vòng vây thu hẹp, tiếp tế và tiếp viện trở nên cực kỳ khó khăn. Những phi công Mỹ làm công việc này đã được đánh giá là dũng cảm, nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu đề ra, khi phải bay thấp thả dù trong một không phận nhỏ hẹp có súng cao xạ và súng phòng không chờ sẵn. Riêng trong ngày 26 tháng 4, 50 máy bay trúng đạn trên bầu trời Điện Biên Phủ và ba chiếc bị bắn hạ, trong đó có một máy bay B.26 và hai chiếc Hencát của hạm đội 11, do phi công Mỹ lái. Đêm hôm đó, Hà Nội hứa tăng viện 80 người, nhưng chỉ thả dù được 36, hứa thả 150 tấn hàng tiếp tế, nhưng chỉ thả được 91 tấn với 34% rơi vào phía bên kia.
Ngày 29 tháng Tư, Đờ Cát điện cho Cônhi báo tin bùn trong những chiến hào ở Điện Biên Phủ đã sâu tới 1 mét, trong ngày Điện Biên Phủ chỉ nhận được 30 tấn hàng tiếp tế và không có một tên lính tiếp viện nào.
Tính riêng trong tháng 4, số quân địch bị loại khỏi vòng chiến tại Điện Biên Phủ là 3.071 người. Lực lượng nhảy dù tăng viện trong tháng có hai tiểu đoàn (2/1 RCP, 2è BEP) và 650 lính tình nguyện, nhiều người chưa qua huấn luyện nhảy dù. Số tăng viện này còn xa mới bù đắp được những tổn thất. Về vũ khí, trong số 10 chiến xa, chỉ còn 1 chiếc hoạt động, 4 khẩu pháo 155 chỉ còn 1 khẩu bắn được, 24 khẩu pháo 105, chỉ còn lại 14 khẩu, và 15 khẩu cối 120.
Cuộc hành binh Chim kền kền ngày càng xa vời. Bộ chỉ huy quân viễn chinh phải tính cách tự cứu. Có ý kiến: mở một cuộc hành binh đánh vào hậu phương chiến dịch của Việt Minh ở khu vực Yên Bái - Tuyên Quang. Nhưng cuộc hành binh này cần tới những lực lượng và phương tiện lớn, chỉ có thể lấy từ đồng bằng Bắc Bộ, như vậy sẽ làm cho đồng bằng Bắc Bộ nhanh chóng sụp đổ. Một ý kiến khác, cho Đờ Cát tự đánh giải vây… Nava quay lại với ý định từ ngày đầu chấp nhận chiến đấu ở Điện Biên Phủ: một hành động bắt đầu từ sông Nậm Hu. Nhưng, theo Yvơ Gra, nó không còn là một cuộc hành binh giải tỏa như kế hoạch Xênôphôn, vì người Pháp không có đủ máy bay vận tải và máy bay chiến đấu, mà chỉ còn là một hành động nghi binh để nâng đỡ Điện Biên Phủ. Cuộc hành binh này vẫn mang tên Côngđo (Condor - Chim kền kền), nhưng là loại chim ở Nam Mỹ. Nó chỉ gồm bảy tiểu đoàn, trong đó có ba tiểu đoàn được thả dù. Tuy vậy, vẫn phải huy động toàn bộ những chiếc Đakôta còn lại trong vòng 24 giờ, và sau đó những máy bay này còn phải đảm nhiệm thả dù hàng ngày 45 tấn lương thực. Theo dự kiến từ ngày 14 đến ngày 29 tháng 4, cuộc hành binh sẽ được khởi đầu từ Mường Khoa tiến đến Tây Trang, rồi tràn vào Điện Biên Phủ đón binh đoàn đồn trú Tây Bắc phá vây rút chạy. Nhưng đúng thời gian này thì lực lượng máy bay vận tải bị hoàn toàn hút vào mặt trận Điện Biên Phủ. Do đó việc thả dù ba tiểu đoàn đã không thực hiện được. Chỉ còn ba tiểu đoàn ngụy Lào và một tiểu đoàn lê dương (2/2 REI) thực hiện cuộc hành binh với sự yểm trợ của không quân, dưới quyền chỉ huy của trung tá Gốtđa (Goddard).
Ngày 27 tháng 4 năm 1954, cuộc hành binh Côngđo bắt đầu.
Được tin có cánh quân địch từ phía Lào sang giải vây cho Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định sử dụng trung đoàn 148 và đại đội trinh sát ở nam Hồng Cúm tiến về phía Mường Khoa ngăn chặn địch. Ta phục kích gần Mường Khoa (tây - nam Điện Biên Phủ 30 kilômét) tiêu diệt bốn đại đội quân ngụy Lào. Địch rút chạy. Bộ đội truy kích địch về tận giáp Mường Sài và Luông Pha Băng. Cuộc hành binh Côngđo đã hoàn toàn thất bại.
Ngày 26 tháng 4 năm 1954, các đoàn đại biểu đã có mặt tại Giơnevơ. Hội nghị sẽ bàn về chiến tranh ở Triều Tiên và Đông Dương. Trên bán đảo Triều Tiên đã có ngừng bắn, nhưng vẫn chưa đạt được một hiệp định hòa bình. Vấn đề này sẽ không dễ giải quyết. Sự chú ý của các cường quốc tập trung vào tình hình chiến tranh nóng bỏng tại Đông Dương. Anh Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Phôngtenblô (Fontainebleau) chín năm trước đây, với tư cách Phó Thủ tướng Chính phủ hiện nay, chuẩn bị lên đường sang Giơnevơ.
Cuối tháng Tư, tại căn nhà nhỏ giữa núi rừng Việt Bắc, Bác tiếp chuyện nhà báo Úc Bớcsét (Burchett). Bớcsét hỏi thăm về Điện Biên Phủ. Bác lật ngửa chiếc mũ đặt trên bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh vành mũ, nói: "Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi". Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: “Còn đây là quân Pháp. Họ không thể thoát khỏi chỗ này!".
(Còn nữa)
PV