Trần Quốc Hương - Nhân cách và kỳ tích (Lời người viết)

Đồng chí Trần Quốc Hương đã được Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác...

Đồng chí Trần Quốc Hương tại buổi lễ nhận danh hiệu Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (năm 2013). Ảnh: SGGP
Những năm 1960, công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, tôi ở Tổ tổng kết chuyên đề Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam. Để chuẩn bị cho chuyên đề này, tôi được Ban giao viết cuốn Tìm hiểu Cách mạng Tháng Tám, Nhà xuất bản Sự Thật phát hành năm 1967 và cuốn Cách mạng Tháng Tám  (1945), Nhà xuất bản Sự thật phát hành năm 1970. Cuốn sau được tái bản 5 lần nữa. Khi làm việc ở Tổ tổng kết và viết hai cuốn sách nói trên, do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng Ban trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn, tôi đã được nghe đồng chí Trường Chinh nhắc đến nhiều sự kiện quan trọng của thời kỳ sôi động cách mạng, mà hồi đó đồng chí làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, người chủ chốt lãnh đạo cuộc cách mạng.

Đồng chí Trường Chinh nêu tên nhiều nhân vật lịch sử đã giúp việc Trung ương rất đắc lực trong thời kỳ vô cùng khó khăn, ác liệt và trong cao trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, trong đó có ông Mười Hương.

Nhắc đến bản Đề cương Văn hóa được hội nghị Ban Thường vụ Trung ương thông qua ở làng chài Võng La năm 1943, đồng chí Trường Chinh nói: “Tôi là người giao cho anh “Hương đen” mang tài liệu đó đưa cho anh Đặng Thai Mai, anh Đặng Thai Mai dựa vào nội dung bản Đề cương ấy viết cuốn Văn học Khái luận, do Hàn Thuyên xuất bản ở Hà Nội năm 1944”.

Kể lại chuyện đi vào Thành phố Hà Nội tháng 11/1944 để họp giữa đại diện của Việt Minh với đại biểu một số người cộng sản trong quân đội lê dương của Pháp, đại diện phái tả Đảng Xã hội Pháp và một đại biểu phái de Gauller (Đờ Gôn), bàn việc phối hợp hoạt động chống phát xít Nhật – Pháp, đồng chí Trường Chinh cho biết, việc chuẩn bị nơi họp cũng như việc bố trí đưa đón vào nội thành, đồng chí giao cho anh Hương đen.

Từ lâu, Trung ương Đảng đã thấy trước bọn phát xít Nhật và Pháp cùng cai trị Đông Dương mâu thuẫn với nhau, chúng đang chuẩn bị sửa soạn tiến tới chỗ tao sống mày chết, quyết liệt lật đổ nhau đến mức như cái nhọt bọc chỉ chờ dịp chín mõm là vỡ tung ra. Tuy nhiên, đồng chí Trường Chinh kịp thời triệu tập họp Ban Thường vụ Trung ương mở rộng vào chập tối ngày 9/3/1945 tại chùa Đồng Kỵ, đúng vào lúc Nhật nổ súng lật Pháp là nhờ nắm bắt được nhiều nguồn tin quan trọng, trong đó có nguồn do ông Mười Hương, qua người bạn làm trong Phòng Thông tin của Nhật cung cấp cho biết, Nhật đã phát 10 ngày lương khô cho quân lính và cấm trại để chuẩn bị chiến đấu.

Đồng chí Trường Chinh còn kể một số việc làm nữa đóng góp có kết quả xuất sắc của ông Mười Hương trong thời kỳ ở ATK (An toàn Khu) và những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta; mỗi khi nhắc đến ông Mười Hương, một trong những người giúp việc thân cận, đồng chí Trường Chinh thường tỏ ra rất tin cậy, quý mến.

Có một điều tôi muốn lưu ý là mỗi khi nhắc đến người có tên Hương đó, lần nào anh cũng kèm thêm một tính từ đen là “Hương đen”. Có lúc, tôi đã định hỏi, nhưng vì những sự kiện đồng chí đang kể cần chú ý theo dõi, cho nên tôi không dám cắt ngang. Tôi nghĩ đồng chí Trường Chinh da trắng trẻo, còn da mặt ông Hương chắc ngăm đen. Mãi sau này được gặp tôi mới biết, da ông không đen như trí tưởng tượng của tôi. Đồng chí Trường Chinh gọi như thế là vì ngoài bí danh Hương, ông Mười Hương có lúc còn lấy bí danh Đen, ông Trường Chinh ghép cả hai bí danh lại thành “Hương Đen”. Đồng chí Trường Chinh phải luôn luôn ghép hai bí danh đó lại là vì, nếu không sẽ nhầm với đồng chí Hạ Bá Cang (sau này là Hoàng Quốc Việt), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, lúc đó cũng lấy bí danh là Hương.

Cũng vào thời kỳ đó, anh Lâm Thao (Bùi Huy Thục), người Phú Thọ hoạt động từ những năm 1940, cùng công tác ở Ban thuộc Tổ nghiên cứu Lãnh tụ Hồ Chí Minh, có một lần nói với tôi: “Anh Hương giúp việc cho anh Trường Chinh hồi Cách mạng Tháng Tám, được anh Trường Chinh cho đi Nam công tác, bị Ngô Đình Diệm bắt rồi, bọn Nhà Ngô chống cộng kịch liệt lắm, chưa biết số phận anh Hương ra sao? Chắc khó sống!”. Sau đó, tôi biết tin đó do anh Vũ Quốc Uy, bạn của anh Lâm Thao cung cấp. Anh Vũ Quốc Uy cũng là bạn của ông Mười Hương, hồi cùng hoạt động trong Văn hóa cứu quốc những năm 1944-1945.

Nghe nói tới anh Hương thì nhiều, nhưng tôi chưa một lần gặp, mãi sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, thống nhất, ông Mười Hương làm Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Thanh tra Nhà nước tôi mới lần đầu tiên được tiếp xúc. Lúc này thì tôi đã được đọc cuốn Ông cố vấn của nhà văn quân đội Hữu Mai viết về nhà tình báo nổi tiếng Vũ Ngọc Nhạ; rồi Điệp viên giữa sa mạc lửa của Nhị Hồ trong đó có vai trò điệp viên Lê Nguyên Vũ... Các nhân vật đó đều nằm trong mạng lưới tình báo dưới sự tổ chức và chỉ đạo của ông Mười Hương.

Sau khi ông Mười Hương bị trọng bệnh, đi lại khó khăn, không đảm đương nhiệm vụ hàng ngày do Đảng và Nhà nước giao nữa, nhà riêng ông ở đường Tú Xương, Thành phố Hồ Chí Minh, tôi làm Chủ nhiệm công trình khoa học cấp Nhà nước Lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ, tôi mới thường hay được gặp ông, ông có những lời nhắc nhở chân tình, động viên khuyến khích tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ để đóng góp với phong trào cách mạng ở Nam bộ; đồng thời qua những buổi tiếp xúc, nghe nhiều chuyện lịch sử ông kể lại, mỗi lần một ít, càng ngày tôi càng hiểu biết thêm nhiều về ông.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã đánh giá ông – Trần Quốc Hương – Người Thầy của những nhà tình báo huyền thoại, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân phát hành đầu năm 2004. Điều đó quá đúng, bởi vì ông đã góp công tạo nên những nhà tình báo có những chiến tích ly kỳ và lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Việt Nam như Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ và một số nữa, mang sắc thái hoàn toàn Việt Nam, mưu trí, gan dạ và lập nhiều chiến công rực rỡ chẳng kém gì những nhà tình báo tầm cỡ trên thế giới.

Tuy nhiên, theo tôi đánh giá ông Mười Hương không chỉ dừng lại ở các “kỳ tích”, những chiến công cụ thể về an ninh ông đã đóng góp với cách mạng Việt Nam thời kỳ chống đế quốc Mỹ, mà cần nhìn sâu xa hơn về “nhân cách” của ông, bản chất con người ông, những cống hiến của ông từ thời kỳ trước. Đó chính là cái gốc để ông tạo nên những kỳ tích và những kỳ tích ông đã có được lại càng làm nổi rõ cái nhân cách, cái bản chất đẹp của ông. Hai mặt đó quan hệ mật thiết xoắn xuýt với nhau, như người ta thường nói, mối quan hệ của “Đức và Tài”.

Ông thừa hưởng lòng yêu nước, quý lao động, sống tôn trọng, thân ái với mọi người, từ gia đình, quê hương ông. Những đức tính quý báu đó được nhân lên gấp bội khi ông theo cách mạng, đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản. Đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, tổ chức Đảng đáp ứng đúng lý tưởng, nguyện vọng đúng đắn của ông. Ông tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối, tổ chức Đảng và sự thành công cuối cùng do Đảng, đứng đầu là Bác Hồ đã đề ra. Thật ngẫu nhiên và may mắn cho ông, chẳng mấy người có được là ngay bước đầu, từ lúc dấn thân theo cách mạng, ông lại được gần gũi các nhà lãnh đạo mẫu mực, xuất sắc như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng..., rồi cả Bác Hồ khi Bác về Hà Nội cuối Tháng Tám 1945 và học tập những đức tính quý báu, những sự hướng dẫn tận tình của các bậc tiền bối đàn anh đó, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, tạo nên nhân cách Mười Hương. Thật vậy, con đường do Đảng vạch ra, đường lối chính sách, tổ chức Đảng, những lời chỉ bảo của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh đã tạo cho ông Mười Hương có hướng đi dứt khoát, có sức mạnh lý tưởng, tinh thần tự giác, vượt mọi khó khăn gian nan nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, đặc biệt vượt qua được 6 năm bị gia đình họ Ngô giam giữ, mạng sống của ông chỉ còn treo trên sợi tóc, để rồi lại trở về với cách mạng tiếp tục hoạt động.

Nhân cách kiên cường, bất khuất của những người cách mạng trong suốt quá trình cuộc chiến đấu lâu dài chống lại những kẻ thù xâm lược ở nước ta có rất nhiều, tới hàng nghìn, hàng vạn. Tuy nhiên, những người vẫn giữ vững lòng tin vào cách mạng, vào tổ chức Đảng, ngay cả lúc bản thân mình đang bị tố cáo không đúng, mà vẫn giữ bình tĩnh, có phương pháp kiên trì xử lý tốt để làm cho rõ ràng, minh bạch thì không nhiều lắm. Chính bản thân ông cuối năm 1963, sau khi những người đối lập ở trong Nam lật đổ sự thống trị tàn bạo của họ Ngô, ông thoát tù, trở về và đã được tổ chức Đảng nơi ông sinh hoạt, lãnh đạo ông xác minh, kết luận rõ ràng ông là người tốt, giữ vững lòng trung thành với cách mạng, không khai báo, ông vẫn bị tố cáo: Vì sao biết ông là người phụ trách an ninh quan trọng được chế độ cộng sản miền Bắc phái vào Nam mà họ Ngô không giết ông? Mà đơn tố cáo đâu chỉ một lần, mỗi khi đến kỳ bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng là lại xuất hiện đơn tố.

Nhân cách, bản chất con người của ông Mười Hương không phải chỉ giữ cho mình, mà ông thường xuyên giữ vững tính nguyên tắc, tổ chức Đảng, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng, hành động sai trái của người khác; đồng thời kiên trì bảo vệ, minh oan cho những đồng chí bị xử lý sai không đúng hoặc quá mức. Lớp người như thế không nhiều, bởi vì trong thực tế cuộc sống hàng ngày, trong tổ chức, sinh hoạt Đảng, trong cơ quan làm việc của Đảng, đoàn thể quần chúng và Nhà nước, trong hoàn cảnh Đảng cầm quyền, không phải không có một số người vì lợi ích cá nhân “Thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”, thậm chí còn a dua tâng bốc người phụ trách đang nắm quyền thế; “ăn theo, nói leo”; nói và làm “tiền hậu bất nhất”...

Trong cuộc sống và làm việc của một đời người, không có ai làm việc gì, lúc nào cũng hoàn toàn đều đúng, không có sai. Nhưng, những người có những cống hiến đóng góp lớn, xuất sắc; đúng nhiều sai ít, không vi phạm điều lệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đúng là cơ bản, bản chất; khuyết điểm, thiếu sót không cố tình, cố ý, có hoàn cảnh nhất định, sau khi biết lại chân thành sửa chữa, thì rất đáng được ghi lại làm gương cho đời, cho mọi người, nhất là với lớp trẻ. Lịch sử không bao giờ lặp lại, nhưng lại là những bài học kinh nghiệm cho những người kế tiếp học tập để ứng phó với những tình huống tương tự.

Chính vì thế, tôi viết về Con người – Sự nghiệp của ông Mười Hương với nhan đề: Nhân cách và Kỳ tích Trần Quốc Hương.

Hoạt động của con người luôn luôn và bao giờ cũng gắn với lịch sử. Con người là hạt nhân sinh động của lịch sử, chính con người sáng tạo ra lịch sử. Tôi cố gắng bám sát diễn biến của lịch sử nước ta và thế giới, những năm ông Mười Hương hoạt động, dựa vào những tư liệu đã có thẩm tra, đáng tin cậy, nhất là những nghị quyết, chỉ thị đúng, sáng tạo của Đảng, những tư liệu thành văn trong đó có những hồi ký đã được xác minh, để cố gắng diễn tả trung thực, có trách nhiệm. Có điều gì sơ suất, chưa đúng hoặc còn thiếu sót xin được chỉ bảo để tôi bổ khuyết và sửa chữa.

(Còn nữa)
Trần Giang

Ngọc Diệp

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy