Cách nay 71 năm, trên mảnh đất cực Bắc huyện Kim Bảng đã diễn ra một sự kiện, được ghi vào lịch sử, lưu vào tâm thức của nhân dân.
Đó là vào tháng 10 năm 1948, do yêu cầu củng cố và tăng cường chính quyền cách mạng, xã Tượng Lĩnh được tách làm hai xã mới.
Xã thứ nhất gồm các thôn: Phù Đê, Quang Thừa, Phúc Trung, Lưu Giáo, Cao Mỹ, Ấp Thọ Cầu, Thọ Cầu, Vĩnh Sơn được mang tên cũ Tượng Lĩnh.
Xã thứ hai gồm các thôn: Đức Mộ, Phù Lưu, Thuận Đức, Cát Nguyên, Thường Khê. Thể theo nguyện vọng của nhân dân 5 thôn, cấp có thẩm quyền đã đồng ý xã được mang tên Nguyễn Úy - người cộng sản có nhiều công lao với cách mạng thời kỳ 1930 – 1945.
Nguyễn Úy sinh năm Ất Tỵ (1905) tại làng Đức Mộ (đồng thời là xã) tổng Phù Lưu, huyện Kim Bảng, trong một gia đình nông dân khá giả. Từ nhỏ Nguyễn Úy được theo học chữ Nho, sau đó lại theo Tây học ở trường tổng, trường huyện, rồi làm nghề dạy học tại quê Đức Mộ. Thầy giáo trẻ đã sớm đồng cảm với những người dân nghèo khổ, sớm giác ngộ cách mạng.
Đầu tháng 4/1926, Nguyễn Úy cùng những thanh niên yêu nước huyện Kim Bảng hăng hái về chùa Bầu (thị xã Phủ Lý) dự lễ truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh vừa qua đời tại Sài Gòn vào cuối tháng ba.
Cuối năm 1927, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển hội viên ở Kim Bảng. Thời gian này thầy giáo Nguyễn Úy đang dạy học ở Phú Viên (tổng Quyển Sơn), đã gia nhập tổ chức ở xã Quyển Sơn.
Một góc xã Nguyễn Úy (Kim Bảng). Ảnh: Thế Tân
Đầu năm 1930, ở tổng Phù Lưu, Nguyễn Úy tổ chức “Hội Giai” hội viên là thanh niên. Đây là hình thức tập hợp quần chúng để tuyên truyền cách mạng. Phong trào cách mạng ở các tổng Phù Lưu, Phương Đàn, Thụy Lôi đòi hỏi phải có tổ chức Đảng lãnh đạo. Đáp ứng yêu cầu ấy, tháng 10/1930, Chi bộ cộng sản thứ hai của huyện Kim Bảng được thành lập tại chùa Đức Mộ, gồm 3 đảng viên Nguyễn Úy (Đức Mộ), Tạ Văn Giác (Phù Đê) tổng Phù Lưu, Lê Hồ (xã Cao Mật, tổng Phương Đàn). Việc ra đời chi bộ đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở Kim Bảng.
Mặc dù địch khủng bố liên tiếp ở nhiều nơi trong tỉnh, trong huyện, cơ sở Đảng ở Phù Lưu vẫn trụ vững. Ngày 7/11/1931, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, đồng chí Nguyễn Úy đã trực tiếp tổ chức treo cờ Đảng trên cây bồ đề ở chợ Chanh. Địch về tra xét bắt một số người tình nghi, trong đó có đồng chí Nguyễn Úy đưa về giam ở thị xã Phủ Lý, sau không đủ chứng lý kết tội nên chúng phải thả.
Tháng 5/1938, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, các tổ chức Đảng ở tỉnh Hà Nam cử đại biểu tham dự mít tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội nhằm ủng hộ nhân dân Pháp, phản đối bọn Pháp ở các thuộc địa, đòi tự do dân chủ. Đồng chí Nguyễn Úy tham gia đoàn Kim Bảng gồm 30 người đi dự. Trở về, đồng chí đã tổ chức truyền đạt nội dung và kiến nghị của cuộc mít tinh này với nhiều hình thức cho nhân dân địa phương. Để tăng cường tập hợp quần chúng, đồng chí Nguyễn Úy và đồng chí Nguyễn Văn Duẩn thôn Phù Lưu lập hội đá bóng thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Trước sự phát triển mạnh của phong trào quần chúng, lấy cớ lập hội đá bóng bất hợp pháp địch bắt đồng chí Nguyễn Úy và một số quần chúng cách mạng vào cuối năm 1938, kết án 6 tháng tù giam. Mãn hạn tù, đồng chí Nguyễn Úy bắt liên lạc với một số đảng viên nhanh chóng gây dựng lại cơ sở ở Đức Mộ, Cát Nguyên, Kim Châm.
Đầu năm 1940 và đầu năm 1941, đồng chí Nguyễn Úy lại bị địch bắt giam, mỗi lần nửa tháng. Bị địch tra tấn tàn nhẫn, cả hai lần đồng chí đều vững vàng, kiên quyết không tiết lộ bí mật tổ chức Đảng. Ra tù trở về địa phương, đồng chí Nguyễn Úy tăng cường công tác giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng, trong đó có nhiều quần chúng trung kiên, tiêu biểu là ông Lê Văn Thu, tức Thống Ngọ, người trông coi chùa Đức Mộ, nơi ra đời Chi bộ Đảng thứ hai của huyện Kim Bảng. Năm 1940 – 1941, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã ở chùa Đức Mộ để chỉ đạo phong trào cách mạng.
Được hỗ trợ vay vốn và bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh đã giúp nhiều hội viên phụ nữ xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Ảnh: Thanh Hà
Năm 1942, sau khi bị địch đàn áp khốc liệt, phong trào cách mạng ở Kim Bảng lại phục hồi. Cờ Đảng được treo ở nhiều nơi, truyền đơn được đảng viên Kim Bảng, Ứng Hòa rải ở hội chùa Hương. Khí thế quần chúng đang lên thì địch lại tiến hành khủng bố gắt gao bắt đồng chí Nguyễn Úy và 5 đảng viên vào ngày 24/4/1942 đưa đi giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Trong tù, người cộng sản Nguyễn Úy dù bị tra tấn dã man, đầy ải vẫn giữ vững khí tiết, tích cực tham gia các hoạt động của Chi bộ nhà tù. Ngày 28/4/1943, đảng viên trung kiên – người con của quê hương Đức Mộ qua đời trong nhà tù – địa ngục trần gian, khi mới 38 tuổi. Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, đồng chí Nguyễn Úy đã được Nhà nước ta công nhận là Liệt sỹ.
Nguyễn Úy đã thành địa danh lịch sử, hun đúc truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của bao thế hệ nhân dân; để mỗi lần nhắc đến lại dấy lên niềm tự hào, biết ơn người cộng sản hy sinh vì quê hương, đất nước.
Mai Khánh
Thế Trang, Thanh Hà