Âm vang tiếng trống cách mạng Bồ Đề

Ngày 20/10/1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam, tiếng trống hiệu lệnh từ đình Triều Hội vang lên, mở đầu cuộc biểu tình tuần hành của nông dân xã Bồ Đề và nông dân các vùng lân cận đấu tranh, phản đối chế độ thực dân, phong kiến. Đây là cuộc đấu tranh lớn nhất của nông dân Hà Nam thời kỳ 1930-1931, là một trong những mốc son trong lịch sử giai cấp nông dân và lịch sử cách mạng Việt Nam. 94 năm đã trôi qua, mái đình Triều Hội - nơi chứng kiến và ghi dấu biết bao sự kiện lịch sử trên quê hương cách mạng Bồ Đề vẫn giữ nét cổ kính, trầm mặc, uy nghiêm. Chỉ có diện mạo làng quê và cuộc sống của người dân nơi đây đã hoàn toàn đổi mới.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Bồ Đề: Tháng 9 năm 1930, chấp hành chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, hội nghị Tỉnh ủy Hà Nam họp tại thôn Cổ Viễn (nay thuộc xã Hưng Công, huyện Bình Lục) đã quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn, có biểu tình tuần hành thị uy, nhằm phát động quần chúng đấu tranh đòi bãi bỏ hội đồng cải lương, đòi giảm sưu, giảm thuế, ủng hộ Xô – Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh của nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình). Hội nghị đã quyết định chọn Bồ Đề làm địa điểm tổ chức cuộc mít tinh. Vì không những phong trào ở đây vững mà Bồ Đề còn là nơi tiếp giáp ba huyện Bình Lục, Lý Nhân, Mỹ Lộc, vừa để tập trung lực lượng, phát huy thanh thế, vừa dễ đánh lạc mục tiêu đàn áp của quân thù.

Theo kế hoạch của Tỉnh ủy, đoàn biểu tình sẽ xuất phát từ chợ Bồ Đề rồi qua các chợ: An Ninh, Thành Thị, khi có thời cơ tiến thẳng lên huyện Bình Lục… Đúng 3 giờ sáng ngày 20/10/1930, những đảng viên và quần chúng được phân công tham gia vào cuộc biểu tình đóng giả thành những người đi chợ tấp nập kéo về tập trung ở chợ Bồ Đề. Ngoài lực lượng của xã Bồ Đề còn có lực lượng của các xã Đồng Du, Hưng Công, Ngọc Lũ, Cổ Viễn, An Đề (Bình Lục)… và lực lượng của một số xã thuộc huyện Duy Tiên và Lý Nhân tham gia. Khoảng 7 giờ, tiếng trống đình làng Triều Hội vang lên hòa cùng tiếng pháo nổ giòn tan. Chợ Bồ Đề bừng bừng khí thế cách mạng, cờ đỏ búa liềm xuất hiện phần phật tung bay trong nắng sớm. Mọi người phấn khởi sắp xếp đội ngũ chỉnh tề. Các đồng chí Trần Thị Khuyến cầm cờ Đảng và Trần Thị Cán, Trần Thị Kiện cầm biểu ngữ dẫn đầu đoàn biểu tình. Khi tiếng trống vừa dứt, tiếng hát Quốc tế ca vang lên, phút truy điệu tám chiến sỹ Tiền Hải (Thái Bình) bị thực dân Pháp giết hại ngày 14/10/1930 diễn ra trang nghiêm và cảm động. Sau đó đồng chí Ngô Gia Bẩy, thay mặt Tỉnh ủy Hà Nam và Huyện ủy Bình Lục đứng lên diễn thuyết. Đồng chí vạch tội ác của đế quốc phong kiến, hô hào mọi người đấu tranh đòi bỏ sổ chi thu, bãi bỏ hội đồng cải lương, giới thiệu sự ra đời cùng tôn chỉ mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi mọi người ủng hộ phong trào Xô – Viết Nghệ Tĩnh và phong trào đấu tranh của nông dân Tiền Hải (Thái Bình)… Cuộc mít tinh biến thành biểu tình tuần hành thị uy tiến về phía chợ An Ninh. Đi đầu là hai người con gái cầm cờ đỏ vẽ búa liềm và một người vác cái bảng trên đề “Việt Nam Cộng sản Đảng”. Mọi người vừa đi vừa hô vang, vừa đốt pháo, đòi bỏ sổ chi thu và giảm thuế… Đoàn biểu tình mỗi lúc một đông thêm, khi xuất phát ở chợ Bồ Đề có 300 người, đến chợ Vọc (An Ninh) đã có tới hàng nghìn người tham gia. Trên đường đi các đồng chí cán bộ, đảng viên vẫn bí mật lãnh đạo, uốn nắn kịp thời, tránh mọi biểu hiện manh động tự phát…

Các tuyến đường làng được nâng cấp, chỉnh trang sạch, đẹp, tạo diện mạo mới cho quê hương cách mạng Bồ Đề.

Chưa bao giờ khí thế cách mạng của nhân dân Bồ Đề lại dâng lên mạnh mẽ như lúc này. Bọn địa chủ, cường hào, tay sai của thực dân Pháp rất hoảng sợ. Tên quản khố đỏ ở Vũ Bị, tên chánh tổng Ngọc Lũ vội vã sai con ra đóng chặt cổng, sợ quần chúng vào hỏi tội như ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Đến làng Thành Thị, đoàn biểu tình gặp tên tổng Bá từ An Ninh trở về. Tên tay sai này rất xảo quyệt, trước khí thế cách mạng của nhân dân, hắn ra vẻ khúm núm lễ phép chào hỏi mọi người, rồi nhân lúc ta sơ hở hắn trốn về nhà, sai tay chân lên huyện báo với quan thầy. Đoàn biểu tình tiếp tục cuộc hành trình. Đến chợ Vọc đã 12 giờ trưa, thấy không đủ thời gian lên huyện Bình Lục, các đồng chí lãnh đạo quyết định tổ chức mít tinh tại chợ Vọc…

Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc biểu tình Bồ Đề ngày 20/10/1930 có một ý nghĩa lịch sử to lớn đối với phong trào cách mạng của xã Bồ Đề nói riêng và phong trào cách mạng ở tỉnh Hà Nam nói chung. Đây là một cuộc đấu tranh chính trị lớn, kết hợp nhiều hình thức: Diễn thuyết, đốt pháo, biểu dương lực lượng, tán phát truyền đơn, có đông người tham gia nhất, với thời gian kéo dài nhất, có tổ chức nhất và cũng diễn biến phong phú nhất ở Hà Nam lúc bấy giờ. Bằng thắng lợi của cuộc biểu tình ngày 20/10/1930, nhân dân Bồ Đề đã giáng một đòn mạnh vào bộ máy tay sai của đế quốc Pháp ở địa phương, đồng thời nói lên tinh thần yêu nước nồng nàn, khả năng cách mạng to lớn của tầng lớp nhân dân xã Bồ Đề.

Qua cuộc đấu tranh này, những người nông dân Bồ Đề càng tin tưởng và hiểu thêm về Đảng ta là một Đảng yêu nước chân chính, đại diện cho nhân dân lao động, lãnh đạo những người nghèo khổ chống lại đế quốc, phong kiến để giành cơm áo, tự do... Thắng lợi của cuộc biểu tình ở Bồ Đề ngày 20/10/1930 không chỉ có tiếng vang trong nước mà còn được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy làm một minh chứng về tinh thần và khả năng cách mạng của nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta trong thư của Người báo cáo với Quốc tế nông dân…

94 năm qua, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bồ Đề luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, đồng thuận và quyết tâm cao trong xây dựng, bảo vệ và đổi mới quê hương. Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cán bộ, đảng viên và người dân xã Bồ Đề luôn đoàn kết, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí. Nhờ huy động được các nguồn lực, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư nâng cấp, xây dựng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông. Hiện, hệ thống đường trục xã, đường thôn, liên thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa và nhựa hóa bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp. 5/5 nhà văn hóa được nâng cấp, xây mới, lắp đặt các bộ dụng cụ thể thao ngoài trời đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của người dân. 5/5 thôn đã được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”, 95% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều của xã năm 2023 giảm còn 0,7%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 73,5 triệu đồng…

Bồ Đề hôm nay đã đổi thay toàn diện, đặc biệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2023, Bồ Đề được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Xác định rõ, xây dựng NTM, NTM nâng cao là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, thời gian tới, Bồ Đề tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy