Sau khi cơn bão Yagi đi qua, chúng tôi tìm về làng văn hóa Vạn Thọ (Nhân Bình - Lý Nhân) để được nghe, được thấy, được cảm nhận về “sự thay da đổi thịt” của đất và người nơi đây. Không chỉ được biết đến là làng văn hóa tiêu biểu được giới thiệu, tôn vinh tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất năm 2009 (tổ chức tại Thái Bình), làng Vạn Thọ còn được biết đến với chiến thắng trận chống càn Ăm-phi-bi của Thực dân Pháp ngày 12/3/1952 tại xóm Bắc Việt (xóm 2) nay thuộc thôn Vạn Tiến. Trong ngôi đình làng có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, lắng nghe những câu chuyện xưa cũ, chúng tôi mới hiểu được phần nào tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của người dân làng Vạn Thọ xưa và nay trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghe các cụ cao niên trong làng kể rằng: làng Vạn Thọ (xã Nhân Bình) trước vốn là một vùng chiêm trũng, mỗi năm chỉ cấy trồng được một vụ, người dân làm nghề sông nước ở tứ xứ tìm về làm ăn sinh sống và quần cư ở đó và hình thành lên làng, với tên gọi là Vạn Chài. Vào một hôm mưa to, gió lớn có một tảng đá trôi về đến cầu Bến thì mắc ở đó. Trên tảng đá đó có chữ Thọ, dân làng cho đấy là điềm lành nên đã đổi tên làng từ Vạn Chài thành Vạn Thọ. Làng Vạn Thọ trước có 9 xóm, đến năm 2019, thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp thôn, xóm, làng còn 2 thôn (Vạn Tiến và Vạn Đại). Hiện, làng Vạn Thọ có trên 800 hộ và trên 3.000 nhân khẩu. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Chinh, Trưởng Ban đại diện của làng; trước đây, do xuất phát điểm về kinh tế thấp nên việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân chưa được quan tâm; nhiều hủ tục ma chay, cưới xin chưa được xóa bỏ. Năm 1989, khi triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, Vạn Thọ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa ý nghĩa và tinh thần nhân văn của cuộc vận động tới từng xóm, từng nhà, từng người. Vì vậy, với sự đồng sức, đồng lòng, đoàn kết thống nhất, nhân dân làng Vạn Thọ đã quyết tâm chung tay thực hiện tốt các tiêu chí của phong trào; tạo bước chuyển tích cực từ ý chí đến hành động. Diện mạo của làng vì thế ngày càng khởi sắc...
Trong phát triển kinh tế, chi bộ đảng và lãnh đạo thôn đã mạnh dạn, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng mùa vụ. Bên cạnh đó, Vạn Thọ cũng đã quan tâm khuyến khích phát triển một số ngành nghề phi nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao; trong đó, nghề mộc được coi là thế mạnh của làng. Không chỉ phát triển ở làng, hiện nghề mộc ở Vạn Thọ đã được mở mang ra một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ đã được thành lập và phát triển ở một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hồ Chí Minh. Đó chính là nguồn nội lực quan trọng để Vạn Thọ bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao... Cũng theo ông Nguyễn Văn Chinh: Sau gần 35 năm xây dựng làng văn hóa và hơn 10 năm xây dựng NTM, đời sống kinh tế xã hội ở làng Vạn Thọ đã có những bước chuyển tích cực. Nếu như năm 2008, giá trị thu nhập bình quân đầu người của làng chỉ đạt 9,7 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2023, đạt trên 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 60%. Hiện 100% đường làng, ngõ xóm nơi đây được bê tông hóa, 100% các thôn đều có nhà văn hóa. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ngày càng phát triển
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều năm qua, làng Vạn Thọ luôn quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang; mở rộng các loại hình học tập, học tập cộng đồng, đẩy mạnh việc khuyến học từ gia đình, dòng họ, có chương trình khuyến khích học tập cụ thể; tích cực vận động, tạo điều kiện cho 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường, không có tình trạng bỏ học. Chi hội khuyến học của làng được thành lập và duy trì nguồn quỹ để khen thưởng học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào đại học và học sinh nghèo vượt khó. Hiện nay, làng có 2 dòng họ xây dựng được quỹ khuyến học làm tốt việc khen thưởng, động viên con em phấn đấu học tập đạt thành tích cao. Được biết, hằng năm tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của Vạn Thọ khá cao. Các hoạt động y tế thôn xóm, truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình, các chương trình y tế cũng được quan tâm...
Xây dựng làng văn hóa trên tinh thần duy trì và phát triển những giá trị truyền thống tích cực; đồng thời, tiếp cận và nhân rộng những cái mới theo xu hướng hiện đại, văn minh, Vạn Thọ đã xây dựng một bản quy ước quy định cụ thể các mặt sinh hoạt đời sống cộng đồng từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đến duy trì phát triển thuần phong mỹ tục, ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, bài trừ các tệ nạn xã hội... Trong làng, người dân chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy ước xây dựng làng văn hóa, đời sống tinh thần được chú trọng; sinh hoạt câu lạc bộ gia đình văn hóa được đông đảo người dân tham gia; vai trò của các bậc cao niên trong làng được phát huy, nêu cao tính gương mẫu cho thế hệ trẻ noi theo. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được làng đưa vào quy ước xây dựng làng văn hóa và thực hiện nghiêm túc. Năm 1998, Vạn Thọ được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Liên tục từ đó đến nay, làng đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh. Đặc biệt, năm 2009, Vạn Thọ được biểu dương là một trong 3 làng văn hóa tiêu biểu của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn vinh trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất.
Tiếp nối và duy trì những truyền thống cách mạng của quê hương, người dân làng Vạn Thọ hôm nay vẫn đoàn kết, chung sức, chung lòng trong công cuộc xây dựng NTM, NTM nâng cao. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm, cứ vào ngày 17/2 âm lịch, tại đình làng Vạn Thọ (cũng từng là nơi trưng dụng làm kho chứa vũ khí và hầm ẩn náu của bộ đội trong kháng chiến chống Pháp), lễ hội làng được tổ chức, với nhiều nghi thức truyền thống và các trò chơi dân gian cùng hoạt động thể thao quần chúng sôi nổi thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân và du khách thập phương. Theo chia sẻ của cụ Nguyễn Văn Sinh, thủ từ của đình Vạn Thọ: lễ hội chính là dịp để nhân dân địa phương tri ân công đức Thành hoàng làng và các bậc tiền nhân có công dựng làng lập ấp, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân no đủ.
Minh Thu