Câu chuyện cổ tích "Sự tích trầu cau" ngợi ca, tôn vinh tình cảm anh em, tình nghĩa vợ chồng thủy chung, sâu sắc, rất nhiều người đã được đọc, được nghe nhưng không phải ai cũng biết, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng là một trong những nơi phát tích dị bản câu chuyện cổ tích này.
Trò chuyện với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Lê Hữu Bách cho biết: Trước đây, tôi đã về thôn Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh trong thời gian dài tìm gặp các cụ cao niên hỏi chuyện, đồng thời dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu liên quan đến dị bản câu chuyện dân gian "Sự tích trầu cau".
Theo nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Lê Hữu Bách, nói là dị bản vì sự tích này không xác định được bản chính. Ở Tượng Lĩnh giờ vẫn còn những địa danh liên quan đến câu chuyện. Đó là, dãy núi đá vôi trùng điệp. Đó là chợ Trầu (giờ đã đổi thành chợ Dầu) trước đây bán rất nhiều trầu cau. Đó là làng Phù Đê mà chữ phù chính là tên chữ của cây trầu không.
Một góc chợ Dầu, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) - nơi được cho là phát tích “Sự tích trầu cau”. Ảnh: Thế Tân
Sau một thời gian dày công nghiên cứu, sưu tầm ông Bách đã hoàn tất dị bản câu chuyện "Sự tích trầu cau", truyện này được in trong tập Truyện dân gian Kim Bảng tập 1.
Tóm tắt nội dung câu chuyện như sau: Ngày xưa ở một làng nọ có hai anh em ruột, rất thương yêu nhau, người anh tên là Tân, người em tên là Lang. Hai anh em giống nhau như hai giọt nước. Bố mẹ mất sớm, hai anh em được một thầy đồ thương yêu, giúp đỡ. Thầy đồ có một người con gái xinh đẹp, nết na, ngoan hiền, thấy anh em Tân và Lang hiền lành, chịu thương, chịu khó thầy đồ gả con gái cho người anh.
Từ khi người anh lấy vợ, tình cảm giữa hai anh em không được thắm thiết như xưa. Người em rất buồn, nhưng người anh vô tình không để ý đến. Một hôm, hai anh em đi làm đến tối mịt mới về, người em bước vào nhà trước, chị dâu tưởng là chồng mình, vội ôm chầm lấy. Đúng lúc ấy, người anh về tới cửa nhìn thấy. Từ đó, tình cảm của người anh ngày càng lạnh nhạt hơn.
Một buổi chiều, khi cả nhà đều đi vắng, người em ngồi một mình cảm thấy cô quạnh, buồn tủi vì vậy bỏ nhà ra đi. Chàng đi mãi, tới một con sông rộng không thể lội qua được, đành ngồi bên bờ khóc. Chàng khóc mãi rồi gục xuống biến thành một tảng đá.
Không thấy em về, người anh hối hận đi tìm. Chàng đi đến đúng bên bờ sông rộng người em đã đến rồi ngồi tựa vào tảng đá than khóc. Khi chết chàng hóa thành cây cau.
Ở nhà, người vợ không thấy chồng về, vội vã đi tìm. Người vợ cũng theo con đường mòn đi vào rừng thẳm. Nàng đi mãi, cuối cùng cũng tới con sông nọ. Khi không còn đi được nữa, nàng ngồi tựa vào gốc cây khóc thảm thiết rồi gục xuống biến thành cây trầu quấn chặt lấy thân cây cau...
Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm về xã Tượng Lĩnh gặp bác Vũ Quang Xuất, Thiếu tá nghỉ hưu, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (bộ môn Văn xuôi), người sưu tầm và lưu giữ những tài liệu liên quan đến vùng đất phát tích dị bản này.
Bác Xuất cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Quang Thừa. Trước đây tôi cũng có nghe các cụ cao niên trong làng nói Tượng Lĩnh là nơi phát tích dị bản sự tích trầu cau. Khi về nghỉ hưu tại quê hương tôi có ý định đi sưu tầm những tài liệu liên quan.
Thật may, tôi được cụ Mai Văn Thái, lão thành cách mạng thôn Phù Đê (hiện cụ Thái đã mất) trao giữ tư liệu quan trọng liên quan đến vùng đất này. Đó là bài viết "Huyện Chu Diên về thời Hai Bà Trưng" đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số tháng 4/1987. Trong bài báo có đoạn viết "Quê hương buổi đầu của câu chuyện trầu cau là vùng chợ Trầu, suối cau, ở ven sông Đáy, sát chùa Hương, ngã ba địa giới của ba huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa (Hà Sơn Bình) và Kim Bảng (Hà Nam)... Đây là vùng có tên chữ là Phù Lưu, tức cây trầu không... Thời trước ở Quang Thừa có một cái chợ rất lớn là chợ Trầu (xã Tượng Lĩnh, Kim Bảng)...”.
Xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng. Ảnh: Google maps
Với những tư liệu sưu tầm được, ông Xuất khẳng định: Tượng Lĩnh là một trong những địa phương phát tích dị bản truyện "Sự tích trầu cau". Ngoài ra, trong cuốn Lịch sử đảng bộ xã Tượng Lĩnh (1930 - 2010) ngay trang đầu có viết: Xã Tượng Lĩnh có dãy núi đá vôi trùng điệp, có suối Cau (suối Tân Lang bây giờ), có chợ Trầu (đã đổi thành chợ Dầu) và những làng Phù Đê, Phù Sơn (phù là tên chữ của cây trầu không), theo truyền thuyết thì một số địa danh thuộc xã Tượng Lĩnh ngày nay được coi là tâm điểm trong vùng phát tích của câu chuyện "Sự tích trầu cau".
Theo ông Xuất, ông sưu tầm và lưu giữ những tư liệu liên quan là để lưu lại cho thế hệ sau biết, hiểu và thêm tự hào về tình nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung, về tình anh em sâu sắc đậm đà trên mảnh đất Tượng Lĩnh Anh hùng qua câu chuyện "Sự tích trầu cau".
Phạm Hiền
Phạm Hiền, Thế Trang