Những năm qua, tỉnh Hà Nam luôn nằm trong tốp các địa phương có thu hút đầu tư nước ngoài đạt cao trên cả nước. Các doanh nghiệp vào đầu tư tại Hà Nam hoạt động ở đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao. Điều này đã và đang tạo nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh mà còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021- 2025 định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 11) xác định rõ mục tiêu: Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 12,6%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng 30%, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 20%, công nghiệp chế tạo, lắp ráp chiếm tỷ trọng 23,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Hà Nam đã tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, trọng tâm là tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu nhằm mời gọi các doanh nghiệp của các quốc gia này đến tìm hiểu môi trường đầu tư để có quyết định đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cũng quan tâm rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, mở rộng các khu công nghiệp (KCN), xây dựng đồng bộ hạ tầng tại các KCN và hạ tầng kết nối liên vùng; củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ hoạt động tại các KCN, nhất là khắc phục về điện, nước, bảo đảm thực hiện nghiêm 10 cam kết của UBND tỉnh với các nhà đầu tư.
Để các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng yên tâm, tin tưởng vào đầu tư, tỉnh Hà Nam cam kết luôn đồng hành, giúp doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng nhà xưởng, tiếp cận và gia nhập thị trường trong thời gian sớm nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, quan tâm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn; các thủ tục về thuế, hải quan, vấn đề đào tạo và tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp; chỉ đạo các sở, ngành, các trường đào tạo nghề tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã đầu tư tại các khu công nghiệp, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, mặt bằng, khuyến khích mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Có môi trường đầu tư thuận lợi, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nam liên tục tăng cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng. Theo thống kê sơ bộ của Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong tổng số trên 600 dự án hiện đang đầu tư tại các KCN, có gần 300 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm xấp xỉ 45% tổng số dự án). Riêng trong 11 tháng năm 2024, các khu công nghiệp tỉnh thu hút trên 20 dự án mới thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hiện, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, chủ yếu trong các nhóm ngành về: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; cơ khí, cơ khí chế tạo; sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải; hóa chất, phân bón; thiết bị điện, điện tử; chế biến gỗ, giấy; chế biến thực phẩm, đồ uống…
Đơn cử như Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina (KCN Đồng Văn I, Duy Tiên) - doanh nghiệp hỗ trợ áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến để sản xuất các linh kiện bán dẫn, đèn LED, linh kiện LED công nghệ cao phục vụ cho các lĩnh vực chiếu sáng, viễn thông, điện tử và tiết kiệm năng lượng, chính thức đi vào hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh từ năm 2017. Những năm qua, Seoul Semiconductor Vina luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số và đã triển khai 3 giai đoạn phát triển, nâng vốn đầu tư từ 300 triệu USD (năm 2017) lên trên 500 USD và tăng số lao động từ vài trăm người lên trên 2.000 người. Ông Kim Sung Ju, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina cho biết: Được tỉnh Hà Nam quan tâm, tạo môi trường đầu tư thuận lợi về mọi mặt để doanh nghiệp phát triển, Seoul Semiconductor Vina đang triển khai hoàn tất các thủ tục để xây dựng nhà máy thứ 2 tại Hà Nam sau những thành công của nhà máy đầu tiên. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của tỉnh Hà Nam, nhất là về thủ tục hành chính hay điều chỉnh giá thuế đất.
Đánh giá về tiềm năng của Hà Nam trong thu hút đầu tư nói chung, thu hút phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ nói riêng, ông Đỗ Thành Luân, Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý các KCN tỉnh) khẳng định: Với ưu thế nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, ở vị trí trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, có mạng lưới giao thông thuận lợi khi nằm trên trục đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A - huyết mạch giao thông quan trọng của cả nước, tỉnh Hà Nam đang trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở ra nhiều tiềm năng về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Những năm gần đây, mỗi năm các KCN của tỉnh thu hút khoảng 20 dự án công nghiệp hỗ trợ vào đầu tư.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11, Sở Công thương xác định rõ nhiệm vụ trong tâm trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo là khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ làm nhân tố thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, sở sẽ chủ trì, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hưởng ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục cập nhật thông tin doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lên hệ thống cơ sở dữ liệu tại địa chỉ https://csdlcnht.hanam.gov.vn; tạo điều kiện tăng cường khả năng liên kết trong thu hút, phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…
Nguyên Oanh