Thời niên thiếu và những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến

Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ý chí, nghị lực, tinh thần bất khuất trước kẻ thù và những đóng góp, hy sinh to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng đã được khắc họa trong nhiều tài liệu lịch sử Đảng và tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật. Bài viết dưới đây chỉ xin đề cập một khía cạnh: Thời niên thiếu và những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.

Thời niên thiếu và những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến
Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.

Quê hương, gia đình và những biến cố đầu đời

Người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến sinh ngày 5/3/1901, tại trang Long Xuyên (còn có tên trang Lủng Xuyên), xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam Thượng (nay là tổ phố Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên). Nguyễn Hữu Tiến sinh trưởng trong một gia đình nền nếp, được nuôi dưỡng, học hành chu đáo. Ông nội - Nguyễn Hữu Điều (1858 - 1925) theo học chữ Hán và luôn hướng con cái theo con đường học hành. Cha - Nguyễn Hữu Lập (1880-1924) là người theo học chữ Hán rất bài bản nhưng gặp thời Pháp thuộc (thời chữ Hán không còn được coi trọng) nên đã chuyển sang thi vào trường hậu bổ (trường do người Pháp mở) để học quốc ngữ và tiếng Pháp; năm 1904 tốt nghiệp, được bổ nhiệm thông sự phủ Ngõa Hưng (nay là Nghĩa Hưng, Nam Định). Mẹ - Bùi Thị Mền (1882-1908) là người phụ nữ chịu thương chịu khó nhưng thiệt phận, qua đời sớm khi chưa đến 30 tuổi. 

Nguyễn Hữu Tiến có may mắn hơn số đông thiếu niên cùng thời là được nuôi dạy, học hành chu đáo. Từ nhỏ được ông nội dạy chữ nho; lớn lên theo cha đi công cán, ra học tiểu học ở thị xã Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) và đỗ bằng tiểu học ở đây. Thời gian sau, khi cha chuyển về châu Thạch An (Cao Bằng), Nguyễn Hữu Tiến đi theo giúp việc cho cha nên không tiếp tục học nữa. Vốn là người ham học, có tư tưởng tiến bộ nên mặc dù còn trẻ Nguyễn Hữu Tiến đã sớm nhận thấy những bất công của chế độ thực dân, phong kiến. Từ nhận thức đó nên khi cha qua đời (1924), Nguyễn Hữu Tiến quyết định không đi theo con đường làm việc cho chính quyền thực dân, phong kiến mà quay trở về Lũng Xuyên mở trường dạy học.

Tuy may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa, không phải lo cơm ăn, áo mặc, được học hành nhưng Nguyễn Hữu Tiến lại thiệt thòi khi mất mẹ từ sớm, ở với cha và cũng chưa đến tuổi lập thân, lập nghiệp thì cha lại qua đời. Xét đến cùng, Nguyễn Hữu Tiến cũng như bao thiếu niên cùng trang lứa là không thể thoát khỏi những mất mát, thiệt thòi lớn nhất, chung nhất của thời cuộc lúc ấy, đó là cảnh nước mất, trăm họ lầm than, đói khổ, thất học, quyền tự do bị tước đoạt, bị o bế, bóp nghẹt. Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Hữu Tiến không hề tự ti, bi lụy mà luôn tỏ ra cứng cỏi, tự lập, dám dấn thân. Chính vì thế nên ngoài chút vốn liếng chữ nho chủ yếu do gia đình truyền dạy, Nguyễn Hữu Tiến rất khao khát theo học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Thời đó, qua ảnh hưởng của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và những tư tưởng tiến bộ, Nguyễn Hữu Tiến hiểu rằng: cùng với chữ Hán cần phải học thật giỏi chữ quốc ngữ và tiếng Pháp để có thể tiếp cận với khoa học thường thức của nền văn minh thế giới, từ đó có thêm kiến thức, hiểu biết, sự tự tin, sức mạnh để trước hết thoát khỏi cái bóng của những ông đồ nghèo, yêu nước, sống cốt cách nhưng bất lực trước thời thế và cao hơn là có thể mưu cầu việc lớn, chung tay, góp sức giúp dân, giúp nước.

Chí lớn và những khát khao

Sáng dạ, thông minh, sẵn có tâm thế của một thiếu niên “chí khí hơn người” nên dù là học ở nhà hay ở trường, Nguyễn Hữu Tiến đều học rất chăm và học giỏi. Cũng bởi có “chí khí hơn người” mặc dù gia đình, dòng họ rất kỳ vọng Nguyễn Hữu Tiến sẽ chuyên tâm theo con đường học hành, tiếp nối truyền thống dòng tộc nhưng người thanh niên trẻ tuổi quê Lũng Xuyên đã quyết định chọn con đường dạy học để có thể tự lập cuộc sống, có thêm kiến thức, sự vững vàng và theo đuổi những khát vọng thầm kín nung nấu bấy lâu. 

Trong bối cảnh phần lớn thanh, thiếu niên cùng thời được đi học đều hướng đến mục đích lo mưu sinh bằng việc học hành, thi cử, bằng việc tìm kiếm một vị trí trong chính quyền thực dân, phong kiến… thì Nguyễn Hữu Tiến đã quyết định cho mình con đường dấn thân và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mang tư tưởng tiến bộ, với cái tên “Giáo Hoài”, thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến luôn có những bài giáo huấn về lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, khích lệ học trò tham gia các hoạt động thể hiện lòng yêu nước, thương nòi. 

Năm 1923, “Tiếng bom Phạm Hồng Thái” giết hụt Toàn quyền Đông Dương Méc-lanh (ở Quảng Châu, Trung Quốc) và phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu đang tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trong tầng lớp trí thức và đông đảo người dân yêu nước. Cũng từ đây, người thanh niên trẻ tuổi giàu lòng yêu nước Nguyễn Hữu Tiến có cơ hội được giác ngộ cách mạng và học hỏi nhiều từ những nhà hoạt động chính trị tiền bối. Năm 1927 tham gia cách mạng, được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, năm 1929 gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng và tham gia thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Duy Tiên, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã hướng dẫn những học sinh có chí hướng, có tư tưởng tiến bộ rải truyền đơn, treo cờ búa liềm ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga và tổ chức học tập, nghiên cứu về Đảng, về sự nghiệp cách mạng. 

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, từ đây, những hoạt động yêu nước đầu tiên của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Hữu Tiến càng có định hướng đúng đắn, vững vàng, sáng tỏ hơn. Cũng từ đây, lòng yêu nước và ánh sáng soi đường của Đảng đã dẫn lối để Nguyễn Hữu Tiến dấn thân và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng. Cũng từ lòng yêu nước từ tuổi niên thiếu, bắt gặp ánh sáng soi đường của Đảng, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã dồn tâm sức tạo tác nên mẫu lá Quốc kỳ Việt Nam. Theo nhà văn Sơn Tùng trong cuốn sách “Nguyễn Hữu Tiến” (Nhà Xuất bản Thanh niên năm 2001), thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến đã từng có một bài thơ giải thích về ý nghĩa sâu xa của hình tượng lá quốc kỳ: “Nền đỏ thắm - Máu đào vì nước/Sao vàng tươi-Da của giống nòi/Đứng lên mau, hồn nước gọi ta rồi/ Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh/Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”. Cũng từ lòng yêu nước, những hoạt động yêu nước đầu tiên được ánh sáng của Đảng soi đường dẫn lối nên trước lúc hy sinh, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến đã gửi lại anh em đồng chí những câu thơ tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng: “Anh em đi trọn con đường nhé/Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”.

Những năm tháng tuổi thơ và quãng đường đầu đời sôi nổi ấy là một nét đặc trưng riêng có, góp phần khắc họa nên chân dung nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến. Tuổi trẻ và những hoạt động cách mạng đầu tiên cũng chính là bệ phóng quan trọng cho những cống hiến, đóng góp to lớn của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến với quê hương, đất nước. Tên tuổi ông đã được trân trọng đặt cho nhiều công trình công cộng ở Hà Nam, Thành phố Hồ Chí Minh… Các trường học mang tên nhà hoạt động Nguyễn Hữu Tiến cũng đã sưu tầm tư liệu về thân thế, sự nghiệp của ông để phục vụ công tác giáo dục truyền thống. Tại quê hương Hà Nam, cùng với những ngôi trường mang tên Nguyễn Hữu Tiến, công trình “Nhà Lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến” được xây dựng ngay trên nền đất của gia đình, tại tổ phố Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên. 

Vượt lên những biến cố trong gia đình, xã hội, ngay ở tuổi niên thiếu, Nguyễn Hữu Tiến đã sớm tỏ ra là một người cứng cỏi, có chí khí. Tiếp đó, quãng đời niên thiếu với những năm tháng học đường, Nguyễn Hữu Tiến cũng bộc lộ rõ tư tưởng tiến bộ cùng quyết tâm, nỗ lực học tập, làm chủ kiến thức sách vở, kiến thức cuộc sống, kiến thức văn hóa Đông Tây, hướng tới những khát vọng cao đẹp, chân chính. Để rồi, từ lòng yêu nước, tư tưởng tiến bộ và giác ngộ lý tưởng cộng sản, những hoạt động cách mạng đầu tiên của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Hữu Tiến đã trở thành biểu tượng tự hào của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  thuy
    2 năm trước

    hay quá cảm ơn

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy