Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
Từ công nghệ chế tạo vũ khí lạnh...
Buổi đầu, vũ khí của người Việt là các loại cung nỏ bắn tên nứa, tên tre hoặc chông tre được chế tác từ những vật liệu sẵn có trong lao động, sản xuất và đời sống. Về sau, cùng với sự phát triển kinh tế và công nghệ, vũ khí của người Việt được chế tạo từ các kim khí như đồng và sắt. Công nghệ chế tạo vũ khí của người Việt đạt đến độ tinh xảo và từng được thần thoại hóa thành ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt trong truyền thuyết Thánh Gióng hay nỏ thần của An Dương Vương.
Thời Âu Lạc, người Việt có hai kiệt tác công nghệ quân sự là thành Cổ Loa và nỏ Liên Châu. Thành Cổ Loa có cấu trúc gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, chu vi vòng ngoài 8km, vòng giữa 6,5km và vòng trong 1,6km, diện tích trung tâm của thành khoảng 2km². Thành được xây bằng phương pháp đào đất, khoét hào và đắp thành lũy. Quân của An Dương Vương lợi dụng cấu trúc đặc biệt của thành Cổ Loa để phát huy hiệu quả các thứ vũ khí nhằm bảo vệ kinh đô và nhà nước Âu Lạc. Nỏ Liên Châu là thứ vũ khí cực kỳ lợi hại, từng được thần thoại hóa thành "nỏ thần". Sách sử của Trung Quốc từng mô tả: “Bằng một loạt bắn, nỏ Liên Châu có thể hạ sát 300 tên địch (Giao Châu ngoại vực ký), “mỗi phát tên đồng được phóng đi có thể xuyên qua hàng chục người" (Việt kiệu thư). Sách Việt sử lược của ta cũng chép: "An Dương Vương huấn luyện được một vạn tinh binh được trang bị nỏ thần có khả năng mỗi phát bắn phóng ra mười mũi tên". Nỏ Liên Châu là loại vũ khí đặc biệt hiệu nghiệm trong cuộc kháng chiến chống quân Triệu Đà xâm lược ở thế kỷ 2 trước Công nguyên. Minh chứng lịch sử về mũi tên đồng kỳ diệu của nỏ Liên Châu đã được các nhà khảo cổ học phát hiện ở thành Cổ Loa.
Do đặc điểm của địa bàn cư trú chủ yếu trên những vùng đồng bằng có nhiều sông ngòi, đầm và hồ, người Việt xưa đã sớm biết chế tạo các phương tiện giao thông đường thủy như thuyền, bè, ghe, mảng. Hoạt động quân sự của người Việt, dù là quân bộ hay quân thủy đều phải dùng thuyền làm phương tiện chính. Vì thế, từ rất sớm, thuyền, bè đã trở thành một loại trang bị kỹ thuật quân sự của quân đội quốc gia đầu tiên của người Việt. Các hình khắc trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ cho thấy thuyền chiến của người Việt khá lớn, trang trí đẹp, dài khoảng 10-15m. Vũ khí trang bị cho thuyền chiến cũng rất đa dạng như: Rìu, giáo, lao, cung nỏ...
Quân đội Đại Việt thời Lý-Trần từng lập chiến công lẫy lừng trong phá Tống, bình Chiêm và 3 lần đánh thắng quân Mông-Nguyên xâm lược. Ngoài yếu tố chỉ đạo chiến lược tài tình của các tướng lĩnh và tinh thần chiến đấu quả cảm của các binh sĩ còn có yếu tố rất quan trọng là vũ khí, trang bị. Thời bấy giờ, cả ta và giặc vẫn chủ yếu sử dụng các vũ khí lạnh, như: Cung nỏ, lao, giáo, câu liêm, kích, trượng, máy bắn đá...
Do ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên cả đất liền và trên biển, nhà nước Đại Việt chăm lo phát triển cả quân bộ và quân thủy. Nhờ thế, thuyền chiến thời Lý rất đa dạng và phong phú về chủng loại, kích thước, trong đó có thuyền chở được vài trăm binh sĩ cùng với vũ khí, lương thảo có khả năng vượt xa hàng nghìn dặm. Loại phổ biến thời bấy giờ là thuyền mông đồng, có hai đáy an toàn và tiện lợi. Các thuyền được đặt tên là Kim Phượng, Thanh Lan, Vĩnh Xuân... vừa làm thuyền ngự, vừa làm thuyền chỉ huy, bởi thời xưa nhà vua thường đích thân chỉ huy đánh trận.
Thời Trần, người Việt đặc biệt chú trọng xây dựng thủy quân. Vốn xuất thân từ vùng ven biển, lại ưa chuộng võ nghệ, các tướng lĩnh nhà Trần ý thức được vai trò của thủy quân, tuyển chọn từ những người giỏi nghề sông nước. Trần Quốc Tuấn chủ trương: "Quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa". Theo đó, chỉ duy trì quân số ở mức cần thiết, nhưng đặc biệt chú trọng cải tiến và phát triển thuyền chiến và thuyền vận tải để sẵn sàng huy động khi có nhu cầu chiến đấu. Nhờ thế, khi có chiến tranh, nhà Trần đã huy động một lúc được hàng nghìn thuyền chiến. Do đó, số lượng thuyền chiến trong quân đội thời Lý chỉ tính đến con số hàng trăm, còn đến thời Trần đã lên tới hàng vạn. Trong trận Vạn Kiếp năm 1285, không kể số thuyền chiến của Hưng Đạo Vương, riêng số thuyền chiến do vua Trần huy động để tăng viện đã hơn 1.000 chiếc.
Vào cuối thời Trần, đầu thời Hồ, người Việt thiết kế, chế tạo được nhiều loại thuyền chiến hiện đại nhất thời bấy giờ. Sứ thần nhà Tống và nhà Nguyên từng tận mắt chứng kiến sức mạnh của thủy quân Đại Việt. Sứ thần nhà Nguyên Trần Phu từng mô tả: "Thuyền của An Nam nhẹ và dài, ván thuyền mỏng, đuôi như cánh uyên ương. Hai bên mạn thuyền cao hẳn lên, mỗi chiếc có tới 30 mái chèo, nhiều thì đến hàng trăm. Thuyền đi như bay" (An Nam tức sự). Cổ lâu thuyền thời Hồ là loại thuyền lớn nhất, gồm hai tầng, tầng dưới có 100 mái chèo, tầng trên bố trí súng thần cơ và có sàn để quân lính cơ động... Cổ lâu thuyền và súng thần cơ đã được sử sách mô tả như những vũ khí, trang bị lợi hại nhất mà Hồ Quý Ly sử dụng trong cuộc chiến tranh chống quân Chiêm Thành và quân Minh xâm lược đầu thế kỷ 15.
... đến vũ khí nóng sử dụng thuốc súng
Do yêu cầu đánh giặc giữ nước ngày càng cao và điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho phép, công nghệ chế tạo vũ khí, trang bị ở nước ta cũng như các nước trên thế giới có bước phát triển đột phá. Sáng chế quan trọng nhất về công nghệ quân sự cuối thời Trần, đầu thời Hồ là hỏa khí. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Vân đài loại ngữ, Việt sử thông giám cương mục, năm 1382, tại cửa biển Thần Phù (Thanh Hóa), trong trận thủy chiến với quân xâm lược Chiêm Thành trên sông Hải Triều (sông Luộc) vào tháng Giêng năm 1390, đô tướng nhà Trần là Trần Khát Chân chỉ huy chiến dịch sử dụng hỏa pháo bắn tiêu diệt thuyền chiến của vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga, khiến quân giặc tan rã. Sự kiện này khẳng định, từ cuối thế kỷ 14, người Việt đã chế tạo, sử dụng có hiệu quả các loại pháo và các thứ vũ khí nóng sử dụng thuốc súng.
Hồ Quý Ly là người đẩy mạnh công cuộc cách tân đất nước và cải cách trong lĩnh vực quân sự. Trước nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, Hồ Quý Ly đặc biệt chú trọng chế tạo vũ khí, trang bị cho quân đội. Tháng 6-1405, Hồ Hán Thương huy động những người giỏi công nghệ khắp cả nước để chế tạo các loại pháo lớn, nhỏ, các phương tiện hỏa công và nhiều loại vũ khí sử dụng thuốc súng. Trong đó có thần cơ sang pháo-một kiểu đại bác lớn đầu tiên ở nước ta có sức công phá rất lớn. Trang bị của quân đội thời Hồ vì thế đã có những bước tiến vượt bậc so với trước và làm thay đổi phương thức tác chiến cũng như tổ chức quân đội.
Tới triều Nguyễn, tuy công nghệ quân sự của Việt Nam có bước phát triển mới nhưng các loại vũ khí nóng của ta vẫn chưa khắc phục được một số nhược điểm so với vũ khí của các nước phương Tây như nòng súng chưa có rãnh xoắn, đại bác nạp đạn từ đầu nòng, cồng kềnh, nặng, chủ yếu phục vụ cho phòng ngự, chưa trở thành vũ khí lợi hại trong tiến công. Chính vì thế, quân đội viễn chinh Pháp trong các cuộc tiến công xâm lược nước ta hồi cuối thế kỷ 19 đã chiếm ưu thế về hỏa lực tiến công.
Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, mở đầu phong trào chống thực dân Pháp. Thời kỳ này, nổi bật tấm gương khắc phục khó khăn để sáng chế vũ khí của nghĩa quân Hương Khê mà tiêu biểu là Cao Thắng-người từng được cụ Phan Đình Phùng phong chức Quản cơ, chuyên trách xây dựng nghĩa quân. Trong hoàn cảnh khó khăn do không có vũ khí, Cao Thắng nghĩ ra kế cướp súng của Pháp để lấy mẫu nghiên cứu. Trên cơ sở đó, Cao Thắng tập hợp thợ đúc, thợ rèn, thợ mộc, thợ hàn tinh thông kỹ nghệ từ nhiều nơi và đúc thành công 500 khẩu súng giống súng kiểu 1874 của quân Pháp. Đại úy Gosselin, một trong những sĩ quan chỉ huy quân Pháp thời bấy giờ đã viết: "Tôi có đem nhiều khẩu súng đó về nước xem có hoàn toàn giống súng xưởng binh khí nước ta chế tạo không. Khi tôi đưa cho các quan binh pháo thủ xem, các ông ấy phải sửng sốt lạ lùng vì nó chỉ khác với khẩu ta chế tạo hai chỗ: Lò xo chưa đủ sức bật mạnh và trong nòng súng chưa có rãnh xoắn mà thôi. Vì thế súng bắn chưa xa, chưa mạnh".
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở cuối thế kỷ 19, sự chênh lệch về vũ khí, trang bị kỹ thuật giữa ta và địch là quá lớn. Thực dân Pháp đã lợi dụng những vũ khí và phương tiện quân sự hiện đại để đàn áp khốc liệt phong trào yêu nước của nhân dân ta. Cuối năm 1886, đầu 1887, Pháp tập trung 3.520 lính, 78 sĩ quan với trang bị 25 khẩu súng đại bác và 4 pháo hạm lớn dưới quyền chỉ huy của Đại tá Brissaud tiến công vào căn cứ Ba Đình. Tuy nhiên, chúng đã bị tổn thất lớn trước lực lượng kháng chiến của nghĩa quân ta chỉ được trang bị các loại vũ khí thua kém chúng rất nhiều về công nghệ chế tạo.
Như vậy, có thể thấy, trong lịch sử dân tộc ta trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người Việt Nam đã chứng tỏ tài năng sáng chế vũ khí, trang bị. Đó là một truyền thống quý báu. Sau gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, với Cách mạng Tháng Tám thành công giải thoát khỏi ách nô lệ, truyền thống đó được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy, phát huy và trở thành một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh vĩ đại của chiến tranh nhân dân, góp phần vô cùng quan trọng đưa nhân dân ta vượt qua những thử thách lịch sử gay go, quyết liệt trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
(còn nữa)
THẾ MẪU - CHÍ DŨNG
QĐND