Cách đây 60 năm ở tỉnh Hà Nam đã diễn ra một sự kiện lịch sử, thổi bùng lên một phong trào lan tỏa khắp miền Bắc. Đó là phong trào kết nghĩa Bắc - Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc tới toàn thắng.
Hà Nam tự hào là địa phương đã đề xuất sáng kiến và mở đầu cho phong trào. Ngày 2/4/1959, tại thị xã Phủ Lý đã tổ chức trọng thể lễ kết nghĩa với đại diện tỉnh Biên Hòa với sự chứng kiến của đại biểu Ban Thống nhất Trung ương. Sau đó, ngày 20/7/1959 tại sân vận động thị xã Phủ Lý, tỉnh tổ chức cuộc mít tinh lớn có hơn 16.000 người tham dự, phát động các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia phong trào vì tỉnh Biên Hòa kết nghĩa, vì miền Nam ruột thịt.
Phong trào thi đua lao động sản xuất, học tập... dấy lên sôi động khắp nơi trong tỉnh với những chỉ tiêu cụ thể, diễn ra thường xuyên liên tục suốt năm.
Sáng kiến của tỉnh Hà Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ, bước sang năm 1960, các tỉnh, thành phố ở miền Bắc đã lần lượt tổ chức kết nghĩa với các tỉnh, thành phố miền Nam, kết thúc với lễ kết nghĩa giữa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn ngày 8/10/1960.
Ngã tư đường Biên Hòa - Lê Công Thanh, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Thế Trang
Phong trào thi đua của tỉnh Hà Nam vì tỉnh Biên Hòa kết nghĩa được nâng lên tầm cao mới. Từ ngày 4 đến 10/1/1961, trên phạm vi toàn tỉnh đã mở chiến dịch "Đông Xuân Hà Nam - Biên Hòa quyết chiến quyết thắng" thi đua cày cấy kịp thời vụ, làm thủy lợi và phân bón. Sau bảy ngày của chiến dịch, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mức kế hoạch, nhất là phong trào làm phân bón và thủy lợi. Xã Trịnh Xá (Bình Lục, nay thuộc TP. Phủ Lý) là điển hình của phong trào, đã tổ chức làm đất, cấy lúa tranh thủ cả ban đêm, gieo cấy hoàn thành diện tích vào khung thời vụ tốt nhất. Sau khi sơ kết đợt 1, Tỉnh ủy quyết định phát động đợt 2 chiến dịch, đẩy mạnh hơn nữa vụ sản xuất đông xuân, chuẩn bị cho vụ thu và vụ mùa. Kết quả vụ đông xuân 1960 - 1961, Hà Nam thu hoạch 93.321 tấn lương thực, trong đó có 75.661 tấn thóc, tăng 27% so với vụ đông xuân 1959 - 1960 và vượt kế hoạch 8,5%.
Tiếp theo 2 đợt chiến dịch "Đông Xuân Hà Nam - Biên Hòa quyết chiến quyết thắng", tỉnh lại phát động chiến dịch "Đông Xuân Hà Biên anh dũng". Trong chiến dịch đã có 570 đảng viên đạt danh hiệu kiện tướng, 826 đảng viên được bầu là cá nhân xuất sắc.
Đối với tỉnh Hà Nam, công tác thủy lợi, thủy nông có vị trí hết sức quan trọng. Được sự chỉ đạo của Bộ Thủy lợi, tỉnh Hà Nam phối hợp với tỉnh Nam Định khởi công công trình đại thủy nông vào cuối năm 1961. Theo đề nghị của tỉnh Hà Nam, công trình được mang tên: Sông Biên Hòa. Con sông đào này nối sông Châu (phía Bắc) với sông Đáy (phía Nam) qua các xã phía Đông huyện Bình Lục, phía Tây huyện Thanh Liêm rồi vào xã Yên Phương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Hai đầu sông Biên Hòa là hai trạm bơm lớn: Trạm bơm Đinh Xá (huyện Bình Lục, Hà Nam); trạm bơm Cổ Đam (Yên Phương, Ý Yên, Nam Định). Công trình đại thủy nông hoàn thành đã có tác dụng to lớn đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định, bảo đảm tưới tiêu cho 18.000 ha lúa mùa, 12.600 ha lúa chiêm thuộc 3 huyện Bình Lục, Thanh Liêm (Hà Nam) và Ý Yên (Nam Định).
Cùng với sông Biên Hòa ở Hà Nam còn có các danh xưng gắn và mang tên Biên Hòa ra đời trong những năm tháng Hà Nam - Biên Hòa kết nghĩa. Tháng 7/1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam quyết định thành lập Báo Hà Biên. Đây là tờ báo đầu tiên của tỉnh, trước đó tỉnh chỉ có một số tờ tin và tập san. Việc ra đời của tờ báo với số lượng lớn, phát hành rộng khắp trong toàn tỉnh góp phần tuyên truyền cổ vũ cho phong trào kết nghĩa Hà Nam - Biên Hòa. Ngày 21/4/1965, theo Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Hà Nam, Nam Định hợp nhất lấy tên là tỉnh Nam Hà. Báo hai tỉnh cũng được hợp nhất thành Báo Nam Hà. Tuy chỉ tồn tại trong gần 3 năm, nhưng Báo Hà Biên đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình ghi một dấu son trong lịch sử báo chí cách mạng Hà Nam.
Vào thời điểm những năm 50 của thế kỷ XX, thị xã Phủ Lý quy mô không lớn, chưa có tên đường, chỉ có tên phố. Tỉnh đã chọn một phố quan trọng (thời Pháp gọi là "Phố Chính") đặt tên là phố Biên Hòa, rồi sau đó đổi thành đường Biên Hòa. Phố Chính trước kia, hai bên nhà cửa san sát, phần nhiều mở cửa hiệu bán hàng, có khách sạn Tân Lợi, duy nhất ở thị xã thời đó. Ngày nay, đường Biên Hòa vẫn là con đường tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ, mặt hàng đa dạng, phong phú, nổi bật là siêu thị và khách sạn hoành tráng 28 tầng của Tập đoàn Vingroup.
Ngay bên đường Biên Hòa, đã từng tồn tại Rạp chiếu bóng Biên Hòa duy nhất của tỉnh Hà Nam đã in đậm trong tư tưởng, tình cảm của rất nhiều người, nay tuy không còn nhưng vẫn là thiết chế đáng nhớ ra đời trong phong trào kết nghĩa Bắc – Nam, Hà Nam – Biên Hòa.
Năm 1963, danh xưng Trường Phổ thông cấp III Biên Hòa xuất hiện ở thị xã Phủ Lý do được đổi tên từ Trường Phổ thông cấp III Hà Nam. Đây là ngôi trường được thành lập vào tháng 9/1959, đầu tiên và duy nhất ở tỉnh Hà Nam khi ấy. Trường đã có thời gian dài tọa lạc bên đường Biên Hòa, sau này chuyển sang địa điểm mới, tên gọi hiện nay của trường là Trường THPT chuyên Biên Hòa. Trải qua 60 năm thành lập, phát triển trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, tiêu biểu của ngành giáo dục, đào tạo Hà Nam, có thứ hạng cao trong khu vực và cả nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều người con của Hà Nam đã chiến đấu, hy sinh anh dũng ở chiến trường Biên Hòa. Tư liệu do ông Nguyễn Sỹ Hồ, hội viên Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, cư trú ở số 107, tổ 10, ấp Cổng Xanh, Tân Bình (Tân Uyên, Bình Dương) cung cấp: 143 liệt sỹ có danh tính, quê quán thuộc 6 huyện, thành phố tỉnh Hà Nam được quy tập vào các nghĩa trang liệt sỹ thuộc thành phố Biên Hòa và các huyện Định Quán, Thống Nhất, Long Thành, Long Khánh, Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Từ khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, truyền thống kết nghĩa Hà Nam - Biên Hòa vẫn được kế thừa, phát huy trong hoàn cảnh mới. Năm học 1976-1977, ở thị xã Biên Hòa đổi tên Trường Trung học tỉnh hạt Hiệp Hòa thành Trường Phổ thông Trung học Nam Hà. Cũng ở thành phố này có đường Nguyễn Khuyến (phường Trảng Dài), Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Khuyến (phường Thống Nhất) tôn vinh danh nhân Hà Nam. Đặc biệt, thành phố Phủ Lý và thành phố Biên Hòa đã giao ước kết nghĩa hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
60 năm (2/4/1959 - 2/4/2019) khởi xướng phong trào kết nghĩa Bắc - Nam, niềm tự hào, vinh dự của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hà Nam.
Mai Khánh
Mai Khánh, Thế Trang