Phòng trừ sâu, bệnh bảo vệ lúa mùa

Hiện nay, hơn 28.000 ha lúa mùa của tỉnh đang trong giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trỗ bông. Đây là thời điểm các đối tượng sâu, bệnh tập trung gây hại. Đặc biệt, thời tiết diễn biến phức tạp dẫn đến dịch hại phát sinh, phát triển mạnh với mật độ cao trên diện rộng. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác phòng trừ, bảo đảm vụ mùa thắng lợi.

Tìm hiểu tại huyện Bình Lục, diện tích lúa mùa đang bị nhiễm sâu, bệnh nặng, nhất là sâu cuốn lá có mật độ rất cao. Qua điều tra thực tế của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bình Lục, mật độ sâu và trứng sâu cuốn lá nhỏ cao điểm 1, lứa 6 lên đến 100 - 150 con, quả trứng/m2, gấp 5 - 7 lần ngưỡng phải phòng trừ (20 con/m2). Nơi cao lên đến 200 - 300 con, quả trứng/m2, gấp 10 - 15 lần ngưỡng phòng trừ. Ngoài ra, bệnh khô vằn đang phát triển mạnh, có diện tích 100% số cây lúa xuất hiện vết bệnh.

Được biết, để phòng trừ sâu, bệnh trên lúa mùa, huyện Bình Lục đã chỉ đạo các địa phương, HTXDVNN tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phòng trừ đúng yêu cầu kỹ thuật. Những diện tích lúa đã được phun trừ sau 3 ngày kiểm tra vẫn có mật độ sâu cuốn lá nhỏ từ 20 con/m2 trở lên phun kép lần 2. Các địa phương cũng hướng dẫn người dân phòng trừ kết hợp các loại sâu bệnh. Về phía Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bình Lục đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả. Đơn vị đã tổ chức hơn 10 buổi tập huấn cho nông dân các địa phương về biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bình Lục cho biết: Diễn biến sâu, bệnh trên lúa mùa năm nay phức tạp với mật độ cao hơn nhiều những vụ trước. Huyện đang chỉ đạo các địa phương, HTXDVNN quyết tâm phòng trừ không để mất mùa cục bộ do sâu, bệnh. Trong đó, thực hiện quyết liệt các biện pháp theo đúng yêu cầu kỹ thuật, tránh tư tưởng chủ quan đối với phun thuốc diệt trừ các đối tượng dịch hại…

Phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa
Nông dân HTX An Mỹ (Bình Lục) phun trừ sâu, bệnh bảo vệ lúa mùa. Ảnh: Thành Nam

Tình hình sâu, bệnh trên lúa mùa tại huyện Thanh Liêm cũng đang diễn biến rất phức tạp. Với đối tượng sâu cuốn lá nhỏ cao điểm 1 lứa 6, mật độ trung bình đều cơ bản vượt từ 10 - 15 lần ngưỡng phòng trừ, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các cơ quan chuyên môn của huyện đã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu bệnh, nhất là sâu cuốn lá nhỏ để chỉ đạo tổ chức phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, công tác tuyên truyền về sâu, bệnh, biện pháp phòng trừ đến người dân được chú trọng bằng nhiều hình thức, nhất là trên hệ thống truyền thanh từ huyện xuống cơ sở. 100% diện tích lúa mùa của huyện Thanh Liêm được phun trừ sâu cuốn lá nhỏ, kết hợp với một số loại sâu, bệnh khác. Huyện Thanh Liêm chỉ đạo các địa phương, HTXDVNN kiểm tra, khi thấy mật độ sâu, bệnh cao tiếp tục tổ chức phun trừ. Theo ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Thanh Liêm, đợt phòng trừ sâu, bệnh hiện nay quyết định lớn đến năng suất lúa mùa cuối vụ. Do tính chất phức tạp của sâu, bệnh nên địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm toàn bộ diện tích lúa được phun thuốc phòng trừ. Phòng NN & PTNT đang theo dõi tiếp diễn biến của các đối tượng dịch hại tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả…

Thực tế, sâu bệnh đang phát sinh, phát triển và gây hại trên diện rộng đối với lúa mùa của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Đối tượng trọng tâm phòng trừ số 1 sâu cuốn lá nhỏ cao điểm 1 lứa 6 có mật độ cao, nhiều diện tích vượt ngưỡng phun trừ hơn 10 lần. Đồng thời, sâu cuốn lá nhỏ có hiện tượng rải lứa rất khó khăn trong công tác phòng trừ. Đối tượng sâu đục thân 2 chấm lứa 4 đang tiếp tục vũ hóa, có hiện tượng dồn mật độ, gây hại cục bộ trên diện tích lúa xanh tốt, ven làng… Cùng với đó, một số loại dịch hại khác cũng có chiều hướng phát sinh, phát triển gây hại trên lúa, nhất là bệnh khô vằn. Với bệnh lùn sọc đen Phương Nam, tuy chưa xuất hiện trên lúa mùa, các mẫu rầy đều âm tính với loại virus nguy hiểm này, nhưng vẫn là đối tượng nguy hiểm cần phải theo dõi chặt chẽ. Tại tỉnh Nam Định giáp ranh lưu hành virus bệnh lùn sọc đen Phương Nam rất cao khi trên 50% mẫu rầy xét nghiệm cho kết quả dương tính. Được biết, trước diễn biến phức tạp của sâu, bệnh, Sở NN & PTNT đã có thông báo và hướng dẫn cụ thể đến các địa phương và biện pháp phòng trừ. Đặc biệt, khuyến cáo sử dụng những loại thuốc đặc trị, có hiệu lực phòng trừ cao, kéo dài được khả năng diệt trừ.

Trao đổi về việc tập trung phòng trừ sâu, bệnh, ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Việc phòng trừ sâu, bệnh hiện nay phụ thuộc rất lớn vào quá trình triển khai, thực hiện của các địa phương và người dân. Trong đó, các biện pháp phun trừ cần được tuân thủ chặt chẽ, với 100% diện tích đến ngưỡng phải được phun trừ. Chi cục đang tiếp tục điều tra, đánh giá để hướng dẫn phòng trừ sâu, bệnh giai đoạn tiếp theo của mùa vụ sát với thực tế, bảo đảm hiệu quả cao nhất có thể…

Quá trình phòng trừ sâu, bệnh cho lúa mùa hiện nay đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, thời tiết diễn biến bất thuận, mưa nắng đan xen khó cho quá trình phun trừ của người dân; nguồn thuốc đặc trị cho phòng trừ các loại sâu, bệnh được đơn vị khuyến cáo sử dụng tại một vài địa phương khả năng hạn chế nguồn cung người dân khó tiếp cận… Ngoài ra, vẫn còn tư tưởng chủ quan của một bộ phận người dân trong việc phòng trừ sâu, bệnh cho lúa mùa, không sát sao và theo đúng hướng dẫn.

Sản xuất vụ mùa đóng góp quan trọng vào năng suất, sản lượng lương thực cả năm của tỉnh. Đây là vụ giúp nâng cao giá trị khi các địa phương mở rộng sản xuất các loại lúa chất lượng hàng hóa. Vì thế, công tác phòng trừ dịch hại cho lúa cần được khắc phục những khó khăn, triển khai và thực hiện tốt không để giảm năng suất hay mất mùa cục bộ do sâu, bệnh gây ra.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy