Thực hiện Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 17/3/2021 của UBND thị xã Duy Tiên về phát triển nông nghiệp đô thị Duy Tiên theo hướng sinh thái giai đoạn 2021 – 2030, những năm qua, thị xã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, trang trại chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các địa phương chú trọng phát triển nhằm tạo nền tảng triển khai xây dựng mô hình du lịch nông thôn. Nhờ vậy nông nghiệp ở Duy Tiên đã và đang phát triển đúng hướng - sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường.
Từ mô hình sản xuất ở Trác Văn, đến nay, phương pháp sản xuất rau hữu cơ đã được nhân rộng ra các địa phương trên vùng bãi ven sông Hồng, sông Châu. Tại phường Châu Giang và các xã: Trác Văn, Chuyên Ngoại, Tiên Sơn người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP trồng các loại cây ăn quả. Từ hiệu quả mang lại, thị xã đã xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả trọng điểm đối với các loại bưởi, cam, quýt, nhãn ở phường Châu Giang và các xã: Chuyên Ngoại, Trác Văn, Mộc Nam. Đồng thời, xây dựng 8 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích hơn 202 ha, trong đó lúa hàng hóa được xây dựng ở các xã: Tiên Sơn, Tiên Ngoại, Yên Nam và phường Châu Giang; vùng tích tụ ruộng đất sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản tại xã Mộc Nam; vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, cỏ phục vụ nuôi bò sữa ở xã Mộc Bắc và xã Chuyên Ngoại. Trên các vùng gieo cấy tập trung người dân đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất chiếm hơn 52% và 100% diện tích được áp dụng phương thức mới: đưa cơ giới vào sản xuất, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
Với vùng đất trũng ở Duy Tiên những năm qua nhiều địa phương đã lựa chọn các giống cây trồng phù hợp, cây đặc trưng có tiềm năng để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa như: sen, súng... Tại phường Duy Hải có gần 30 mẫu ruộng khó khăn canh tác được UBND phường giao cho 10 hộ ở các tổ dân phố: Hương Cát, Đông Hải, Tam nhận thầu trồng hoa sen, súng. Theo đánh giá của UBND phường, so với trước đây mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân mỗi năm thu từ 250 – 270 triệu đồng/sào. Ông Nguyễn Văn Kiên ở tổ dân phố Hương Cát cho biết: Từ năm 2016 gia đình tôi trồng thử nghiệm giống súng cảnh Thái Lan và sen Trung Quốc (sen cung đình trắng, sen cung đình đỏ, sen bốn mùa). Để đa dạng hóa nguồn hàng cung cấp ra thị trường tôi đã trực tiếp kết nối với cơ sở sản xuất giống ở nước ngoài để nhập giống bảo đảm chất lượng và những năm qua tôi đã chủ động nhân các loại giống hoa súng cung cấp cho khách hàng. Việc trồng hoa súng tương đối thuận lợi, dễ chăm sóc như trồng lúa, nhưng để cây ra hoa đúng thời điểm, đẹp, bền và cho màu chuẩn phải tuân thủ quy trình trồng chặt chẽ hơn, nhất là việc nhân giống để cho ra sản phẩm thuần. Với 7 mẫu trồng hoa súng và một mẫu hoa sen cảnh mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn một tỷ đồng.
Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái tại vùng nuôi trồng thủy sản người dân tích cực ứng dụng công nghệ, quy trình nuôi bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Đến nay ở thị xã có 5 hộ nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” tại các xã: Mộc Bắc, Chuyên Ngoại và phường Châu Giang với diện tích 12,84ha. Toàn thị xã có 32 hộ nuôi cá lồng, bè trên sông trên, với tổng số 220 lồng cá, bình quân mỗi lồng từ 50 – 70 m2, mỗi lồng một năm thu từ 1,7 – 1,9 tấn cá các loại. Sản lượng thủy sản hằng năm của thị xã đạt khoảng 550 tấn – 600 tấn.
Về sản xuất gia cầm, thủy cầm các địa phương đang phát triển đàn gà siêu trứng, vịt chuyên thịt. Đặc biệt tại xã Tiên Sơn những năm qua nhân dân đã nhân rộng giống gà quý hiếm bản địa (gà Móng Tiên Phong) để phục vụ thị trường. Bên cạnh đó, các xã, phường vùng bãi ven sông Hồng, sông Châu chú trọng đẩy mạnh chương trình phát triển đàn bò sữa, cải tạo đàn bò vàng nhằm nâng cao tầm vóc tăng giá trị kinh tế. Theo kế hoạch đến năm 2025 thị xã có 3.500 con bò sữa nhưng đến hết năm 2023 số bò sữa trên địa bàn đạt 3.516 con. Hiện nay, sản lượng sữa tươi bình quân mỗi ngày ở Duy Tiên đạt 28 tấn, giá bán từ 14 – 15 nghìn đồng/kg. Chủ động được nguồn sữa nguyên liệu, nhiều địa phương phát triển các sản phẩm chế biến từ sữa bò. Đến nay thị xã có 7 sản phẩm chế biến từ sữa bò được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao, 6 sản phẩm hạng 3 sao. Nhiều sản phẩm sữa bò trên địa bàn được hệ thống kênh phân phối lớn lựa chọn và đặt hàng với số lượng lớn.
Trong chăn nuôi người dân coi trọng việc tăng quy mô vật nuôi ở các trang trại xa khu dân cư, các hộ đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường. Thị xã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt 95% và 98% số hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, quản lý và khuyến cáo các hộ chăn nuôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái...
Ông Nguyễn Qúy Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Với các giải pháp đồng bộ trong phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái hiện nay ở Duy Tiên đã hình thành một số mô hình du lịch nông thôn. Nhờ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các hộ gia đình và giải quyết thêm nhiều việc làm mới cho người dân. Từ năm 2021 đến nay sản xuất nông nghiệp của thị xã đạt mức tăng trưởng bình quân 1,61%/năm. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản chiếm 63,3%. Kết quả này đã tạo tiền đề giúp thị xã thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 17/3/2021 về phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái giai đoạn 2021 – 2030 đã đề ra.
Phùng Thống