Trận Kohima-Imphal được coi là "Trận Stalingrad phương Đông" ghi dấu mốc "thay đổi cuộc chơi" trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Trận chiến kết thúc với việc quân phát xít Nhật Bản thua trận và gặp khó trong tham vọng xâm chiếm Ấn Độ.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết trên thực tế, năm 2013, Bảo tàng Chiến tranh Quốc gia Anh đã bỏ phiếu bình chọn trận Kohima-Imphal là trận chiến vĩ đại nhất của nước này.
Nhà sử học Robert Lyman tại Bảo tàng Chiến tranh Quốc gia Anh cho biết: “Chiến thắng này thật nổi bật bởi cho thấy phát xít Nhật không bất khả chiến bại. Nó còn khiến Nhật Bản chuẩn bị cho việc chấp nhận thua trận”.
Hai bang Manipur, Nagaland cùng thủ phủ Kohima và Imphal của Ấn Độ đã hình thành tiền tuyến then chốt cho lực lượng Anh và Ấn Độ trong cuộc đối đầu với phát xít Nhật Bản ở Myanmar.
Phát xít Nhật đã lên kế hoạch cho chiến dịch “U-Go” để chiếm được tuyến đường nối căn cứ hậu cần của Anh tại Dimapur, qua Kohima và Imphal rồi từ đây đến Myanmar. Nhật Bản đã điều quân thành 3 hướng tấn công phía Nam và Bắc Imphal nhằm trực tiếp chiếm Kohima.
Cuộc tấn công của phát xít Nhật khiến quân đội Anh bất ngờ bởi cơ quan chỉ huy nước này không thể ngờ rằng quân dịch lại di chuyển nhanh chóng với số lượng lớn như vậy qua rừng rậm và địa hình núi.
Quân Nhật đã cắt đường Kohima-Imphal rồi nhanh chóng bao vây đơn vị đồn trú của Anh bảo vệ Kohima.
Trong 16 ngày quan trọng từ 4/4/1944, lực lượng Anh và Ấn Độ với 2.500 người đã giữ chân 15.000 binh sĩ Nhật Bản.
Ông Raghu Karnad - tác giả cuốn "Farthest Field: An Indian Story of the Second World War" (tạm dịch: Trận đánh xa nhất: Câu chuyện của Ấn Độ về Chiến tranh Thế giới Thứ hai) xuất bản năm 2015, nhận xét: "Nếu Kohima sụp đổ, tất cả Đông Ấn Độ sẽ rơi vào tay chiếm đóng của Nhật Bản. Nếu Kohima đứng vững thì đây sẽ là khởi đầu của việc đẩy lui đường tiến của phát xít Nhật ở châu Á".
Đến giờ giao tranh thứ 11 ngày 20/4, sư đoàn số 2 của Anh đã phá vỡ rào chắn của Nhật Bản để đến được đơn vị đồn trú Kohima.
Trong những tuần tiếp theo, giao chiến xảy ra liên miên tại Kohima và Imphal. Trận chiến này còn được coi là “Trận Stalingrad của phương Đông”. Phía phát xít Nhật đã đánh giá thấp tính bền bỉ của quân đội Anh cũng như năng lực Không quân Anh vốn liên tiếp bổ sung quân lực và vật liệu.
Tinh thần kiệt quệ, thiếu thực phẩm và đồ tiếp tế, số quân còn lại của phát xít Nhật bị đánh bật khỏi Imphal rồi trở về Myanmar. Qua sự kiện này, phát xít Nhật đã phải chịu thất bại lần đầu. Từ 85.000 binh sĩ Nhật được điều động, có tới 53.000 người thiệt mạng, mất tích, phần lớn do đói, bệnh tật và kiệt sức. Phía Anh tổn thất 12.500 binh sĩ tại Imphal và 4.000 binh sĩ ở Kohima.
Hà Linh