kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
“Trông cây lại nhớ đến Người…”

“Trông cây lại nhớ đến Người…”

“Trông cây lại nhớ đến Người/Rừng bao nhiêu cây mọc, nhớ Người bấy nhiêu”… câu hát mang đậm âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh trong ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người” (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) bao nhiêu năm qua, cứ mỗi lần ngân lên lại khiến hàng triệu trái tim người dân đất Việt xúc động nhớ đến ý tưởng sáng đẹp tinh thần nhân văn cao cả của Bác Hồ kính yêu về phong trào “Tết trồng cây”.

Bài báo cổ vũ phong trào trồng cây của Bác Hồ kính yêu (ngày 28/11/1959) và ý tưởng tổ chức, duy trì “Tết trồng cây” do Bác khởi xướng phát động vào đầu xuân năm 1960 đã trải qua 65 mùa xuân và luôn được các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước hưởng ứng tích cực. Để rồi, hằng năm, cứ mỗi khi vào dịp Tết đến, Xuân về, cấp ủy, chính quyền, nhân dân khắp nơi lại nô nức tổ chức “Tết trồng cây” theo di nguyện thiêng liêng của Bác: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”...

Để định hướng về phong trào trồng cây và phát động “Tết trồng cây”, Bác Hồ đã có nhiều bài viết, bài nói liên quan. Ngày 14/9/1958, trong bài nói tại lớp học chính trị dành cho giáo viên cấp II, cấp III (nay là trung học cơ sở, trung học phổ thông) toàn miền Bắc, Bác đã nhấn mạnh “trồng cây” cũng giống như “trồng người” là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. 

Tiếp đó, ngày 28/11/1959, dưới bút danh Trần Lực, Bác Hồ kính yêu đã viết bài báo “Tết trồng cây” (đăng trên Báo Nhân dân số 2082), chính thức khởi xướng, phát động phong trào “Tết trồng cây”. Bác viết: "Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều". Bác phân tích: "Đó là cuộc thi đua dài hạn, nhưng nhẹ nhàng, mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng có thể tham gia". Nói đi đôi với làm, không chỉ động viên, khích lệ phong trào trồng cây thông qua những bài báo, bài viết mang nội dung gần gũi, thiết thực, sâu sắc, Bác Hồ kính yêu còn luôn nêu gương đi đầu bằng những hành động cụ thể, giàu sức thuyết phục, kêu gọi mọi người dân cùng đồng lòng hưởng ứng, làm theo.

Theo đó, đầu xuân năm 1960, hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” đầu tiên, Bác đã tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội, chính thức khởi phát, lan rộng một lề tục rất đẹp ở khắp các vùng miền, các tầng lớp nhân dân mỗi khi đón mừng năm mới. Từ kết quả thực tế thu được qua lần đầu tiên phát động, ngay trong năm 1960, Bác lập tức có bài viết: "Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu". Trong bài viết, cùng với biểu dương, khích lệ những kết quả tích cực bước đầu của phong trào “Tết trồng cây”, Bác còn nhắc nhở: "Phải nắm đúng nguyên tắc xem trọng chất lượng, nghĩa là trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều mà không ra sức bảo vệ và trông nom cây".

Bác Hồ trồng cây ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội, ngày 11/1/1960. Ảnh: Tư liệu

 Tiếp tục cổ vũ cho phong trào “Tết trồng cây”, đầu năm 1961, Bác Hồ cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đã đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại Vườn hoa Thanh niên. Cùng năm đó, ngày 9/5/1961, nói chuyện với nhân dân ở đảo Cô Tô, Hải Ninh (Quảng Ninh), Bác căn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp.

 Đầu xuân năm 1963, nhân dịp hướng tới kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Đảng, Bác viết: "Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn". Ngay sau đó, đúng ngày 3/2/1963, Bác về thăm và tham gia trồng cây với nhân dân huyện Đông Anh, Hà Nội.

Tiếp đó, xuân Giáp Thìn 1964, Bác viết bài thơ cổ vũ phong trào “Tết trồng cây” với đầu đề bằng hai câu thơ: "Mùa xuân là Tết trồng cây/Nơi nơi phấn khởi, người người thi đua". Nội dung bài viết, Bác biểu dương nhiều đơn vị, cá nhân trồng cây tốt. Năm đó, nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc về trồng, chăm sóc, bảo vệ cây đã được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người.

Năm 1965, Bác viết bài: "Năm mới nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây", mở đầu bài viết là hai câu thơ: "Mùa xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Trong bài viết có đoạn: “Muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”. Phần cuối bài viết, Bác đánh giá phong trào một cách khái quát: "Nơi nào mà các cấp Đảng bộ từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng, hạt giống, vườn ươm… có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng các cụ phụ lão và thanh niên, nhi đồng thì nơi đó phong trào Tết trồng cây phát triển tốt".

Mùa xuân năm 1969, mùa xuân cuối cùng trước khi đi xa, Bác Hồ kính yêu tiếp tục có bài viết cổ vũ phong trào “Tết trồng cây”, trong đó, Bác đánh giá kết quả thực hiện phong trào “Tết trồng cây”, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm, đồng thời biểu dương nhiều đơn vị, cá nhân xuất sắc trong phong trào trồng cây. Đặc biệt, sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Đồng Váng, Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Sau khi chúc Tết xong, Bác cùng nhân dân xã Vật Lại trồng cây đa mở đầu cho “Tết trồng cây” lần thứ 10 và cũng là lần cuối cùng của Bác. Trong câu chuyện thân mật, Bác căn dặn cán bộ, nhân dân phải chăm sóc thật tốt, không để cây chết. Đặc biệt, Bác dặn không làm bia ghi dấu quá to, việc ấy chưa cần thiết, để tiền làm việc khác cho nhân dân...

Đồi Đồng Váng, xã Vật Lại sau này được gọi là “Đồi cây đón Bác”. Chiếc ô doa năm xưa Bác dùng tưới cây (đang được Bảo tàng Hà Nội trân trọng lưu giữ, trưng bày) trở thành một trong những kỷ vật quý, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với việc trồng, chăm sóc cây xanh, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Cây đa năm xưa Bác trồng cùng với hàng chụ nghìn cây xanh nhân dân xã Vật Lại trồng ở khu vực đồi Đồng Váng giờ đã cao to, xanh tốt, phủ tán rộng, tỏa bóng mát quanh năm. Khu lưu niệm đồi Đồng Váng trở thành “địa chỉ đỏ” để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhiều vùng miền trong cả nước tham quan, ôn lại truyền thống và liên hệ, vận dụng, cụ thể hóa nội dung học tập, làm theo gương Bác(*).

Hưởng ứng những bài báo, bài nói và tinh thần nêu gương của Bác Hồ kính yêu, 65 năm qua, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước lại nô nức “nhà nhà trồng cây, người người trồng cây”. Thật thú vị biết bao khi trong đời sống thời hiện đại, bên cạnh những cái Tết cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc, nhân dân ta còn có thêm “Tết trồng cây” thấm đẫm tinh thần nhân văn cao đẹp do Bác Hồ kính yêu khởi xướng. Học tập, làm theo gương Bác, không chỉ vào dịp Tết mà nhân dịp những sự kiện trọng đại, có ý nghĩa sâu sắc, nhân những chuyến công tác về cơ sở, hầu hết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đều duy trì việc trồng cây lưu niệm, thiết thực góp phần “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”...

Với Hà Nam, tiếp nối phong trào trồng cây do Bác Hồ phát động, hằng năm hầu hết các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương đều có kế hoạch trồng mới thay thế, bổ sung những diện tích cây đã khai thác để bảo đảm số lượng, độ che phủ cây xanh trên địa bàn. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển, nhiều cách làm sáng tạo, mô hình, kinh nghiệm hay, phù hợp với thực tế đã và đang góp phần tiếp nối phong tục đẹp về hưởng ứng “Tết trồng cây”. Nếu như trước kia, các hợp tác xã nông nghiệp có mô hình "Hàng cây thanh niên", "Hàng cây phụ lão"; "Vườn cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ"… thì những năm gần đây đã, đang xuất hiện ngày càng nhiều thêm mô hình: "Hàng cây khuyến học"; "Hàng cây Chữ thập đỏ”; “Hàng cây từ thiện", “Hàng cây nông thôn mới”; mô hình khoán quản, khoanh nuôi, tái sinh đồi rừng… Cùng với đó, tại nhiều trục đường liên xã, liên thôn, cơ quan công sở, trạm, trại, trường học, khu đô thị, khu công nghiệp… đã, đang được tiếp tục phủ kín bằng hàng triệu cây xanh phân tán.

65 mùa xuân đã qua kể từ ngày Bác Hồ kính yêu viết bài báo cổ vũ phong trào trồng cây và cũng là 55 mùa xuân kể từ ngày Bác vĩnh biệt chúng ta về với “thế giới người hiền”, nhưng “Tết trồng cây” do Bác phát động sẽ mãi là một phong tục đẹp, động viên, khích lệ nhân dân ta thêm tự tin, quyết tâm hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy