Xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân theo lời căn dặn của Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi để khẳng định và bảo vệ những giá trị cao quý của con người, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân với “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Hôm nay, chúng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện những ý nguyện nhân văn đó của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (năm 1954). Ảnh tư liệu

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 9/10/1945, lần đầu tiên sáu chữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc được dùng trong các văn bản chính thức. Từ đó đến nay, dòng tiêu ngữ này được đặt trang trọng dưới Quốc hiệu, không thay đổi nội dung và hình thức trình bày. Hệ giá trị đó trở thành lẽ sống, là lý tưởng phấn đấu, hy sinh của toàn dân Việt Nam trong Thời đại Hồ Chí Minh. “Mẫu số chung” Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cũng khơi dậy nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Cả dân tộc đồng lòng quyết tâm bảo vệ Độc lập, Tự do và cùng phấn đấu trên hành trình thực hiện khát vọng “ấm no, hạnh phúc” theo tư tưởng của Người. Với vị thế là người làm chủ vận mệnh dân tộc, nhân dân Việt Nam đã từng bước biến mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám thành hiện thực, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người nhấn mạnh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2). Người yêu cầu Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc phải thực hiện ngay bốn điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Dưới sự lãnh đạo của Người, chính quyền mới đã trực tiếp mang lại những quyền lợi dân sinh, dân chủ, dân quyền mà trước đây nhân dân Việt Nam chưa từng được hưởng: Bãi bỏ thuế thân (ngày 7/9/1945), bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải trả tiền (ngày 8/9/1945), quy định thể lệ Tổng tuyển cử (ngày 17/10/1945); giảm tô 25% (ngày 20/11/1945), giảm 20% thuế điền (ngày 20/11/1945)...

Để chăm lo tốt cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, trước hết phải xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Chính phủ phải là “công bộc của dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu phương châm trước mỗi công việc và yêu cầu cán bộ nghiêm túc thực hiện: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” khi ban hành và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách. Công việc của Chính phủ phải nhằm mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đời sống “ấm no, tự do, hạnh phúc” của người dân chính là thước đo hiệu quả và thành công của đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống nhân dân, chính là làm cho nhân dân thực hiện nghĩa vụ và được hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công bằng. Khi nhân dân thực sự là người chủ sẽ được thụ hưởng ngày càng tốt hơn những thành quả của một xã hội phát triển.

Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, cũng là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(3) - lỗi ở đây không chỉ nên hiểu là lỗi trong công tác mà còn là lỗi về mặt đạo lý.

Ngay từ trong thời kỳ còn phải đấu tranh thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn khẳng định chăm lo đời sống, hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chúng ta hướng tới. Cho đến những dòng cuối cùng để lại cho chúng ta trước lúc đi xa, Người vẫn căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(4) (Di chúc, chữ gạch chân trong nguyên văn - N.V.A). Lời căn dặn này bao hàm ý nghĩa nâng cao đời sống của nhân dân một cách toàn diện, cả về vật chất (phát triển kinh tế), cả về tinh thần (phát triển văn hoá).

Tràn đầy tình thương yêu

Trong bản sửa lại Di chúc viết tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành riêng bốn trang viết về chính sách với các tầng lớp nhân dân sau khi kết thúc chiến tranh. Những dòng căn dặn của Người in đậm tư tưởng tin dân, trọng dân, vì dân và gắn bó với dân. Người căn dặn những chính sách chăm lo đối với từng tầng lớp nhân dân, từng đối tượng cụ thể.

Đối với các thương binh: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh” (Di chúc).

Đối với các liệt sỹ: “Mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta” (Di chúc).

Đối với những gia đình chính sách “mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét” (Di chúc).

Với thế hệ trẻ, Người viết: “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta” (Di chúc).

Với phụ nữ, Người yêu cầu: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” (Di chúc).

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến “Những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v... thì Nhà nước phải dùng vừa pháp luật, vừa giáo dục để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lương thiện” (Di chúc).

Với một đất nước có nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, nông dân chiếm số đông, Người đề nghị “miễn thuế nông nghiệp 1 năm” sau khi kết thúc chiến tranh để khoan thư sức dân.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngời sáng tấm lòng cao cả, trăn trở với sự nghiệp xây dựng Đảng, với công cuộc tái thiết đất nước, tràn đầy tình thương yêu, lo toan cho hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân

Đã 55 năm trôi qua từ khi chúng ta nguyện thực hiện trọn vẹn những lời thiêng liêng cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc. Trong những nhiệm kỳ gần đây, những mục tiêu chăm lo nâng cao mọi mặt đời sống, phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới đã được Đảng đưa vào nhiều nghị quyết và đôn đốc triển khai thực hiện trong thực tiễn. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”(5).

Sau gần 40 năm đổi mới, mức sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi (năm 1990) lên 73,7 tuổi (năm 2023). Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng nhanh trong những năm gần đây và Việt Nam đã thuộc nhóm cao của thế giới. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng. Cùng với đó là những chương trình lớn và các chính sách đầu tư chăm lo cho con người: phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tổ chức các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục thiên tai, dịch bệnh… Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm đều khoảng 1,5% - giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 xuống chỉ còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) năm 2023. Các dịch vụ xã hội cơ bản đã ngày càng cải thiện và người dân có khả năng tiếp cận và thụ hưởng. Các quyền về kinh tế, văn hoá, xã hội của người dân Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn. An sinh xã hội được chăm lo, chất lượng cuộc sống được nâng dần từng bước. Sau gần 40 năm đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Phát triển kinh tế gắn liền với chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân đồng thời bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội là mục tiêu, đồng thời cũng là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa, giá trị đích thực của xã hội mới tốt đẹp mà chúng ta đang xây dựng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngô Vương Anh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy