Cách đây 60 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, với tinh thần quyết tâm cao, từ ngày 2/12/1964 đến ngày 3/1/1965, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đã mở Chiến dịch Bình Giã trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và hai huyện phía Nam Bình Thuận. Sau hơn một tháng chiến đấu, với sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, nòng cốt là hai trung đoàn bộ binh 761 và 762, cùng lực lượng tại chỗ, Chiến dịch đã đạt được những thắng lợi hết sức quan trọng. Chiến thắng không chỉ làm thất bại cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ mà còn tạo ra những tiền đề quan trọng cho những thắng lợi tiếp theo.
Từ cuối năm 1964, để cứu vãn sự thất bại của quân đội Sài Gòn, Mỹ và chính quyền tay sai gấp rút triển khai kế hoạch bình định có trọng điểm, tổ chức khu vực Bình Giã, Đức Thạnh, Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ thành 4 chi khu quân sự với lực lượng gồm 4 tiểu đoàn biệt động quân (30, 33, 35, 38), 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến (1, 4) của Lữ đoàn 147, 2 tiểu đoàn dù (5, 6), 3 tiểu đoàn bảo an, 2 trung đội pháo binh 105 mm và 1 chi đoàn xe thiết giáp M113. Mỗi chi khu có từ 1 đại đội đến 1 tiểu đoàn bảo an đóng giữ; riêng “ấp chiến lược” Bình Giã, địch tổ chức lực lượng riêng để bảo vệ, chống phá ta quyết liệt. Do tính chất quan trọng của tỉnh Bà Rịa, nên địch ra sức củng cố tỉnh này để tạo thành thế phòng thủ án ngữ mặt phía Bắc và Đông Bắc, bảo vệ căn cứ hải quân Vũng Tàu.
Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và phương hướng hoạt động tác chiến Đông Xuân 1964 - 1965, đầu tháng 11/1964, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công địch tại khu vực Bình Giã - Đức Thạnh - Đường số 2, trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hoà, Bình Thuận (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và nam tỉnh Bình Thuận) với diện tích gần 500km, trong đó xác định hướng chủ yếu là Bà Rịa - Long Khánh, hướng phối hợp là Nhơn Trạch, Long Thành (Biên Hoà) và Hoài Đức, Tánh Linh (Bình Thuận) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá kế hoạch bình định trọng điểm của ngụy quyền Sài Gòn, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy phá “ấp chiến lược”, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng căn cứ cách mạng.
Bộ Tư lệnh Chiến dịch được thành lập gồm: Tư lệnh Trần Đình Xu, Chính ủy Lê Văn Tưởng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Nguyễn Hoà, Phó Chính uỷ Lê Xuân Lưu, Phó Tư lệnh Nguyễn Hồng Lâm (Hải Bứa). Lực lượng tham gia chiến dịch có 2 trung đoàn bộ binh (761, 762), Đoàn Pháo binh 80 (4 tiểu đoàn), 2 tiểu đoàn bộ binh (500, 800) chủ lực Quân khu 7; Tiểu đoàn 186 chủ lực Quân khu 6, Đại đội 445 bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa cùng lực lượng dân quân, du kích. Căn cứ nhiệm vụ được giao, ngày 15/11/1964, Bộ Tư lệnh Chiến dịch thông qua quyết tâm tác chiến của chiến dịch.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chỉ huy Miền tập trung lực lượng lớn, cơ động chiến đấu trên địa bàn rộng, xa hậu phương. Để giữ bí mật, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị và triển khai chiến dịch, đánh lạc hướng phán đoán của địch, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương trên các chiến trường, buộc địch phải phân tán đối phó trên nhiều hướng. Với sự nỗ lực, chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, đến ngày 20/11/1964 về cơ bản ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị, trong đó vận chuyển được 500 tấn vũ khí, hơn 200 tấn lương thực... kịp thời bảo đảm cho các đơn vị vào vị trí tập kết đúng quy định: Trung đoàn 761 ở nam Xuân Sơn, Trung đoàn 762 ở đông nam núi Nghệ, pháo binh ở Vạn Kiếp và tây bắc Đức Thạnh; Sở chỉ huy Chiến dịch đặt ở núi Nưa.
Chiến dịch Bình Giã chia làm hai đợt: đợt 1 từ đêm 2/12 đến ngày 17/12/1964; đợt 2 từ đêm 27/12/1964 đến chiều 3/1/1965. Chiến dịch đã kết thúc thắng lợi, loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.700 địch (bắt gần 300 tên), trong đó diệt Tiểu đoàn Biệt động quân 33, Tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến 4 và 1 chi đoàn thiết giáp M113; đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn biệt động quân (30, 35, 38), 7 đại đội bảo an; làm tan rã hầu hết lực lượng dân vệ trong khu vực; phá huỷ và phá hỏng 45 xe quân sự (phần lớn là M113), bắn rơi, bắn cháy, bắn hỏng 56 máy bay các loại, thu hơn 1 nghìn súng và gần 100 máy thông tin các loại; phá vỡ hàng loạt “ấp chiến lược” ven đường số 2 và đường số 15, giải phóng vùng ven Hàm Tân và toàn bộ huyện Hoài Đức, mở rộng căn cứ Hát Dịch (Bà Rịa) nối liền với Chiến khu Đ và căn cứ Bình Thuận, bảo đảm căn cứ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào bằng đường biển.
Chiến thắng Bình Giã (1964 - 1965) đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, tạo ra thế và lực mới, góp phần thúc đẩy nhanh sự phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Chiến thắng có ý nghĩa chiến lược to lớn, ảnh hưởng sâu rộng trong và ngoài nước, khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, đặc biệt là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam trong lãnh đạo và tiến hành chiến tranh cách mạng.
Chiến thắng tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Đánh giá về chiến dịch, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Trong quá trình chiến tranh giải phóng ở miền Nam đã diễn ra những bước nhảy vọt. Với trận Ấp Bắc năm 1963, địch thấy khó thắng ta, sau chiến dịch Bình Giã địch thấy thua ta”.
Chiến thắng đã tạo bước ngoặt trong so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta, góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch, mở ra những điều kiện quan trọng để tiến lên đánh bại các âm mưu chiến lược của Mỹ - Ngụy. Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ, góp phần vào việc chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra thế và lực mới trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chiến thắng Bình Giã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực Quân Giải phóng miền Nam, nhất là về nghệ thuật chiến dịch, sử dụng lực lượng, vận dụng cách đánh cũng như các hoạt động tác chiến khác. Đặc biệt, đã hoàn thành xuất sắc 3 mục tiêu: tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, phá ấp chiến lược; mở rộng vùng giải phóng sát ra biển, xây dựng bến tiếp nhận của Trung ương từ miền Bắc vào miền Nam.
Chiến thắng Bình Giã đã khẳng định chủ trương đúng đắn về sự cần thiết phải nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, quả đấm chủ lực, để đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”của địch. Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (khi ấy là Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng - Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam) khẳng định: “Chiến dịch Bình Giã, chúng ta chỉ tung 2 trung đoàn mà địch đã phải chịu thất bại nặng nề. Nếu chúng ta có thêm quân chủ lực, chắc chắn sẽ giành thắng lợi nhanh chóng, vang dội hơn. Vì vậy, thời gian tới cùng với phát triển dân quân, du kích rộng khắp phải đặc biệt chăm lo xây dựng những “quả đấm” chủ lực mạnh có khả năng giáng những đòn tiêu diệt lớn, làm xoay chuyển cục diện chiến trường”.
Chiến thắng Bình Giã thực sự là đòn quyết định, góp phần làm thất bại quốc sách “ấp chiến lược” vấn đề “xương sống” trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” của Mỹ - Ngụy; làm cho chúng không còn tin tưởng nhiều vào chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”. Bình Giã chính là dấu mốc cho sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, một bộ phận của chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ áp dụng vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Cùng với chiến thắng Bình Giã, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam đã tiến hành các đợt hoạt động tác chiến với quy mô khác nhau, như: An Lão (30/11 - 08/12/1964), Đồng Xoài (10/5 - 22/7/1965), Ba Gia (28/5 - 20/7/1965)... góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng, tri ân công lao cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Lê Mai (Tổng hợp)