Trần Quốc Hương - Nhân cách và kỳ tích (Phần I - III)

Người xưa có nói: “Nhất nhật tại tù, Thiên thu tại ngoại”, đại ý một ngày bị giam trong tù, bằng nghìn năm ở bên ngoài. Xét khía cạnh nào đó, ông Mười Hương thấy đúng như thế. Ở trong tù con người hoàn toàn mất tự do, nhất là vào lúc chiến tranh, đế quốc Pháp đang thi hành chính sách phát xít đàn áp, khủng bố tàn bạo đối với những người cách mạng chống lại quyền cai trị của chúng.

Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng trò chuyện với đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ảnh: thanhnien.vn

III

Người xưa có nói: “Nhất nhật tại tù, Thiên thu tại ngoại”, đại ý một ngày bị giam trong tù, bằng nghìn năm ở bên ngoài. Xét khía cạnh nào đó, ông Mười Hương thấy đúng như thế. Ở trong tù con người hoàn toàn mất tự do, nhất là vào lúc chiến tranh, đế quốc Pháp đang thi hành chính sách phát xít đàn áp, khủng bố tàn bạo đối với những người cách mạng chống lại quyền cai trị của chúng. Cùng với việc tra tấn bằng những thủ đoạn man rợ, cốt lấy lời cung khai ra cơ sở, cán bộ, quần chúng cốt cán khác, hàng ngày chế độ giam giữ, kiểm soát của địch rất ngặt nghèo, đầy đọa những người bị giam giữ như súc vật, nhằm tiêu diệt ý chí chiến đấu của người cách mạng.

Nhưng, những người cách mạng đã biết biến cái rủi thành cái may. Tuổi trẻ Mười Hương đang khao khát cuộc sống có lý tưởng, đã nhờ thời gian bị giam giữ trong nhà tù Hỏa Lò, học được rất nhiều điều bổ ích, mà ở bên ngoài không thể nào có được. Đối với ông, nhà tù Hỏa Lò thực sự là “một trường học đường đời lớn”. Chính tại đây, ông mới được hiểu biết về quá trình thành lập, hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương; về đường lối, chính sách của Đảng; những gương chiến đấu chống đàn áp khủng bố, cắn răng chịu đòn kiên quyết không khai báo của những người cộng sản bất khuất, đồng thời biết cả một số không còn giữ được khí tiết, “tham sống, sợ chết” đã đầu hàng khai báo, làm thiệt hại cho phong trào; những kinh nghiệm đối phó với quân thù...

Vào trong tù, ngoài những người trong pô-pốt, ông Mười Hương gặp cả đoàn viên Thanh niên cứu quốc khác như các anh Đỗ Xuân Hợp, Luyến, Hợi, Oánh... chưa có án; nhất là nhiều cán bộ cộng sản lâu năm thuộc lứa tuổi đàn anh, đã bị bắt từ trước và đã có án. Lớp cán bộ cộng sản đàn anh đó đã có công dìu dắt những người đàn em thuộc lứa tuổi của ông.

Khi bị bắt, theo giấy khai sinh ghi sinh ngày 20/12/1926, ông Mười Hương mới trên 15 tuổi, kém tuổi thực 2 tuổi, tức là “tuổi vị thành niên”, tuổi còn chịu sự giám sát của gia đình, nhưng bọn mật thám vẫn tra tấn và Chưởng lý vẫn đưa ông ra tòa án binh.

Trước sau, dù bị đánh thế nào, ông vẫn cố chịu đựng giữ lời khai không biết gì, không tham gia một tổ chức cách mạng nào, không rõ ai để lá cờ vào hòm của ông.

Để bảo vệ cuộc sống trong nhà giam khắc nghiệt, các tù cộng sản đàn anh có kinh nghiệm tổ chức ra nhiều ban như: trật tự, vệ sinh, học tập... có giờ giấc sinh hoạt quy định rõ ràng. Ông Mười Hương được các bậc đàn anh giới thiệu vào Ban trật tự của nhà tù. Với ý thức tự giác, ông Mười Hương tham gia nghiêm túc các ban nói trên và chấp hành nghiêm chỉnh những nội quy do tự anh em tù đặt ra.

Qua kiểm tra thấy rõ thái độ của ông Mười Hương là người có thể tin cậy được, bị tra tấn mà không khai báo, có ý chí quyết tâm theo cách mạng, Ban lãnh đạo nhà tù xếp ông vào “nhóm Trung kiên”, trong đó có những, cán bộ cộng sản, quần chúng tin cậy. Trong nhà tù Hỏa Lò lúc bấy giờ có nhiều đảng viên cộng sản, cán bộ, nhưng không phải tất cả được vào nhóm trung kiên. Ông Mười Hương nhớ nhất trong nhóm trung kiên các bậc đàn anh Nguyễn Thọ Chân, Lê Toàn Thư... là những người đã thường xuyên gần gũi hướng dẫn và nâng đỡ ông rất nhiều, truyền đạt cho ông nhiều điều hiểu biết về Đảng cũng như những kinh nghiệm về đấu tranh với kẻ thù.

Tham gia “Nhóm Trung kiên”, ông Mười Hương được dự lớp huấn luyện, nghe các anh giảng bằng truyền miệng, về sự ra đời của Đảng Cộng sản, vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thống nhất ba tổ chức Đảng: Đảng Cộng sản Đông Dương, An nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản đã giúp đỡ ta lập Đảng và đào tạo nhiều cán bộ, đưa về làm các Tổng Bí thư của Đảng như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và nhiều cán bộ nổi tiếng khác, như Nguyễn Thế Rục, Bùi Lâm...

Về đường lối, ngay từ khi thành lập, Đảng đề ra làm cách mạng Tư sản dân quyền đánh đuổi đế quốc thống trị, giành độc lập cho dân tộc và đánh đổ chế độ phong kiến lập chế độ cộng hòa dân chủ, đem lại ruộng đất cho nông dân. Nhưng, từ khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, đế quốc Pháp thực hiện chế độ phát xít vô cùng tàn bạo, bọn phát xít Nhật lại lăm le nhảy vào xâm chiếm Đông Dương, đời sống của toàn thể dân tộc ta bị chà đạp nghiêm trọng, trước tình hình mới, Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 đã nhận định “bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng, để tranh lấy giải phóng dân tộc”. Trung ương nói rõ: Tất cả mọi vấn đề của cách mạng, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm mục đích ấy mà giải quyết. Như thế là Đảng ta tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất mà thay bằng khẩu hiệu tịch ký ruộng đất của đế quốc Pháp và của địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc. Trung ương cũng đề ra phải dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Các anh lớn tuổi giảng cho ông Mười Hương biết, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho Quốc tế Cộng sản đã về nước, chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (tháng 5/1941), bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới. Tại Hội nghị này, sau khi phân tích tình hình chiến tranh thế giới thứ hai và tình hình trong nước, Trung ương nhận định “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Hội nghị Trung ương còn nói rõ hơn “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Để có thể tập hợp đông đảo hơn nữa các lực lượng, các tầng lớp nhân dân chống kẻ thù chủ yếu của dân tộc là phát xít Pháp – Nhật, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề nghị từ nay Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp – Nhật lấy tên là Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Các tổ chức quần chúng yêu nước, chống đế quốc đều lấy tên là “Hội Cứu quốc” như Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Nhi đồng cứu quốc, Hội Binh sĩ cứu quốc... Lá cờ đỏ sao vàng đã phất cao trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11/1940, được chính thức công nhận là cờ của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh. Toàn bộ phong trào chống phát xít Nhật – Pháp của nhân dân Việt Nam từ đây mang tên là phong trào Việt Minh.

Về phương pháp cách mạng giành lại độc lập và chủ quyền, Hội nghị Trung ương lần này nhất trí với chủ trương của các hội nghị Trung ương tháng 11/1939 và tháng 11/1940, nêu ra một cách toàn diện, sâu sắc rằng cách mạng nước ta muốn thắng lợi phải dùng khởi nghĩa vũ trang. Vì vậy, Hội nghị đề ra “chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta và nhân dân ta trong giai đoạn hiện tại”.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước ta và kinh nghiệm của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và những cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam kỳ, Đô Lương, Hội nghị Trung ương nhận định rằng khi thời cơ đến thì với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành thắng lợi và mở đường cho một cuộc Tổng khởi nghĩa to lớn.

Trong vấn đề Mặt trận dân tộc, từ năm 1930, Đảng đặt ra trong khuôn khổ Đông Dương, nay Hội nghị Trung ương đặt hẳn vấn đề trong khuôn khổ của mỗi nước Việt Nam, Campuchia, Lào với tinh thần cách mạng giải phóng của nhân dân ba nước phải dựa vào nhau, mật thiết liên hệ với nhau, thúc đẩy nhau, giúp đỡ lẫn nhau để giành thắng lợi. Như vậy, vừa chống được âm mưu của địch chia rẽ ba quốc gia, ba dân tộc, vừa tạo điều kiện cho hai dân tộc bạn phát huy được tinh thần tự chủ, độc lập, tích cực góp phần vào sự nghiệp chung chống phát xít Pháp – Nhật.

Ông Lê Toàn Thư rỉ tai ông Mười Hương cho biết, Tổng Bí thư Đảng bây giờ là đồng chí Trường Chinh. Những bài viết trên Báo Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng dưới ký tên Trường Chinh chính là Tổng Bí thư Đảng đấy! Ông Lê Toàn Thư sau khi thoát khỏi ngục Côn Đảo (tháng 9/1945) ra Bắc, năm 1948 đang làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trung ương rút, điều đi Nam bổ sung vào Xứ ủy Nam bộ, làm Phó Bí thư.

Sau Hội nghị Trung ương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc lại có Thư đề ngày 6/6/1941, kêu gọi toàn dân đoàn kết, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, để tập trung lực lượng đánh đuổi Pháp – Nhật. Một anh thuộc lầu lầu bản Kính cáo đồng bào lên tiếng se sẽ đọc. Tất cả chăm chú lắng nghe.

“Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các hiền nhân, chí sĩ!

Hỡi các bạn Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh!

Pháp đã mất nước cho Đức. Thế lực của chúng ở ta đã điêu tàn. Song đối với chúng ta, chúng tăng sưu tăng thuế để vơ vét tài sản. Chúng khủng bố trắng để giết hại nhân dân. Đối với kẻ ngoài chúng im hơi lặng tiếng, cắt đất cho Xiêm, chúng quỳ gối chắp tay đầu hàng Nhật Bản. Dân ta một cổ hai tròng. Đã làm ngựa trâu cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật.

Trước tình cảnh đau đớn, xót xa ấy, ta có chịu khoanh tay chờ chết không?

Không, quyết không! Hơn hai mươi triệu con Lạc, cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi!

Bảy, tám mươi năm nay dưới quyền thống trị của giặc Pháp, chúng ta luôn luôn tranh đấu giành độc lập tự do. Tấm gương oanh liệt của các bậc lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến còn treo đó. Tinh thần anh dũng của các liệt sĩ ở Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An hãy còn đây.

Những cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương vừa rồi đã tỏ rằng đồng bào ta quyết nối gót người xưa, phấn đấu hy sinh đặng phá tan xiềng xích.

Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là dân ta chưa hiệp lực đồng tâm.

Nay cơ hội giải phóng đến rồi, đế quốc Pháp bên Âu đã không thể tự cứu, cũng không thể cứu bọn thống trị Pháp bên ta.

Đế quốc Nhật đã bị sa lầy ở Trung Hoa, lại đương gay go với Anh, Mỹ. Hiện thời muốn đánh Pháp đuổi Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết.

Hỡi đồng bào! Hãy noi gương vĩ đại của dân Tàu, tổ chức những hội Cứu quốc chống Pháp, chống Nhật.

Hỡi các bậc phụ lão! Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc.

Hỡi các bậc phú hào yêu nước, thương nòi! Hỡi các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương!

Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian để cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.

Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu nước là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dẫu phải hy sinh tính mạng cũng không nề.

Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!

Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên!

Đoàn kết đánh đuổi Pháp – Nhật!

Việt Nam cách mạng thành công muôn năm!

Thế giới cách mạng thành công muôn năm! Nguyễn Ái Quốc”.

Tiếng đọc vừa dứt, có người lên tiếng: Hay quá, thống thiết, xúc động quá! Xin cho chép vào mặt trắng vỏ bao thuốc lá để truyền cho nhau đọc.

Trong khi nghe giảng bài hoặc trò chuyện trao đổi, ông Mười Hương có cảm giác các ông Lê Toàn Thư, Nguyễn Thọ Chân đã được cộng tác gần gũi với Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu. Các ông biết khá nhiều chi tiết sinh động về sự hoạt động của Trường Chinh, mà sau này ông Mười Hương mới biết quả đúng như vậy.

Trao đổi về gương chiến đấu của lớp người cộng sản đầu tiên, nhóm cốt cán trong tù kể lại tình bạn chí cốt giữa Nguyễn Đức Cảnh và Trường Chinh, hai người cùng học với nhau dưới mái trường Thành chung Nam Định và cùng sát cánh bên nhau hoạt động cách mạng, cùng bị bắt và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò năm 1930. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị Hội đồng đề hình Pháp kết án tử hình. Trong xà lim án chém chờ ngày hành quyết, Nguyễn Đức Cảnh dồn hết tâm huyết tổng kết kinh nghiệm vận động giai cấp công nhân, trước khi lẫm liệt ngẩng cao đầu bước lên máy chém. Trường Chinh bị nhốt trong xà lim “nguy hiểm”, ban ngày không bị cùm còn ban đêm bị cùm, phụ trách tờ báo Con đường mới, hàng ngày đấu tranh quyết liệt với các đối thủ sừng sỏ Việt Nam Quốc dân Đảng. Nguyên nhân có cuộc đấu tranh trên báo chí này là như sau, Việt Nam Quốc dân Đảng ra báo Đường cách mạng công kích những người cộng sản. Cây bút chính của tờ báo là giáo sư Nghiêm Toản dạy trường Gia Long. Chi bộ Cộng sản trong tù liền quyết định ra báo Con đường chính để tranh luận với họ. Chi bộ phân công Trường Chinh làm chủ bút tờ báo, viết các bài tranh luận về triết học, lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản, nguồn gốc chiến tranh, khởi nghĩa... dưới ký tên Cây Xoan. Tham gia viết bài cho báo là những cán bộ có trình độ lý luận và văn hóa khá lúc đó như Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thế Rục, Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu), Trần Quang Tặng, Nguyễn Văn Ngạn... Nguyễn Thế Rục là cây bút xuất sắc về lý luận, vì đã đi học ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô.

Giấy làm báo là giấy bản đưa từ ngoài vào, nói là dùng để đi tiêu (cầu) để qua mắt địch. Giấy được phết nước cơm, phơi khô, rồi giao cho người chữ đẹp viết. Mỗi lần ra từ 5 đến 7 bản, chuyền tay nhau đọc và chuyển qua các buồng giam khác.

Địch phát hiện ta dùng giấy bản làm báo, chúng liền tịch thu và cấm không cho đưa giấy bản vào khám nữa. Ta liền lợi dụng sách đạo do Cố Ân (viên Cố đạo đã khám phá ra vụ Hà thành đầu độc của Cụ Hoàng Hoa Thám) phân phát cho người tù có đạo đi lễ hàng tuần, nhằm tuyên truyền giáo lý với những người có đạo trong nhà tù; những sách ấy có những trang giấy trắng, ta lấy để làm báo.

Qua cuộc tranh luận này, một số đảng viên Quốc dân Đảng thực tâm yêu nước, thấy rõ đường lối cứu nước của Đảng Cộng sản đúng hơn, đã chuyển sang hàng ngũ những người Cộng sản.

Về sau, được công tác gần đồng chí Trường Chinh, nhân nhắc lại cuộc đấu tranh báo chí này, ông Mười Hương được đồng chí Trường Chinh cho biết ông Nghiêm Toản là người yêu nước, hiểu rộng, nhưng đường lối của Việt Nam Quốc dân Đảng là sai lầm.

Nhóm trung kiên được các bậc đàn anh kể lại những tấm gương chiến đấu dũng cảm, chịu đựng tra tấn, không hở một lời cho địch biết về tình hình nội bộ và hoạt động của ta, của các đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc... ở Bắc kỳ; Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Sĩ Sách... ở Trung kỳ; Ngô Gia Tự, Lý Tự Trọng... ở Nam kỳ.

Riêng năm 1932-1933, Tòa án binh ở Sài Gòn, Mỹ Tho của Pháp kết án tử hình hàng chục cán bộ cộng sản trong đó có Nguyễn Công Miều (sau lấy tên Lê Văn Lương), Phạm Hùng, Lê Quang Sung... Do phong trào đấu tranh đòi ân xá ở trong nước ta cũng như bên Pháp khá mạnh, số đồng chí này đã được giảm xuống thành án tù chung thân khổ sai, địch đưa đi đầy ở Côn Đảo. Ông Lê Văn Lương, lúc đó tên khai sinh là Nguyễn Công Miều, em nhà văn Nguyễn Công Hoan, được Đảng Cộng sản Đông Dương cử vào Nam cộng tác với đồng chí Ngô Gia Tự đang làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, ở Ban cộng vận của Xứ, lấy bí danh là Tâm, phụ trách cuộc bãi công và biểu tình của công nhân hãng dầu Pháp – Á Nhà Bè (Gia Định) đầu năm 1931. Trong cuộc đấu tranh này, một tên lính dùng súng bắn vào đoàn biểu tình, bị quần chúng nhảy vào tước súng và đánh chết. Có người khai, đồng chí Tâm là người điều khiển cuộc họp chuẩn bị tối hôm trước. Địch bắt và tra tấn thế nào đồng chí cũng không khai tên thật và quê quán cũng như hoạt động của mình, chỉ khai một cái tên vu vơ là Phạm Văn Khương theo chiếc thẻ thân mua được, người Thái Bình, vì đói phải tìm đường vào Nam kiếm ăn. Cho đến lúc địch kết án tử hình, thời gian bị đầy ngoài Côn Đảo, trong bản án vẫn chỉ ghi mấy dòng như thế. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, được đón về và Trung ương điều ra Hà Nội công tác, Nguyễn Công Miều mới lấy tên là Lê Văn Lương. Nếu Pháp biết gốc gác của Nguyễn Công Miều chắc chắn chúng sẽ làm khó dễ cho gia đình Nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Anh em bị giam giữ ngoài Côn Đảo luôn luôn tìm cách vượt ngục trốn về hoạt động. Năm 1935, các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Quang Sung (người Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn lúc bị bắt), Tô Chấn, vốn là cán bộ lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng, đã chuyển sang Cộng sản, cùng vài đồng chí nữa đóng bè vượt đảo. Nhưng, chuyến đi này không thành công, các đồng chí đã vĩnh viễn bỏ xác ngoài biển cả!

Bên cạnh những gương đấu tranh kiên cường như thế, có một số đảng viên, cán bộ cộng sản, do không chịu được đòn tra tấn của địch cùng những thủ đoạn mua chuộc đánh vào tình cảm gia đình, đã khai báo làm thiệt hại nặng đến phong trào như Ngô Đức Trì, Dương Hạc Đính... bị bắt ở Nam kỳ; Nghiêm Thượng Biền bị bắt ở Bắc kỳ... Thâm độc hơn là, sau khi đã lấy được những lời khai báo, tên cáo già Humbert, Chánh mật thám Trung kỳ, tìm cách tiếp tục sử dụng Đinh Văn Di trong Xứ ủy Trung kỳ, để phá nhiều cơ sở và gây tình trạng mất đoàn kết nghi ngờ lẫn nhau trong nội bộ Đảng bộ Trung kỳ. Cũng đáng tiếc, một số cán bộ có trách nhiệm cao trong Xứ ủy Nam kỳ bị bắt năm 1931, 1932, 1935 đã khai nhiều về tình hình nội bộ và phong trào cách mạng của ta cho địch, nhưng vẫn giấu Đảng, không báo cáo thành thật với Đảng, đến sau này Đảng mới biết.

Trao đổi về những kinh nghiệm chịu đòn tra tấn của địch, nhóm trung kiên thảo luận rất sôi nổi các kiểu, các cách thức tra tấn của địch, từ đơn giản đến tinh vi độc ác, cả đánh cụ thể con người và đánh tình cảm gia đình bố mẹ, vợ con, hoặc mua chuộc tiền tài, danh vị... Cố nhiên là có diễn tả cả cách thức chịu đòn của những người bị tra tấn. Phải gắng mà chịu đòn, nếu có bị đánh thành thương tật, hay bị què như ông Hạ Bá Cang cũng rứt khoát không được khai báo, làm thiệt hại đến quần chúng, đến Đảng, trong nhóm trung kiên anh em nào cũng nhắc nhở nhau như thế.

Có một điều các vị đàn anh có kinh nghiệm căn dặn mà ông Mười Hương nhớ dai, nhớ kỹ là khi bị địch đánh cố làm sao bảo vệ được những chỗ như cái ót (chỗ đầu cột xương sống, đằng sau gáy), hạ bộ... nếu để chúng đánh trúng vào đó, có thể chết ngay tức khắc, gọi là đột tử. Nhưng cũng đừng để chúng đánh hụt nhiều lần, đâm cáu, dễ bị chúng đánh liều đến chết. Thật ra bọn đồ tể cũng sợ đánh tù chết, đây là vấn đề thuộc về mâu thuẫn tâm lý, cố chịu đựng làm cho chúng đánh đến mệt mà không đạt hiệu quả.

Một chuyện về chịu đựng đòn tra tấn của địch mà ông Mười Hương có ấn tượng rất mạnh là gương của ông Trần Xuân Độ, đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng. Chính tên trực tiếp đánh Trần Xuân Độ, đánh mãi thay hết roi này đến roi khác như đánh vào bị thịt, đánh thế nào cũng không lấy được lời khai, đến mức chán và mệt quá, tên này vứt cả roi đi và chửi thề. Việt Nam Quốc dân Đảng rất tự hào về sự chịu đựng của Trần Xuân Độ người đảng viên của mình và phong cho cái tên là “gan lỳ tướng quân”. Sau này, ông Mười Hương tìm hiểu sự thật Trần Xuân Độ không phải là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng. Ông Trần Xuân Độ là công nhân hãng CARIC Hải Phòng, tham gia Việt Nam Cách mạng Thanh niên rồi chuyển sang Đảng Cộng sản Đông Dương (17/6/1929). Lúc bấy giờ Việt Nam Quốc dân Đảng đang phát triển mạnh ở Hải Phòng. Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách Hải Phòng, cho Trần Xuân Độ vào Việt Nam Quốc dân Đảng, lúc bấy giờ gọi là “nằm đoàn”, để nắm tình hình hoạt động của đảng ấy và tuyên truyền người tốt chuyển sang Đảng Cộng sản. Khi đó, đồng chí Hạ Bá Cang (sau này là Hoàng Quốc Việt) cũng đang làm ở hãng này, trong hồi ký của mình kể lại, có ý tuyên truyền Trần Xuân Độ vào Đảng Cộng sản, nhưng ông Độ không mặn mà lại còn tỏ ra là người của Việt Nam Quốc dân Đảng. Thật ra Trần Xuân Độ giữ bí mật. Lúc Việt Nam Quốc dân Đảng chủ trương khởi nghĩa ở Yên Bái và dấy lên bạo động ở một số nơi, Trần Xuân Độ được hãng CARIC cử sang Lào làm việc, cho nên không tham gia. Lúc từ Lào về, do có người khai, Trần Xuân Độ bị bắt và bị Pháp kết án, đưa đi đầy ngoài Côn Đảo, Việt Nam Quốc dân Đảng vẫn đinh ninh Trần Xuân Độ là người của mình. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, được rước về, trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954, ông Trần Xuân Độ được Đảng Cộng sản Đông Dương cử phụ trách chính trị Miền Đông Nam bộ và sau đó nhiều chức vụ quan trọng khác của Đảng và Nhà nước. Ông được cấp ủy Đảng Nam bộ cử làm đại biểu tham gia Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai của Đảng ở Tuyên Quang tháng 2-1951. Vợ ông là bà Hà Giang, một cán bộ đảng viên trung thành, đảm đang. Trong sinh hoạt ông rất liêm khiết và gương mẫu, bạn bè và hàng xóm chung quanh rất cảm phục. Về hưu, ông sống trên trăm tuổi và mất ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trao đổi về nguyên nhân và tác hại của các vụ vỡ cơ sở mới đây ở Hà Nội và mấy tỉnh Bắc kỳ, anh em kỳ cựu cho biết Tư Nghệ, người Thừa Thiên Huế, còn có tên là Trọng, được Xứ ủy giao cho phụ trách Liên C gồm 4 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình. Khi Tư Nghệ bị bắt, không chịu được đòn tra tấn, y cung khai với mật thám tất cả cơ sở, cán bộ, quần chúng cốt cán, làm tan nát cơ sở và phong trào của 4 tỉnh này. Thật tai hại!

Tiếp sau đó lại xảy ra vụ tên Quát (có người gọi là Khoát), còn có tên là Địa, chức vụ khá cao, Phó Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ cho nên y biết rất nhiều về cán bộ của Đảng và cơ sở, phong trào. Chính Quát khai báo, Pháp phá được Thành ủy Hà Nội. Quát còn khai cả nơi ở, nơi thường qua lại của các đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Thường vụ Trung ương, Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng.

Chính tên Quát dẫn mật thám đi bắt hụt ông Trường Chinh hai lần, một lần chúng đã bao vây cơ quan của Trung ương, nhưng đồng chí Trường Chinh luôn luôn cảnh giác, nhanh chân trốn thoát, chúng chỉ bắt được đồng chí Lê Toàn Thư lúc đó đang làm Thư ký cho đồng chí Trường Chinh. Trước đó đồng chí Trần Diệp (sau này là chồng nhà văn Lê Minh, con nhà văn Nguyễn Công Hoan) làm Thư ký cho đồng chí Trường Chinh đã bị Pháp lùng bắt và đưa đi đầy ngoài Côn Đảo, năm 1945 mới được đón về.

Lần thứ hai, tên Quát lại dẫn lính Pháp lên Xóm Đá, tức Xóm Đỏ thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa, Bắc Giang), nằm trong ATK dự bị, vây bắt lớp huấn luyện đào tạo cán bộ của Trung ương đang mở tại nhà ông Nguyễn Văn Chế tức Hựu. Đồng chí Trường Chinh là giảng viên chính của lớp này, thường hay có thói quen dậy sớm, làm vài động tác thể dục. Bữa đó, mới 4 giờ sáng, trời hãy còn tối, sương phủ mù mịt, Pháp đã tỏa lính bao vây. Đồng chí Trường Chinh đang tập thể dục, nghe thấy tiếng chó sủa, lại thấy ánh đèn pin lấp láy, liền cảnh giác, lên tiếng báo động cho anh em biết có Tây đến, còn đồng chí chạy vội ra bờ sông Cầu, gặp được bố con thuyền chài đi kiếm cá sớm. Ông bố là Trương Văn Tuyền, một người có tinh thần yêu nước, cô con gái 15 tuổi tên là Trương Thị Vịnh, đoán biết đồng chí Trường Chinh là cán bộ cách mạng, vội tạt thuyền vào bờ, đưa đồng chí xuôi sông về Soi Quýt làng Tiên Thù (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên), được cơ sở ở đây là gia đình ông Lý Sấn tức Ngô Văn Luân, đùm bọc che chở. Thế là đồng chí Trường Chinh lại an toàn. Lần này Pháp bắt được 7 học viên của lớp. Sau đó, có mật báo, Pháp bắt ông Ngô Văn Luân cùng hai người con trai, con gái đem về tỉnh lỵ Thái Nguyên và đánh chết ông Ngô Văn Luân ngay tại nhà tù.

Lại một lần nữa đồng chí Trường Chinh thoát khỏi tay mật thám lùng bắt, sự việc diễn ra như sau. Nữ giao thông Nguyễn Thị Hội, cháu ông Nguyễn Duy Thân làng Đình Bảng, đi công tác qua cầu Đa Phúc (Phúc Yên, nằm trên đường Hà Nội – Thái Nguyên), ghé vào nhà Lý Ba là cơ sở của Quát (Địa). Vừa đến một lúc, nhờ cất giấu tài liệu xong, Nguyễn Thị Hội đã cảm thấy không yên. Lại thấy đồng chí Trường Chinh đến. Nguyễn Thị Hội vội bảo cho đồng chí Trường Chinh nên đi ngay, không nên nghỉ ở cơ sở này. Nửa đêm hôm đó, một lũ lính kéo đến bắt Nguyễn Thị Hội đưa về sở Mật tham tra tấn, mồm chúng luôn luôn hỏi: Đặng Xuân Khu (tên đồng chí Trường Chinh) đâu?

Vì Quát (Địa) đã khai, cho nên nữ giao thông Nguyễn Thị Hội phải nhận mình là đảng viên cộng sản, nhưng hỏi về Đặng Xuân Khu thì dứt khoát trả lời không biết.

Tên Quát còn dẫn mật thám về nhà ông lý Dâu ở Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa, Hà Đông) để bắt đồng chí Hạ Bá Cang. Chúng vồ hụt đồng chí Hạ Bá Cang, nổi sung, bọn chúng thẳng tay đánh chết con ông lý Dâu tại chỗ.

Tên Quát dẫn tên sếp mật thám Lutz (Luýt) đi lùng bắt các đồng chí Trường Chinh và Hạ Bá Cang, đi đến đâu tên Luýt cũng luôn mồm hỏi thằng thọt (Hạ Bá Cang), thằng Khu (Đặng Xuân Khu, Trường Chinh) đâu? Cả mấy lần đều không kết quả, tức quá Luýt sai lính dẫn Quát về Hỏa Lò, đánh 3 ngày liên tiếp. Dù đã khai báo nhưng Quát vẫn không thoát khỏi hình phạt. Sau đó, chúng đưa tên Quát ra tòa, xử 9 năm tù và đầy đi Côn Đảo. Pô-pốt của ông Mười Hương cũng nằm trong số cơ sở bị Quát chỉ cho mật thám phá nát.

Sau mấy tháng tra tấn, hỏi cung, Pháp đưa những người bị bắt ra tòa án binh. Dù ông Mười Hương còn ít tuổi, nhưng chúng vẫn cứ dẫn ra tòa án binh. Hầu hết bị chúng kết án tù từ vài năm đến hàng chục năm, cả người bạn cùng treo cờ với ông cũng bị chúng kết án tù, rồi đầy ra Côn Đảo.

Riêng ông Mười Hương vì còn tuổi vị thành niên, lấy cung không đủ chứng cớ, thêm nữa anh ông chịu tốn kém, hết sức chạy vạy lo lót khắp nơi, cho nên ông thoát án tù sau hơn một năm bị giam giữ. Buổi tha ông, Pháp cho gọi anh ông đến Hỏa Lò để nhận ông về. Người anh kể lại cho ông nghe: Khi vào phòng làm việc của chúng, tên cò Essieu phụ tá của trùm mật thám Lanèque khét tiếng tàn bạo nói: “Ông đừng thấy thằng Ban (tên khai sinh Trần Ngọc Ban) còn ít tuổi rồi để mặc cho nó muốn làm gì thì làm, ông phải chịu trách nhiệm về nó với chúng tôi đấy. Cộng sản rất nguy hiểm, thằng Ban đã bị tiêm nhiễm chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cộng sản đã nhiễm vào trong máu của nó rồi đấy!”.

Ông anh rất thương em, không dằn vặt trách móc gì, chỉ nhắc ông Mười Hương phải hết sức giữ gìn, cẩn thận, bọn mật thám chưa chịu đâu, chúng vẫn thường xuyên theo dõi đấy.

Biết ông Mười Hương có thể được tha, nhóm trung kiên dặn dò ông Mười Hương ra ngoài phải tiếp tục hoạt động ngay, không được nản chí. Khi ông Mười Hương sắp ra khỏi nhà giam, riêng hai ông Nguyễn Thọ Chân và Lê Toàn Thư viết sẵn hai lá thư, một lá giới thiệu ông Mười Hương với Thường vụ Trung ương Đảng và một lá báo cáo với Trung ương về sự phản bội của tên Quát. Lúc trao thư cho ông Mười Hương, ông Nguyễn Thọ Chân căn dặn, khi nào thoát hiểm nhớ tìm về quê của ông là làng Đông Mỹ, huyện Thanh Trì nay là ngoại thành Hà Nội và tìm mọi cách liên lạc với Đảng để tiếp tục hoạt động. Phút chia tay thật là bịn rịn và chưa hiểu tương lai sẽ ra sao.

Giấu kỹ hai lá thư trong người, ông Mười Hương rất xúc động trước sự quan tâm của nhóm trung kiên và các bậc đàn anh đã gắn bó với nhau hơn một năm vừa qua. Lúc ấy, ông Mười Hương cũng chưa hình dung được những lá thư ấy “thiêng” đến mức nào. Đối với ông Mười Hương còn biết bao tình huống bất ngờ, nguy hiểm, thử thách chưa lường hết, cũng như những cám dỗ ở phía trước.

Ông Mười Hương ra khỏi hỏa lò, nhưng hai ông Lê Toàn Thư, Nguyễn Thọ Chân cùng một số nữa thì Pháp đầy ra ngoài Côn Đảo, mãi sau Cách mạng Tháng Tám mới được rước về đất liền.

(Còn nữa)

Trần Giang

Lê Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy