Trần Quốc Hương - Nhân cách và kỳ tích (Phần I - II)

Ông Mười Hương được gia đình cho lên Hà Nội học Trường Trung học Puginier. Đây là trường do Nhà Dòng quản lý. Học sinh vào trường này, nhất là học sinh từ các tỉnh nhỏ lên học, phần nhiều con nhà khá giả.

II

Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tung quân với lực lượng hùng hậu, vũ khí hiện đại, tiến chiếm Ba Lan - Chiến tranh Thế giới thứ hai chính thức bùng nổ và ngày càng lan rộng khắp thế giới. Rồi phát xít Đức tiến công, chiếm đóng một loạt nước ở châu Âu, trong đó có cả nước Pháp là nước đang cai trị và bóc lột nhân dân nước ta.

Tháng 9/1940, phát xít Nhật nhảy vào xâm chiếm Đông Dương. Lúc này Thầy Luống đưa cho ông Mười Hương xem cuốn sách bằng tiếng Pháp “Chiến tranh châu Á và sự bành trướng của Nhật”, nhờ vậy nhận thức về tính chất cuộc chiến tranh thế giới của ông thêm vững vàng.

Chiến tranh chưa diễn ra trên toàn đất nước ta, nhưng tình hình mọi mặt của xã hội đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh, nhộn nhạo lắm, từ cuối tháng 9/1940 đến giữa tháng 1/1941, đã có mấy nơi như Bắc Sơn thuộc tỉnh Thái Nguyên; hầu hết các tỉnh ở Nam Kỳ; rồi Đô Lương thuộc tỉnh Nghệ An, nhân dân và binh lính nổi dậy khởi nghĩa chống Pháp – Nhật.

Ông Mười Hương được gia đình cho lên Hà Nội học Trường Trung học Puginier. Đây là trường do Nhà Dòng quản lý. Học sinh vào trường này, nhất là học sinh từ các tỉnh nhỏ lên học, phần nhiều con nhà khá giả.

Trường không có ký túc xá. Được gia đình chu cấp, thời bấy giờ ông sống ở “pô-pốt” (popote), một kiểu nhà trọ tự lập, do một số người cùng góp tiền thuê nhà, góp gạo thổi cơm chung. Đó là gian nhà gác số 6 phố Công sứ Miribel (nay là phố Trần Nhân Tông), gần Chợ Hôm.

Ông tham gia phong trào Hướng đạo ở Hà Nội, thường có những buổi sinh hoạt chung với các đội khác trong thành phố. Ông cũng hăng hái tham gia dạy truyền bá quốc ngữ, một phong trào do Đảng Cộng sản Đông Dương có sáng kiến sáng lập từ hồi vận động Dân chủ năm 1937, nay vẫn còn hoạt động nhưng không rầm rộ như xưa. Tuy nhiên, chất “men cách mạng” manh nha từ Phủ Lý, nẩy nở nhanh chóng là nhờ ông sống trong môi trường “pô-pốt” này. Tại đây có hơn 10 người, phần lớn là sinh viên, công chức nghèo, làm ở nhiều công sở khác nhau, chỉ có ông là ít tuổi nhất. Trong số người đó, đầu năm 1942, ông được kết bạn gần gũi với Thôi Hữu (tên là Nguyễn Đắc Giới, còn gọi là Giới Xồm), Phạm Triều. Cả hai anh đã tham gia phong trào dân chủ năm 1936-1939, vì thực hiện bãi khóa ở Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế, cho nên hai anh đã bị bọn cầm quyền đuổi học.

Ông Thôi Hữu lớn hơn ông Mười Hương sáu tuổi, đã tốt nghiệp thành chung và có nghề thợ điện vững vàng. Ra Hà Nội ông Thôi Hữu làm thợ điện cốt che mắt để hoạt động. Tuy ở Hà Nội nhưng ông vẫn viết bài cho Tạp chí Bạn Đường, do phong trào Hướng đạo Thanh Hóa khởi xướng và tổ chức: Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Thanh Hóa đưa người vào chỉ đạo (ông Nam Mộc làm Giám đốc, Trần Điền làm quản lý, số 1 ra tháng 1/1942). Nhờ vậy, tờ báo sớm có ảnh hưởng trong tầng lớp trí thức công chức ở Bắc Trung bộ, ra tới Hà Nội. Trước tạp chí Bạn Đường này, ở Thanh Hóa cũng đã phát hành tờ Bạn Đường số đầu tiên ra 15/3/1939 và số cuối cùng ngày 24/1/1942, do Trần Điền làm Chủ nhiệm. Hồi còn ở Thanh Hóa, các ông Trần Mai Ninh, Thôi Hữu đã cộng tác với tờ báo này.

Năm 1943, lúc cùng hoạt động với nhau ở ATK, ông Mười Hương mới được ông Thôi Hữu cho biết, sau khi trốn khỏi nhà tù ở Daklây (Tây Nguyên) về Huế và Thanh Hóa, nhà thơ Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) tìm gặp được ông Thôi Hữu, vốn đã cùng hoạt động với nhau từ phong trào 1936-1939, hai người trao đổi thấy rằng Thanh Hóa và miền Trung đang đứt liên lạc với Trung ương Đảng, gặp nhiều khó khăn, Thôi Hữu có nghề điện, có thể dùng nghề đó làm cớ ra Hà Nội kiếm ăn, nhưng thật ra là để tìm cách nối lại liên lạc với Trung ương Đảng, nghe nói Trung ương đã được tăng cường và đang ở vùng chung quanh Hà Nội.

Ông Thôi Hữu đã có vợ là cháu đồng chí Tô Hiệu, một chiến sĩ cộng sản, hoạt động cách mạng ở Hải Phòng, rất hăng hái, dũng cảm, bị Pháp bắt, đưa đi giam ở nhà tù Sơn La. Không chịu được cảnh tra tấn đầy đọa, đồng chí Tô Hiệu mắc bệnh ho lao và đã hy sinh tại đó.

Ông Thôi Hữu quen biết rộng rãi. Nhiều người hoạt động trong phong trào truyền bá quốc ngữ, phong trào Dân chủ hay tìm đến pô-pốt gặp ông Thôi Hữu, như ông Lê Tất Đắc, người Thanh Hóa. Cả ông Nguyễn Tạo, người Nghệ Tĩnh, một nhà cách mạng nổi tiếng trốn tù về, cũng hay đến trò chuyện với ông.

Ông Thôi Hữu là cán bộ làm công tác địch vận dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Khi ông Thụ bị Pháp bắt và xử bắn ở Hoàng Mai, thì bộ phận binh vận này chuyển sang đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp điều hành. Địa bàn hoạt động của ông Thôi Hữu rất rộng, khi thì ở ngoại thành Hà Nội, lúc lại vọt lên Việt Trì (Phú Thọ), Tông (Sơn Tây) là những nơi có nhiều đơn vị quân đội của Pháp đóng, để bắt liên lạc với những người có cảm tình với cách mạng Việt Nam đang ở trong quân đội lê dương của Pháp.

Ông Phạm Triều thì chỉ chí thú chăm lo học cho giỏi, sau này anh thi đỗ Kỹ sư Đông Dương và có thời gian làm Giám đốc Sở Công chính Hà Nội.

Thời gian ở đây, ông Mười Hương làm quen với ông Nguyễn Hữu Đang đã tốt nghiệp Trường Sư phạm và làm Thư ký Phủ Toàn quyền, một người hoạt động rất hăng hái trong phong trào Truyền bá quốc ngữ do Cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng. Cụ Tố rất tin cậy Nguyễn Hữu Đang, đưa vào Ban Tu thư của Hội Truyền bá quốc ngữ.

Cũng tại “pô-pốt” này, qua tuyên truyền, thử thách ông Mười Hương được ông Nghiệp (tức Xuân Trường, sau này có lúc làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Bình), ông Luyến (tức Dân sau này ở Bộ Xây dựng), giới thiệu và kết nạp vào Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu (bí danh của Thành phố Hà Nội), một đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh, lúc đó đã phát triển khá mạnh và rộng; cùng sinh hoạt và hoạt động với các đoàn viên cứu quốc đang học ở nhiều trường khác, như các anh Đỗ Xuân Hạc (em Luật sư Đỗ Xuân Sảng), Luyến, Hợi, Oánh...

Pô-pốt số 6B phố Công sứ Miribel trở thành một cơ sở tụ tập của nhóm hoạt động cách mạng theo đường lối chủ trương của Việt Minh tại Hà Nội, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Tháng 6/1941, sau khi chiếm đóng một loạt nước Tây Âu, trong đó có nước Pháp (tháng 5/1940), phát xít Đức xua quân tiến vào lãnh thổ Liên Xô, đang là thành trì của cách mạng thế giới. Các báo chí công khai thường đưa tin quân Đức chiếm được hết nơi này, nơi khác của Liên Xô, tỏ ra quân Đức rất mạnh.

Cùng với việc khai chiến đánh nhau với Anh, Mỹ (tháng 12/1941), tiến công chiếm đóng một số nước ở Đông Nam Á, phát xít Nhật mở rộng cuộc xâm lược trên đất nước Trung Quốc rộng mênh mông. Liên Xô đã cùng với các nước Mỹ, Anh và các nước khác liên kết thành phe đồng minh chống phe phát xít Đức – Ý – Nhật. Mặt trận Việt Minh của Việt Nam tuyên bố đứng về phe đồng minh chống trục phát xít. Thường xuyên trên truyền đơn, báo của Tổng bộ Việt Minh lên tiếng ủng hộ cuộc kháng chiến của Hồng quân Liên Xô và của nhân dân Trung Quốc, vạch các tội ác của quân phát xít đối với nhân dân các nước bị chúng chiếm đóng và khẳng định phe phát xít vì tính chất phản nhân loại của chúng, thế nào chúng cũng bị diệt vong, các nước bị chúng chiếm đóng sẽ được giải phóng, chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về các nước đồng minh trong đó có Liên Xô, Trung Quốc.

Đang học năm thứ hai trung học, chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng dâng cao lôi cuốn, ông Mười Hương bỏ học, đi làm thợ in cho báo Tin Mới. Ông Mười Hương đi vào nghề này với sự hướng dẫn chỉ bảo của ông Kiên làm ở Báo Thanh Nghị phố Hàng Da và ông Nguyễn Văn Phổ, con ông Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà báo nổi tiếng, đang làm ở nhà in Trung Bắc. Ông Mười Hương quen với ông Nguyễn Văn Phổ từ lúc cùng tham gia trong phong trào Hướng đạo.

Do hoạt động hăng hái, ông Mười Hương được cấp trên cử vào Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc thành phố Hà Nội. Phạm vi sinh hoạt và hoạt động của ông Mười Hương rộng hơn.

Giữa tháng 1/1942, nhóm Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu ở pô-pốt số 6 phố Công Sứ Miribel nhận được Báo Cứu Quốc, Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, số 1 ra ngày 15/1/1942. Anh em truyền tay nhau say xưa đọc bài kêu gọi mở đầu, đăng trên trang nhất của báo.

“Hỡi các giới sĩ, nông, công, thương, binh!

Hỡi các đoàn thể cứu quốc!

Hỡi toàn thể đồng bào mất nước Việt Nam!

“Đã 80 năm, Tổ quốc kính yêu mất quyền độc lập, sa vào vòng nô lệ của giặc Pháp tham tàn.

“Đã 80 năm, dân tộc Việt Nam phải mang trên trán vết quốc sỉ nhuốc nhơ mà máu đào của bao nghĩa sĩ anh hùng tới nay vẫn chưa rửa sạch.

Giờ đây, quốc sỉ tăng thêm nhục nhã, quốc thù tăng thêm căm hờn; giờ đây giang sơn tiên tổ lại thêm giặc Nhật chà đạp, tấm thân trâu ngựa lại bị thêm một lần áp bức đọa đầy. Nhật khai chiến với Anh, Mỹ, lôi cuốn xứ sở ta vào vòng khói lửa binh đao”.

“Trước cảnh tượng nước mất, nhà tan thê thảm, Cứu Quốc, Cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh ra đời, thống thiết kêu gọi toàn quốc đồng bào mau hợp sức cùng lòng đánh đuổi Pháp Nhật, rửa nhục cho non sông, đưa Tổ quốc tới chốn vinh quang độc lập”.

“Cứu quốc sẽ giãi bầy nỗi lầm than thống khổ của muôn dân.

Cứu quốc sẽ nêu cao những ý muốn thiết tha của trăm họ.

Cứu quốc sẽ là người chỉ lối trung thành cùng đồng bào cùng tiến lên trên đường giải phóng dân tộc...”.

“Toàn thể đồng bào yêu nước hãy tận tâm ủng hộ Cứu Quốc về mọi phương diện, hãy cương quyết tiến lên dưới bóng cờ sắc đỏ sao vàng.

Đánh đổ giặc cướp nước Pháp Nhật!

Đánh đổ giặc bán nước thân Pháp, thân Nhật!

Việt Nam độc lập tự do muôn năm!”

Cũng trong số này, bài Chính sách Việt Minh hợp quần cứu nước, phân tích rõ thêm tình hình đất nước và nói rõ nhiệm vụ “Toàn thể đồng bào mất nước rên rỉ dưới ách Pháp, Nhật phải đặt nhiệm vụ cứu nước lên trên mọi sự, phải hợp sức đồng lòng cứu nước ra khỏi kiếp tôi đòi nô lệ, đòi độc lập, không phân biệt giai cấp và đảng phái, không phân biệt dân tộc và tôn giáo, cùng tham gia Mặt trận Việt Minh.

“Các đoàn thể trong Việt Minh vẫn riêng rẽ, vẫn có quyền theo chủ nghĩa của mình, nhưng nhất định phải tuân theo chương trình, điều lệ của Việt Minh, nhất định không được hành động điều gì trái ngược với chủ trương của Việt Minh, có hại cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.

“Đứng trước hai kẻ thù Pháp, Nhật, toàn quốc đồng bào phải hợp sức cùng lòng. Đó là thứ vũ khí mãnh liệt nhất đánh đuổi giặc cướp nước ra khỏi bờ cõi Việt Nam”.

“Vận động toàn quốc đồng bào liên hiệp lại, đó một điểm quan trọng trong chính sách của Việt Nam độc lập đồng minh vậy”.

Giữa tháng 10 năm 1942, nhóm của ông Mười Hương lại tiếp nhận Báo Cờ Giải Phóng, Cơ quan tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, số 1 ra ngày 10/10/1942, trong đó có bài phân tích về chính sách cải cách lừa bịp của Pháp, dưới ký tên Trường Chinh.

Bài báo viết: “Tháng 7 tây (1942) trong cuộc Hội nghị ở Đà Lạt gồm các Thủ hiến các xứ và bọn Thượng thư Nam Triều, Ai Lao, Cao Miên tham dự, và trong cuộc hội nghị Liên bang Đông Dương ở Sài Gòn, Toàn quyền Đông Dương có ra một bản nghị án định lập lại các Hội đồng “dân cử” như các Viện Dân biểu đã bị giải tán ngay từ khi Pháp mới đánh nhau.

Tại sao giặc Pháp lại dự định như trên? Chúng nhìn nhận quyền lợi của nhân dân ta? Chúng trở lại chế độ dân chủ? – Không. Chúng chỉ muốn thi hành một chính sách lừa phỉnh, xỏ lá, để chia rẽ mặt trận thống nhất chống Pháp, Nhật.

“Từ khi chiến tranh, đế quốc Pháp đã làm nhiều điều mất cảm tình với nhân dân Đông Dương, cả với tầng lớp tư sản, địa chủ bản xứ. Chúng đã giải tán các Viện Dân biểu, chỉ giữ lại ban trị sự và biến nó thành hội đồng tư vấn hẹp hòi. Chúng đã bãi bỏ “Đại hội nghị kinh tế và lý tài Đông Dương”; hơn nữa chúng giải tán cả Hội đồng làng. Đồng bào tư sản, địa chủ và tiểu tư sản trước kia còn có chỗ ăn chỗ nói đôi chút nay tự cảm thấy bị gạt bỏ. Họ mất tin Pháp từ khi Pháp bại trận bao nhiêu thì ngày nay họ chán ghét chính sách chuyên chế của phát xít Pháp bấy nhiêu. Nên một phần họ đã ngả về phe cách mạng, một phần do dự, còn một số ít quay ra thân Nhật.

Thấy thế, giặc Pháp sợ mất vây cánh. Nên gần đây chúng phải “xét lại” chính sách phát xít hóa Đông Dương của chúng. Về kỹ nghệ, chúng tung ra khẩu hiệu “kỹ nghệ hóa Đông Dương”. Chúng làm cho các bậc phú hào bản xứ tưởng có thể nhân lúc chiến tranh trở thành các nhà đại kỹ nghệ rồi bỏ vốn ra mở mang mấy thứ kỹ nghệ nhẹ, phụ thuộc như ép dầu, làm giấy, ươm tơ, kéo sợi, làm giày vải... để cung cấp cho nhu cầu trong xứ.

Về chính trị, giặc Pháp định dựng lại các Viện Dân biểu trò hề để lôi kéo hạng “thượng lưu” đại biểu cho tư sản, địa chủ bản xứ, làm cho hạng này hợp tác với chúng, nghĩa là giúp chúng đàn áp cách mạng dân tộc giải phóng và “vui lòng” nộp thuế cho chúng mỗi ngày một nhiều!

Những cuộc “cải cách chính trị” mà bọn phát xít Pháp đương dự định cũng như kế hoạch “kỹ nghệ hóa Đông Dương” của chúng sẽ không thể mang lại cho chúng những kết quả mong muốn. Vì sao thế? Vì 70, 80 năm nay sống dưới ách của giặc Pháp, nhân dân Đông Dương cả giàu lẫn nghèo, đều nhận thấy những tiếng “Pháp – Việt đề huề”, “cải lương, cải cách” của Pháp là giả dối. Thanh niên trí thức, con cái nhà tư sản, địa chủ bản xứ học giỏi đến mấy cũng không được dự quyền hành chính và lập pháp trong nước. Những sinh viên trường luật thi ra làm quan, chẳng qua cũng chỉ làm đầy tớ vô quyền của Pháp, Nhật. Hay nói cho đúng, họ chỉ có quyền ăn hối lộ, phá cách mạng, bắt cướp và canh đê.

Gần đây, Pháp tuyên bố mở “ngạch bản xứ” cho dân Đông Dương “tham dự quyền chính”, công chức bản xứ được làm chủ sự... Nhưng sự thực những công chức ta dù sao cũng chỉ làm tay sai của bọn chủ sự người Pháp...

Giặc Pháp mồm nói cải cách, nhưng sự thực cứ vâng lệnh Nhật cướp thóc, cướp ruộng của nhà giàu, tăng thuế cũ, lập thuế mới, bóc lột họ và đồng bào họ ngày một thậm tệ. Càng ngày các bậc phú hào Đông Dương càng nhận rõ đế quốc Pháp cũng như đế quốc Nhật, chẳng qua chỉ là bọn ăn cướp, lừa bịp giết người cho nên mặc dầu giặc Pháp “cải cách chính trị”, mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp, Nhật cứ ngày một rộng rãi và bền chặt thêm. Vì chỉ có bắt tay thợ thuyền, dân cày, tiểu thương, tiểu chủ, làm cách mạng đánh đuổi Pháp, Nhật, dựng lên một xứ Đông Dương cộng hòa, thì đồng bào tư sản, địa chủ mới thật có quyền và khỏi bị cướp của”...

Những bài viết trên Báo Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng, với lời văn trong sáng, thống thiết, ý tứ rất rõ ràng, lôi cuốn người đọc, giúp cho nhóm Thanh niên trong pô-pốt nâng cao nhận thức chính trị, thấy rõ âm mưu thâm độc của bọn phát xít Pháp, Nhật, chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh, họ càng thêm tin tưởng và hăng say hoạt động. Anh em còn trao đổi và hỏi nhau cây bút Trường Chinh là ai? Sao mà viết hay thế! Tên tác giả Trường Chinh ký dưới những bài xã luận trên Báo Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng gây cho anh em ấn tượng thật mạnh!

Ông Mười Hương được bạn bè giới thiệu với ông Vy (Nguyễn Lam) đang công tác ở Thành ủy Hà Nội, nhưng thật tiếc, chỉ ít lâu sau, ông Vy bị địch bắt. Mối liên lạc mới này của ông Mười Hương với Thành ủy lại bị đứt.

Đầu tháng 11/1942, sắp tới ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội, nhóm Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu số 6 phố Công sứ Miribel, chia thành nhiều tổ nhỏ, mỗi tổ hai người, đi rải truyền đơn và treo cờ ở một số địa điểm trong thành phố. Sau khi đi điều tra nghiên cứu chu đáo nhiều lần, ông Mười Hương và một anh bạn là Dương Đình Hợi, học năm thứ tư trường Thăng Long, trên ông Mười Hương hai lớp, được phân công thực hiện treo cờ Búa Liềm trên một cây bàng ở vườn hoa nhỏ, hình tam giác chéo trên đường Phùng Hưng, giáp đường xe lửa chạy trên nền đất cao. Người bạn đứng gác, còn ông Mười Hương leo lên treo cờ. Đúng lúc ông Mười Hương đang loay hoay buộc cờ thì hai tên cảnh sát đi tuần xuất hiện và xuống xe đạp, bước vào vườn hoa. Ông vội nhanh chóng thu cờ, nhảy xuống và chạy trốn, theo các ngõ ngách về Thư viện thành phố ở đường Trường Thi. Người bạn cùng tổ ông thấy động cũng chạy thoát.

Ông giấu lá cờ trên thùng nước giặt, để trên cao nhà cầu tiêu công cộng của Thư viện, rồi lững thững ra về. Nằm đọc sách một lúc, nghĩ tiếc lá cờ ông lại mò đến Thư viện lấy lại và đem về, giấu trong hòm đựng quần áo của mình.

Chẳng ngờ, trong những tổ rải truyền đơn có người bị cảnh sát bắt quả tang, đưa về bốt, khai thác, buộc phải nói ra chỗ ở của cả nhóm.

Thực ra thì Pháp đã được mật báo về cái pô-pốt này rồi, chúng đã cảnh giác, nhưng đang theo dõi, chưa ra tay phá ngay.

Mật thám huy động lính đến bao vây, lục soát và bắt luôn hầu hết những người mà chúng đã có danh sách nghi vấn ở ngôi nhà này, trong đó có cả người cùng đi treo cờ với ông Mười Hương. Ông Mười Hương cũng bị bắt vì trong hòm của cá nhân ông chúng thấy có lá cờ và có người đã khai ra ông.

Hôm đó, ông Thôi Hữu đi công tác vắng, cho nên đợt ruồng bố này, ông chưa bị bắt. Sau khi bắt được một số người trong pô-pốt, mật thám tiếp tục bố trí cài bẫy ở đây, thường xuyên ngày đêm cho nhân viên phục sẵn mấy tháng liền, tới khi chúng bắt được ông Nghiệp (tức Xuân Trường) đang lớ ngớ tìm về cơ sở cũ, chúng mới rút quân.

Đợt khủng bố này, do có người của ta đầu hàng phản bội, khai báo, cho nên Pháp bắt khá nhiều cán bộ cấp Thành phố, quần chúng cốt cán và phá được một số cơ sở của ta.

Tuy nhiên, chiếc “máy in” giấu kín ở phòng bên cạnh chúng không tìm thấy. Gọi là “máy in”, thực ra nó chỉ là cái khuôn in do ông Kiên, thợ nhà in chế ra, còn chữ in bằng chì, thì ông Mười Hương, ông Kiên lấy ở xưởng mỗi ngày một ít mang về, tích lũy dần. Nó còn rất nhỏ, chỉ in được truyền đơn, phục vụ cho yêu cầu Thành ủy. Có thể nói “máy in” này là một trong những chiếc thuộc “thế hệ tổ tiên” của Nhà in Trần Phú sau này, hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội.

(Còn nữa)
Trần Giang

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy