Tiếp theo kỳ trước
|
Tiếp theo kỳ trước
|
Chương Mười Hai: Tất cả để chiến thắng
Trong chiến dịch này công tác chính trị đã có nhiều tiến bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đánh lớn. Khó khăn về tiếp tế buộc phải tính toán chặt chẽ số người ở tiền tuyến. Nhưng một lực lượng đông đảo các văn nghệ sĩ, các đoàn văn công đã có mặt hợp thành một binh chủng đặc biệt trong đội hình chiến dịch. Tổng cục Chính trị đưa theo cả một bộ phận nhà in.
Báo Quân đội nhân dân ấn hành đều kỳ ngay tại mặt trận, truyền đạt mọi chủ trương của lãnh đạo, phản ánh các trận đánh kịp thời, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ. Chúng ta đã có những bài hát, bài thơ được sáng tác ngay tại mặt trận, những thước phim tư liệu quý giá dành cho lịch sử. Văn công biểu diễn tại chiến hào, trong hầm pháo, hát cho bộ đội ở vị trí tiền tiêu nghe qua máy điện thoại. Truyền đơn vận động binh lính địch được tán phát vào tận trong khu trung tâm. Cuối tháng Tư, ta đã xây dựng xong một hệ thống loa truyền thanh chung quanh tập đoàn cứ điểm, thường xuyên tác động vào tư tưởng binh lính đang sống trong "địa ngục trần gian". Anh em còn có sáng kiến làm những bè chở biểu ngữ địch vận, tranh cổ động, thả trôi theo dòng sông Nậm Rốm để những hình ảnh này đập vào mắt quân địch. Bộ phận văn công vừa đi dự Đại hội liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới ở Bucarét về, biểu diễn hay hẳn lên. Tôi hỏi đội trưởng Lương Ngọc Trác vì sao diễn viên múa của ta có những tiến bộ khác hẳn. Anh cho biết khi qua Liên Xô, một nghệ sĩ nhân dân của bạn dự buổi đoàn ôn tập, đã cảm ơn vì được xem những điệu múa dân tộc Việt Nam độc đáo chỉ tiếc là các nghệ sĩ của ta còn thiếu thể hiện tình cảm với người xem, nếu có, những điệu múa này sẽ hay hơn rất nhiều. Nhờ vậy, trong chiến dịch này, bộ đội được thưởng thức những điệu múa đẹp với những ánh mắt, nụ cười! Sự sâu sát đặc biệt của cán bộ tham mưu, chính trị đối với các đơn vị tham chiến là kết quả của đợt chỉnh huấn mùa hè. Các phái viên đã cùng cán bộ cơ sở giải quyết những khó khăn tại chỗ, cũng như kịp thời báo cáo mọi mặt tình hình với Đảng ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận. Những đồng chí lãnh đạo ngành hậu cần luôn luôn ở trên mặt đường.
Thời tiết đột ngột thay đổi với những trận mưa như trút nước. Chúng tôi rất lo cho bộ đội phía tây sống tại trận địa chiến hào giữa cánh đồng. Một hôm, sau một trận mưa lớn kéo dài, tôi gọi điện thoại cho 308 hỏi tình hình. Đầu dây, tiếng anh Vũ ồm ồm nhưng rành rọt:
- Báo cáo anh, nước đến ngang bụng bộ đội rồi!
Sau mỗi trận mưa, nắng lại dữ dội hơn. Không khí chiến trường oi ả, ngột ngạt, đe dọa bệnh tật kéo tới.
Cơ quan phải mời cán bộ địa phương lên hỏi về tình hình mưa nắng, lụt lội và những bệnh tật thường có trong mùa hè. Nhiều phái viên được cử đi nghiên cứu và giúp đỡ đơn vị cải thiện điều kiện sinh hoạt của bộ đội trong mùa mưa.
Anh Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y, cũng như những phái viên đã phản ánh với tôi về cuộc sống căng thẳng của bộ đội tại trận địa. Khi từ trên núi chuyển xuống cánh đồng, chưa ai nghĩ trận đánh sẽ kéo dài nên tổ chức đời sống còn mang tính tạm bợ. Những hầm ếch khoét bên bờ chiến hào không đủ chiều dài duỗi chân.
Bữa ăn thường là cơm vắt nguội lạnh, không có rau. Khói thuốc súng và xác quân địch ở những nơi giáp ranh giữa ta và địch không được thu dọn thường xuyên tạo nên sự ô nhiễm...
Trong một cuộc họp cán bộ, tôi nêu vấn đề cần bảo đảm sinh hoạt bình thường của bộ đội tại trận địa. Có ý kiến cho là chiến đấu vốn đã không bình thường, lần này chiến đấu tại chiến hào lại càng không bình thường, cho nên không thể có sinh hoạt bình thường ở trận địa. Tôi nói: Bộ đội chiến đấu liên tục năm tháng liền, chuyện không bình thường đã trở thành bình thường. Quân địch ở Mường Thanh bị bao vây chặt không thể rời khỏi hầm thì khó bình thường hóa sinh hoạt. Nhưng trận địa của ta thoáng rộng, liền kề với hậu phương. Ta vẫn có thể bình thường hóa sinh hoạt của bộ đội, như tổ chức cho anh em luân phiên về phía sau tắm giặt, cố tìm rau xanh, bảo đảm cho anh em ăn cơm nóng, uống nước nóng. Những điều này bộ đội đã làm được ngay trên đường hành quân. Việc tổ chức hầm ngủ cho sạch sẽ, nằm đủ duỗi chân, có cỗ bài túlơkhơ, sách báo cho anh em giải trí... đều là những việc hoàn toàn có thể làm được. Không bảo đảm sinh hoạt bình thường cho bộ đội để giữ gìn sức khỏe, sẽ không bảo đảm phương châm "đánh chắc tiến chắc" đi tới thắng lợi. Cuối cùng mọi người đều nhất trí.
Thương binh nặng tại mặt trận không thể chịu đựng được cuộc hành trình dài để trở về hậu phương trên những con đường máy bay đánh phá ác liệt. Họ cần được điều trị tại chỗ. Nhưng có những trường hợp hiểm nghèo, như vết thương sọ não, vượt quá khả năng của quân y. Sau đợt đầu chiến dịch, tôi đã đề nghị Trung ương đưa một số thầy thuốc giỏi nhất ra mặt trận. Điện về đúng lúc Bác cử một phái đoàn thay mặt Chính phủ lên thăm bộ đội, trong đoàn có bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Y tế, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Y tế. Anh Tôn Thất Tùng là bác sĩ phẫu thuật được coi là có đôi bàn tay vàng. Anh Tụng và anh Tùng sau đó đã ở lại. Các bác sĩ Triệu, Huấn, hiệu trưởng và hiệu phó trường quân y cũng đưa một số học sinh lên chi viện. Trong chiến dịch này, đội ngũ bác sĩ, y sĩ, hộ lý đã làm một công việc vượt rất xa sức mình. Quân y báo cáo mặc dù tình hình thuốc men rất khó khăn, nhưng khoảng 5.000 thương, bệnh binh có thể được trả về đơn vị trong chiến dịch.
Địch hy vọng kéo dài cuộc chiến bằng cách đánh mạnh vào các tuyến đường tiếp tế. Chúng biết rõ sau mỗi đợt tiến công, bộ đội ta lại phải chờ đạn, gạo từ hậu phương chuyển lên. Những quãng đường nằm bên sườn đèo cao, những đoạn dễ bị úng nước, những chiếc cầu trên đường độc đạo, trở thành túi bom. Ở tuyến hậu phương, Đèo Giàng trên đường từ Cao Bằng xuống, Đèo Cà từ Lạng Sơn về, Đèo Khế nối liền Thái Nguyên với Tuyên Quang, đèo Lũng Lô nối liền Yên Bái với Sơn La, là mục tiêu của những cuộc oanh kích. Trên tuyến chiến dịch, bom địch vẫn không ngừng trút xuống đèo Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo. Nhưng còn một tai họa khác là: mưa. Mưa biết khai thác nhược điểm của con đường hơn cả những tên giặc lái. Tất cả đường của ta đều hẹp và xấu, lại bị phá hoại trước đây, mới được khôi phục nhanh bằng cấp phối, ngay khi trời khô ráo xe cơ giới qua lại đã khó khăn. Mưa tạo thành những bãi lầy dài cả chục kilômét. Mưa dồn đất từ thành vại xuống phủ kín mặt đường. Có khi nó cuốn cả từng mảng đường bên sườn đèo xuống vực sâu. Quân địch đã biết rõ sức phá hoại của mưa đối với những tuyến đường tiếp tế. Ngay từ đầu chiến dịch, chúng đã đề ra làm mưa nhân tạo, nhưng chưa thành công. Mùa mưa tới sớm đã tiếp tay cho chúng.
(Còn nữa)
PV