Độc đáo nghi lễ bắn đại bác vang rền ở St Petersburg, Nga vào trưa hàng ngày

Cứ vào 12 giờ chưa, một loạt đại bác lại vang lên ở trung tâm thành phố St Petersburg. Đằng sau truyền thống cổ xưa này là gì và ai là người tạo ra nghi lễ đặc trưng này?

Độc đáo nghi lễ bắn đại bác vang rền ở St Petersburg Nga vào trưa hàng ngày
Nghi lễ bắn đại bác vào buổi trưa từ pháo đài Peter và Paul trong những năm 1970. Ảnh: Sputnik

St. Petersburg, thủ đô văn hóa miền bắc nước Nga, rất tự hào về truyền thống của thành phố. Các thế hệ người dân ở St. Petersburg luôn chăm chút duy trì các phong tục, nghi lễ có từ thời Sa hoàng. Một trong số đó là hoạt động bắn đại bác vào giữa các buổi trưa từ Naryshkin Bastion thuộc quần thể pháo đài Peter và Paul, một nghi thức được đề rõ trong hiến trương của thành phố thông qua năm 1998.

Du khách tình cờ đi pháo đài lúc 12 giờ trưa có thể thoáng chút sợ hãi, vì chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra nếu không được cập nhật thông tin từ trước. Tiếng đại bác vang rền, có thể nghe rõ nếu đứng từ Nevsky Prospekt. Trong điều kiện thời tiết đẹp, đứng cách xa từ 5-10 km vẫn nghe thấy tiếng pháo nổ.

Lịch sử hình thành: Khi xây dựng thành phố năm 1703, Peter Đại đế đã ra lệnh bắn đại bác từ pháo đài Peter và Paul mỗi ngày, nhằm đánh dấu thời khắc khởi đầu và kết thúc công việc mỗi ngày. Sau khi Peter Đại đế qua đời, hoạt động này cũng bị bãi bỏ.

Nghi lễ bắn đại bác hiện đại ở St. Petersburg bắt nguồn từ Hải quân. Năm 1819, Đô đốc Alexis Greig đưa ra quy định bắn đại bác hàng ngày ở Sevastopol, nơi đặt trụ sở căn cứ Hạm đội Biển Đen, với mục đích chính là đồng bộ hóa thời gian trên đồng hồ đặt ở tàu, cảng và cả nhà thờ. Greig là con trai của một sĩ quan hải quân và đã từng theo học chuyên ngành hải quân ở Anh.

Sau đó, ý tưởng này được nhân rộng ở nhiều thành phố cảng khác thuộc Nga, đặc biệt là Vladivostok và St. Petersburg. Riêng tại St. Petersburg, sắc lệnh của Bộ Hải quân ghi rõ loạt đại bác đầu tiên được bắn là vào năm 1865. Thời đó, đạn pháo được bắn đi từ một khẩu thần công được đặt ở sân sau tòa nhà chính quyền thành phố. Đến năm 1872, súng thần công được chuyển về pháo đài Peter và Paul Fortress, duy trì nghi thức bắn đại bác giữa trưa cho tới nay.

Sau cách mạng tháng 10 Nga năm 1917, đại bác chỉ được bắn theo dịp, thường là vào những ngày đặc biệt, có ý nghĩa trọng đại. Đến năm 1934, chính quyền Xô Viết bãi bỏ nghi thức bắn đại bác vào trưa hàng ngày. Nhưng truyền thống này một lần nữa được khôi phục vào năm 1957, khi St. Petersburg kỉ niệm 250 năm ngày thành lập thành phố. Nhẽ ra, việc này được làm sớm hơn, vào năm 1953, nhưng đã bị lùi lại do nhà lãnh đạo Joseph Stalin từ trần vào năm đó, đi kèm đó là quãng thời gian “phi Stalin hóa”.

Đúng ngày 23/6/1957, tiếng đại bác lại vang dền từ pháo đài Peter và Paul vào giữa trưa. Kể từ đây, nó trở thành nghi thức hàng ngày. Những vị khách danh dự của St. Peterburg đôi khi cũng được mời tới pháo đài để khai hỏa đại bác. Tổng thống Vladimir Putin từng thực hiện nghi lễ này vào ngày 8/1/2019. (Xem video dưới đây. Nguồn: Sputnik)

Quy trình và nghi thức bắn đại bác: Có hai khẩu pháo làm nhiệm vụ “trực chiến hàng ngày”, một khẩu khai hỏa chính thức, khẩu còn lại đóng vai trò dự phòng. Kể từ năm 1957 đến nay, nhà chức trách đã thay đổi một số chủng loại pháo chuyên làm nghi thức này. Hiện tại, đó là hai khẩu đại bác cỡ nòng 122mm, một là khẩu lựu pháo D-30 được sản xuất năm 1968, khẩu còn lại là lựu pháo D-30a, được đưa vào phiên chế năm 1978.

Đôi khi nghi thức được thực hiện với cả hai lựu pháo khai hỏa đồng loạt. Đó là vào những dịp lễ đặc biệt, như ngày lề quốc gia, hoặc đơn cử như ngày thành lập Đại học St. Petersburg. Năm 1987, từng có 21 loạt đại bác vang lên từ pháo đài Peter và Paul, để chào đón du thuyền Aurora quay trở lại sau quá trình duy tu, nâng cấp.

Vào 11 giờ chưa, sĩ quan điều hành sẽ kiểm tra đồng hồ và bắt đầu đếm ngược. Hai pháo thủ, thường là cựu sĩ quan và nhân viên Bảo tàng lịch sử St. Petersburg, sẽ bận đồ hải quân để thực hiện nghi lễ. Đạn pháo được lấy từ nhà kho ở Naryshkin Bastion và thông thường đạn được chế tạo từ thuốc súng không khói hoặc có khói (dùng cho mục đích trình diễn). 15 phút trước khi khai hỏa, các pháo thủ sẽ vào đúng vị trí, dù bất kể thời tiết ra sao. Khẩu pháo lựu thứ hai cũng được lên đạn sẵn, để đề phòng trường hợp khẩu thứ nhất khai hỏa bị xịt.

Ngày nay, nghi thức bắn đại bác giữa buổi trưa không chỉ diễn ra ở St. Petersburg, mà còn có cả ở thành phố lân cận Kronstadt, cũng như hai thành phố có lịch sử hải quân oai hùng là Sevastopol và Vladivostok.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo RBTH)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy