Xây dựng nông thôn mới bền vững

Sau 10 năm thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Một góc xóm 9, xã Hòa Hậu (Lý Nhân). Ảnh: Thế Trang

Xây dựng NTM thực chất là chương trình nhằm phát huy vai trò làm chủ của người dân, do người dân lựa chọn đóng góp công sức thực hiện và hưởng lợi trực tiếp. Cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước nhằm hỗ trợ, thúc đẩy huy động các nguồn lực đầu tư, khơi thông sức dân để dân biết, dân làm, dân kiểm tra trong quá trình xây dựng. Qua chương trình dần từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, điều hòa lợi ích, thành quả công cuộc đổi mới của người dân khu vực nông thôn.

Ở Hà Nam, chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp. Quá trình triển khai thực hiện đã có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở, sự đồng lòng, chung sức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chương trình đi đúng mục tiêu, lộ trình đã định. Một số địa phương đã có cơ chế riêng và chủ động bố trí ngân sách phù hợp dành cho chương trình, trong đó có ưu tiên nguồn lực cho thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Mộc Bắc (Duy Tiên) đã gắn chủ trương định hướng xây dựng NTM với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã. Mộc Bắc xác định mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của người dân làm trọng tâm nên luôn quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển  kinh tế, giảm nghèo; tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế hộ. Xã có cơ chế hỗ trợ thêm các xóm làm đường giao thông, rãnh thoát nước và xây tường rào theo đường trục chính ở các thôn. Khi chủ trương dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất được triển khai, Mộc Bắc có đề án và huy động nhân dân tham gia thực hiện.

Sau 10 năm xây dựng NTM, xã Mộc Bắc đã huy động được một nguồn lực không nhỏ từ sức người, vật chất ở địa phương. Nhân dân Mộc Bắc đã hiến 960 m2 đất, tháo dỡ 860m tường rào, đóng góp hơn 20 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn. Nhân dân Mộc Bắc còn góp tiền đổ bê tông đường trục chính nội đồng với chiều dài 1,5 km, kiên cố 3 kênh cấp 3 với chiều dài 2,4 km. Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cùng vào cuộc giúp hội viên làm kinh tế, cải tạo cảnh quan môi trường, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm… 

Theo đánh giá của UBND xã Mộc Bắc, phong trào chung sức thi đua xây dựng NTM đã tạo được sự đồng thuận tích cực của người dân, mang lại hiệu quả thiết thực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, hệ thống chính trị được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Nói như đồng chí Phạm Xuân Duy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mộc Bắc: Nếu không có sự tham gia thực hiện, giám sát của người dân, tất cả các chương trình nhà nước đầu tư ở nông thôn rất khó đạt kết quả cao.

Chia sẻ về những kết quả sau 10 năm xây dựng NTM ở nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận được những ý kiến đồng thuận cho rằng: Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, xác định rõ lộ trình, có giải pháp hiệu quả nên chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã đạt được những kết quả to lớn, tác động và làm thay đổi nông nghiệp, nông thôn. Chương trình đã huy động được nguồn kinh phí lớn, tạo đà, dẫn dắt cho việc thực hiện các mục tiêu lớn: Xây dựng làng, xã văn minh, sạch đẹp; kết nối hạ tầng nông thôn đồng bộ, nhất là thiết chế văn hóa ở cơ sở, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế; chuyển đổi phương thức sản xuất hướng tới phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Bản sắc văn hóa vùng miền, làng, xã được quan tâm giữ gìn, tinh thần dân chủ được phát huy. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và ngày càng hoạt động hiệu quả.

Trong giai đoạn 2011-2019, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM ở Hà Nam đã huy động được hơn 14.630 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương khoảng 3,4%, ngân sách tỉnh đầu tư 21,8%, ngân sách các huyện, thành phố đầu tư khoảng 5,8%, ngân sách xã 19,3%, nhân dân đóng góp 12,3%, số còn lại được huy động từ nhiều nguồn khác. Nhờ có nguồn lực đầu tư nên lộ trình xây dựng NTM được rút ngắn. Đến nay, tỉnh ta có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, 4/6 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hà Nam là một trong 5 tỉnh của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 và phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020” được tổ chức trong tháng 10/2019, đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sau 10 năm xây dựng NTM, nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình đã được triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực. Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân, người con Hà Nam sống xa quê. Xây dựng NTM là quá trình vận động liên tục, chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Do vậy, cần  tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được mà phải có nhận thức sâu sắc về bản chất, mục đích, ý nghĩa của chương trình, cần tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao mức chuẩn mới, tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu...

Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nam phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 20 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2025-2030, có 30% số huyện, thành phố đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hướng tới mục tiêu xây dựng NTM bền vững trong giai đoạn tới, tỉnh ta đề ra 11 giải pháp. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng NTM; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện ở các cấp, ngành trong tỉnh; bổ sung hoàn thiện quy hoạch xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng lớn; tập trung huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường, phát triển và nâng cao chất lượng công tác y tế, giáo dục, đào tạo…

Xây dựng NTM là quá trình lâu dài. Mỗi giai đoạn lại có thêm những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Biết chọn điểm mang tính đột phá, đầu tư tập trung, có cơ chế, chính sách kích cầu, khơi dậy nguồn lực tại chỗ của nhân dân là những bài học kinh nghiệm quý đã được đúc kết, rút ra và được coi là giải pháp cho tổ chức thực hiện trong giai đoạn tới.

Bích Huệ

Bích Huệ, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy