Kinh tế và tổ chức sản xuất được xem là nhóm tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao với 4 tiêu chí thành phần là thu nhập, hộ nghèo, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Những tiêu chí này phản ánh rõ mức sống, vấn đề việc làm và thu nhập của người dân có được cải thiện và nâng cao hay không. Xác định rõ điều đó, huyện Lý Nhân đã tích cực chỉ đạo các xã trên địa bàn tập trung triển khai các giải pháp để hoàn thành đạt chuẩn và nâng cao nhóm tiêu chí so với yêu cầu trong giai đoạn mới.
Trong nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, tiêu chí lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là 2 tiêu chí giữ vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực để các xã hoàn thành các tiêu chí còn lại là thu nhập và hộ nghèo. Theo đó, huyện Lý Nhân đã chỉ đạo các xã tập trung nguồn lực để từng bước hoàn thành các chỉ tiêu của 2 tiêu chí này.
Cụ thể là chỉ đạo các xã làm tốt công tác rà soát, nắm bắt nhu cầu, tình hình việc làm của người lao động; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế hộ; vận động, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã kiểu mới; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực.
Ngoài ra, hằng năm, huyện Lý Nhân đều chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá, bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng bảo vệ môi trường; duy trì, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển các ngành nghề có thế mạnh của địa phương như: dệt may, sản xuất gỗ, xây dựng...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến hết năm 2023, qua đối chiếu với Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025, huyện Lý Nhân đã có 20/20 xã đạt chuẩn tiêu chí thu nhập với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng; 15/20 xã đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo; 20/20 xã đạt chuẩn tiêu chí lao động, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%; 10/20 xã đạt chuẩn tiêu chí sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Mỗi năm, huyện thành lập mới 2-4 hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện một số mô hình liên kết phát triển sản xuất lúa, dưa… Những năm qua, các địa phương trong huyện cũng phát triển được những sản phẩm chủ lực, trong đó có nhiều sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao như: rượu nếp Hợp Lý, bánh đa nem làng Chều, cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, bưởi Chính Lý, trà đông trùng hạ thảo…
Theo bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân, thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, nhiều xã trên địa bàn huyện, trong đó có cả các xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2024 gồm Phú Phúc, Nhân Nghĩa, Chân Lý, Văn Lý, Nhân Mỹ đều đang gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, một số xã đã về đích NTM kiểu mẫu trong giai đoạn trước cũng chưa đạt chuẩn tiêu chí này theo quy định xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trong nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM năm 2024, huyện chỉ đạo các xã chú trọng ưu tiên thực hiện các tiêu chí về phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân như đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại; quan tâm phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương...
Là một trong 5 xã của huyện Lý Nhân đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2024, xã Chân Lý đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7/12 tiêu chí chưa đạt chuẩn, trong đó có 2/4 tiêu chí thuộc nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất là hộ nghèo; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Vì vậy, xã đang đẩy mạnh phát triển diện tích trồng dưa bao tử, hướng tới xây dựng mô hình sản xuất dưa bao tử theo hướng VietGAP; đồng thời hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP đối với sản phẩm bánh đa nem. Cùng với đó, phát triển mạnh diện tích trồng cây cỏ ngọt phục vụ chăn nuôi; xây dựng, mở rộng mô hình trồng cây dược liệu với tổng diện tích 8 ha bao gồm cây mạch môn, húng quế, bách bộ, thiên niên kiện với mục tiêu xây dựng cây dược liệu thành sản phẩm VietGAP…
Qua trao đổi với ông Vũ Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý được biết, thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, xã Chân Lý đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí trong nhóm. Cụ thể, xã thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại. Trong sản xuất nông nghiệp, xã tập trung nhân rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng đàn gia súc, gia cầm; duy trì sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa với tổng đàn lợn duy trì trên 21.000 con, tổng đàn gia cầm trên 180.000 con, sản xuất vụ đông hằng năm chiếm khoảng 40% diện tích đất 2 lúa.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm cho người lao động, xã Chân Lý đã thu hút trên 20 doanh nghiệp vào hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu lao động, đào tạo nghề may công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi cho người lao động địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ ngân hàng chính sách xã hội gần 28,7 tỷ đồng… Đến nay, nhiều chỉ tiêu trong nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất của xã đã đạt và vượt so với quy định. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt 72,5 triệu đồng, năm 2024 ước đạt trên 79,3 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện đạt 86,6%; tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn đạt 61%; xã có 6 HTX hoạt động hiệu quả…
Cũng như xã Chân Lý, các xã khác trên địa bàn huyện Lý Nhân đều xác định vai trò, ý nghĩa quan trọng của nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM, NTM nâng cao. Theo đó, các xã đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí trong nhóm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Với sự nỗ lực của các xã, huyện Lý Nhân đặt mục tiêu, năm 2024 có thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,46%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%; đến hết năm 2024 có 17 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao…
Nguyễn Oanh