Bình Lục quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Tín dụng ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở huyện Bình Lục những năm qua được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bình Lục phối hợp với UBND xã, thị trấn; các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) triển khai có hiệu quả 12 chương trình tín dụng.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn huy động tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đạt hơn 410 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2003. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là hơn 331 tỷ đồng, chiếm 80,7%, tăng hơn 304,8 tỷ đồng so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,4%/năm. Số dư nguồn vốn huy động đạt hơn 54,1 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn.

Để chuyển tải vốn TDCS đúng đối tượng, NHCSXH huyện đã ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội quản lý. Theo đó, các hội, đoàn thể của huyện luôn coi công tác ủy thác và xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng, tích cực vận động việc thành lập tổ TK&VV, đôn đốc ban quản lý tổ thực hiện theo nội dung hợp đồng ký kết, tham gia họp, giám sát các phiên giao dịch xã, giao ban cùng ngân hàng và kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ, sử dụng vốn vay. Triển khai các giải pháp củng cố, kiện toàn tổ, phối hợp kiểm tra và lập hồ sơ đề nghị xử lý những trường hợp nợ rủi ro.

Đến nay, toàn huyện có 256 tổ TK&VV, giảm 114 tổ TK&VV so với năm 2003, trong đó 96,1% tổ xếp loại tốt, khá; 2,7% tổ trung bình, 1,2% tổ yếu kém. Trung bình một tổ có 31 thành viên, dư nợ 1.598 triệu đồng/tổ.

Bình Lục quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Điểm giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội tại xã An Đổ (Bình Luc) được bố trí thuận tiện cho khách hàng.

Việc nhận ủy thác từ ngân hàng của các tổ chức chính trị - xã hội ở Bình Lục tính đến ngày 30/6/2022 đạt hơn 408,9 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ, tăng hơn 20 lần so với năm 2003. Trong đó, Hội Nông dân hơn 119,7 tỷ đồng với 2.305 hộ vay vốn, chiếm 29,3% thị phần ủy thác, dư nợ tăng 13,4 lần; Hội Phụ nữ hơn 136,5 tỷ đồng với 2.662 hộ vay vốn, chiếm gần 33,4% thị phần, dư nợ tăng 14,1 lần; Hội Cựu chiến binh hơn 89 tỷ đồng với 1.792 hộ vay, chiếm 21,7% thị phần, dư nợ tăng 50 lần; Đoàn Thanh niên dư nợ hơn 63,6 tỷ đồng với 1.205 hộ vay, chiếm 15,5% thị phần. 

Cùng với đó, từ năm 2003 đến nay, các điểm giao dịch xã trên địa bàn huyện đã phục vụ cho 168 nghìn lượt người, chiếm trên 96% tổng giao dịch của ngân hàng, trong đó tỷ lệ giải ngân đạt 100%, thu nợ 92%, thu lãi 99,3%. Toàn huyện có 61 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi. Trong đó, 16 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn và đã có 15,5 nghìn lượt hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 7,3 nghìn lao động và trên 7,8 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn. Nhờ vốn vay, toàn huyện đã xây dựng được 48,4 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 389 ngôi nhà hộ nghèo được xây mới; 181 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài…

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả TDCS, những năm qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã kiểm tra 500 lượt các xã, thị trấn, 442 lượt tổ TK&VV, 2.210 lượt hộ; các hội, đoàn thể kiểm tra hơn 1.300 lượt xã, thị trấn, trên 800 lượt tổ TK&VV và hơn 3.500 lượt hộ; NHCSXH huyện kiểm tra 452 lượt xã, 1.268 tổ TK&VV và 5.356 lượt hộ. Từ năm 2016 chủ tịch UBND các xã, thị trấn được bổ sung là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, từ đó phát huy vai trò quản lý toàn diện nguồn vốn ưu đãi. Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần làm giảm tỷ lệ nợ quá hạn của huyện chiếm 0,23% tổng dư nợ. Hiện toàn huyện có 11/17 xã, thị trấn không có nợ quá hạn, điển hình như các xã: Đồn Xá, Đồng Du.

Ông Lê Văn Thuấn, Chủ tịch UBND xã Đồn Xá cho biết: Những năm qua, xã làm tốt công tác đôn đốc nợ gốc, trả lãi đúng kỳ hạn. Hằng tháng, chủ tịch UBND xã duy trì giao ban với ngân hàng, các hội, đoàn thể, tổ TK&VV, định kỳ kiểm tra tại hộ vay vốn, nhờ vậy nhiều năm nay TDCS trên địa bàn xã không phát sinh nợ quá hạn. 

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của một số hội, đoàn thể cấp xã hiện chưa được quan tâm đúng mức trong việc nhận ủy thác vay vốn, chưa thực hiện đầy đủ theo hợp đồng ủy thác đã ký kết; năng lực của Tổ trưởng tổ TK&VV không đồng đều dẫn đến những sai sót, như: Hộ vay sử dụng vốn chưa đúng mục đích, sử dụng hồ sơ, sổ sách ghi chép chưa đầy đủ... Tuy nguồn vốn cho vay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hộ nghèo, các đối tượng chính sách, nhưng nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, lao động nông nghiệp còn rất lớn. Đặc biệt, mức cho vay tối đa một số chương trình còn thấp, đơn cử là chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bình Lục cho biết: Theo kế hoạch của huyện về TDCS những năm tới, nguồn vốn tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 8 – 10%; vốn ủy thác từ ngân sách huyện đến năm 2025 mỗi năm đạt từ 0,8 – 1,5 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 tăng từ 1,5 - 2 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm từ 8 - 10%; tỷ lệ thu lãi trên 99%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 100%, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,12%. Toàn huyện có 100% tổ TK&VV thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm, tỷ lệ tổ viên gửi tiền tiết kiệm hằng tháng đạt hơn 95%; trên 98% số tổ TK&VV, điểm giao dịch xã xếp loại tốt và khá. Lồng ghép hiệu quả giữa TDCS với các chương trình chuyển giao kỹ thuật, khuyến công, khuyến nông và hoạt động của các hội, đoàn thể nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy