Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao trách nhiệm trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, thực hiện các nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền… mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” được huyện Bình Lục triển khai thực hiện với những nội dung phù hợp tình hình thực tế của địa phương và đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, nhân dân.
Việc thực hiện mô hình được huyện xác định phải thực sự nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ông Trần Minh Hải, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bình Lục cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc thực hiện mô hình chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ các cấp trong huyện”, việc triển khai xây dựng mô hình đã được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành của huyện và xã, thị trấn thực hiện bài bản ngay từ năm đầu tiên. Trong đó, đã quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc phục vụ đón tiếp và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân; thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai nội quy, quy định, các mẫu biểu, các khoản phí, lệ phí, TTHC và công khai đầy đủ số điện thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, công chức tại trụ sở tiếp công dân của huyện và tại bộ phận “một cửa” cấp xã để người dân tiện liên hệ khi giải quyết TTHC. Tinh thần, thái độ và chất lượng giải quyết công việc của cán bộ, công chức được cải thiện tích cực, tạo lòng tin và sự hài lòng của đông đảo người dân.
Tại bộ phận “một cửa” của huyện và các xã, thị trấn đã lắp đặt camera giám sát, 28 điều hòa; 100% các xã, thị trấn đều có đầy đủ trang thiết bị phục vụ người dân đến giải quyết TTHC. Toàn huyện đã trang bị 38 máy scan và 372 bộ máy tính được kết nối internet, mạng nội bộ phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị; cấp 201 chứng thư số và 458 tài khoản cá nhân, 99 tài khoản của tổ chức để phục vụ nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính. Trong quá trình làm việc, cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã thực hiện “6 biết, 5 không, 3 thể hiện” (trong đó, “6 biết” gồm: biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết chia sẻ, biết xin lỗi và sửa lỗi, biết cảm ơn; “5 không” gồm: không hách dịch, cửa quyền; không quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân; không tham ô, lãng phí; không né tránh trách nhiệm; không chậm trễ giải quyết hồ sơ, công việc; “3 thể hiện” gồm: tôn trọng, văn minh, gần gũi).
Tuy không phải là đơn vị thực hiện xây dựng điểm mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, nhưng Đảng ủy, UBND xã Bình Nghĩa luôn xác định tập trung triển khai có hiệu quả mô hình trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng công vụ, tạo sự hài lòng của người dân về sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cũng như thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa cho biết: Để thực hiện được các mục tiêu này, xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; Đảng ủy xã đã thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng mô hình, thành lập ban chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình, thành lập tổ giúp việc ban chỉ đạo, tổ trợ giúp giải quyết TTHC. UBND xã cũng khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện mô hình; xây dựng Quy chế phối hợp giữa UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, xác định rõ trách nhiệm các bên trong việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất; khảo sát, lấy ý kiến hội viên, đoàn viên, thực hiện giám sát. Đồng thời, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức ký cam kết thực hiện và làm theo các nội dung mô hình đối với 100% cán bộ, công chức.
Tại Bộ phận “một cửa” xã niêm yết đầy đủ nội quy, quy định, mẫu biểu, thủ tục hành chính, mức phí, lệ phí theo quy định; xây dựng mẫu thư xin lỗi, thư cảm ơn, thư chúc mừng, thư chia buồn và phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân trước và sau khi thực hiện mô hình; phiếu lấy ý kiến của người dân, tổ chức để đánh giá, nhận xét đối với cán bộ, công chức khi giao tiếp, làm việc tại trụ sở. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” để người dân biết và cùng tham gia thực hiện. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng bộ phận chuyên môn, các nội dung của mô hình đã được triển khai thực hiện bảo đảm tính khả thi, đúng và trúng thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Mô hình được thực hiện và phát triển với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vì nhân dân phục vụ, từng bước chuyển chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Qua việc lấy phiếu đánh giá mức độ hài lòng khi đến giải quyết các TTHC tại xã, 100% người dân đều bày tỏ sự hài lòng, tin tưởng cao.
Quá trình thực hiện mô hình, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác tiếp dân và đối thoại với người dân theo quy định; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của người dân, tổ chức theo thẩm quyền, không để tồn đọng, kéo dài, vượt cấp; phân công cán bộ, công chức trực tiếp xuống địa bàn thôn để tham gia các hoạt động với nhân dân; lắng nghe ý kiến góp ý, giải quyết các vụ việc bức xúc, kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp ý kiến và thực hiện nghiêm túc việc tiếp thu, lấy ý kiến người dân, tổ chức đánh giá, nhận xét đối với cán bộ, công chức. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện, hành vi thiếu thân thiện khi tiếp xúc với người dân, tổ chức; có biện pháp xử lý đối với cán bộ, công chức thường xuyên bị nhắc nhở, bị người dân, tổ chức đánh giá thấp qua phiếu khảo sát.
Ở cấp huyện, các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa và công khai quy trình xử lý, giải quyết TTHC, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc và cơ quan chuyên môn trong giải quyết TTHC. Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến hết tháng 6/2023, cấp huyện đã tiếp nhận và giải quyết 4.925 hồ sơ; từ năm 2020 đến nay, cấp xã đã tiếp nhận và giải quyết 45.045 hồ sơ. Chất lượng giải quyết các TTHC được bảo đảm, khoảng 99,9% TTHC cấp huyện và cấp xã được giải quyết trước hẹn, đúng hạn.
Điều đáng ghi nhận qua thực hiện xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” là sự thay đổi tích cực về trách nhiệm, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và xã, thị trấn trong toàn huyện. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã thể hiện tinh thần làm việc gần gũi, thân thiện với người dân, tổ chức; trong quá trình giải quyết công việc thực hiện hướng dẫn, giải thích, giúp đỡ tận tình, chu đáo; thực hiện tốt văn hóa công sở… Để có được sự thay đổi đó, huyện chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương, quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo và đề nghị cấp có thẩm quyền cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ gắn với rèn luyện đạo đức công vụ. Qua đánh giá, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức xã được nâng cao rõ rệt, thể hiện rõ vai trò chủ thể trong tham gia thực hiện mô hình.
Với nhiều cách làm hay, mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” trên địa bàn huyện Bình Lục đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, được nhân dân đồng tình, ghi nhận. Qua thực hiện mô hình, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền được củng cố, tăng cường, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Trần Hà