Bình Lục đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 19/5/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ (TM - DV), trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 12), Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Lục đã ban hành Chương trình hành động phát triển TM - DV trên địa bàn với nhiều giải pháp trọng tâm và phù hợp với thực tiễn. Nhờ vậy trong những năm gần đây, hoạt động TM - DV của huyện Bình Lục đã có nhiều khởi sắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

La Sơn là một trong những xã của huyện Bình Lục được đánh giá có nhiều bứt phá về phát triển TM - DV trong những năm gần đây. Điều dễ nhận thấy nhất là trên tuyến đường trục chính của xã và các thôn, nhất là dọc hai bên Quốc lộ 37B đi qua địa bàn thôn Thượng Thụ, Trung Sơn, hàng quán mọc lên san sát với đa dạng các loại hình kinh doanh dịch vụ, thương mại như: Hàng tạp hóa, thuốc tân dược, cửa hàng hoa quả, hàng thời trang, đồ gia dụng, chăn, ga, gối, đệm… Đặc biệt, đối với các mặt hàng hóa, dịch vụ có giá trị lớn như điện thoại di động, xe máy, xe đạp điện, đồ điện tử, điện lạnh, đồ gỗ mỹ nghệ, dịch vụ làm đẹp, người dân trong xã hiện nay đã có thể sử dụng ngay tại địa bàn dân cư mà không còn phải lên trung tâm huyện hay sang các xã lân cận như Tiêu Động, An Lão để mua sắm như trước đây. 

Bình Lục đẩy mạnh phát triển thương mại  dịch vụ
Trên trục Quốc lộ 37B chạy qua xã La Sơn, các hộ dân phát triển mạnh kinh doanh hàng tạp hóa.

Xác định, phát triển TM - DV là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hàng năm, xã La Sơn đều chỉ đạo các thôn, tổ chức hội, đoàn thể tiến hành rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó khuyến khích, tạo thuận lợi để các hộ có lợi thế về giao thông, địa lý tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư mở cửa hàng kinh doanh, nhất là đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao như cửa hàng ăn uống, tạp hóa, dịch vụ làm đẹp, hàng thời trang. Cùng với đó, hỗ trợ các hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số, áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, bán hàng trực tuyến… Theo thống kê, trên địa bàn xã có gần 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể. Trong đó, có trên 100 hộ kinh doanh TM - DV, thu hút khoảng 350 lao động tham gia. Hoạt động TM - DV phát triển đã nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 lên trên 68 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã La Sơn khẳng định: Hiểu rõ những khó khăn, bất lợi khi địa phương không có làng nghề hay các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã La Sơn đã khai thác tối đa lợi thế về giao thông để phát triển TM - DV, góp phần để địa phương hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động. Đến nay, tỷ trọng ngành TM - DV đã chiếm 41% trong cơ cấu kinh tế của xã (tăng gần 6% so với năm 2016). Trong thời gian tới, tỷ lệ này sẽ còn tăng nhanh bởi nhiều hộ kinh doanh đang có hướng đầu tư mở rộng quy mô hoạt động và phát triển mạnh dịch vụ giao hàng tận nhà cho khách hàng đối với tất cả các mặt hàng hóa, kể cả đồ ăn uống. Bên cạnh đó, xã cũng đã thực hiện quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại và chợ trung tâm xã đặt tại vị trí trung tâm xã.

Được biết, để hoạt động giao thương, buôn bán diễn ra thuận lợi, thời gian qua, huyện Bình Lục đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông; củng cố, nâng cấp, xây dựng mới các chợ truyền thống; phát triển các dịch vụ tiêu dùng gắn với quảng bá, tăng cường chỉ dẫn địa lý các điểm tham quan, làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn như khu lưu niệm Cát Tường (thị trấn Bình Mỹ, từ đường Nguyễn Khuyến (xã Trung Lương), làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai (xã An Lão).

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp lĩnh vực TM- DV vào đầu tư. Do đó, số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Thống kê của phòng Kinh tế - Hạ tầng cho thấy, toàn huyện hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động ổn định trong lĩnh vực TM - DV, trong đó phát triển mạnh nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, tài chính - ngân hàng, lương thực, thực phẩm, điện tử, viễn thông. Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, hầu hết các chợ dân sinh trên địa bàn huyện đã được cải tạo, nâng cấp; trong số đó, có 5 chợ được xây dựng mới kiên cố, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của người dân. Bên cạnh đó, huyện Bình Lục cũng tích cực chỉ đạo phòng chuyên môn nắm bắt kịp thời biến động về giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại.

Bình Lục đẩy mạnh phát triển thương mại  dịch vụ
Chợ Phủ, thị trấn Bình Mỹ được đầu tư xây dựng mới kiên cố, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của người dân.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Lục cho biết: Tính riêng trong 9 tháng năm 2023, UBND huyện đã cấp, đổi giấy đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho 12 cơ sở. Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 154 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại. Qua đó, phát hiện 135 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 142 triệu đồng. Nhờ đó, thị trường hàng hóa trên địa bàn huyện lưu thông thuận lợi, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay biến động đáng kể về giá.

Để thúc đẩy hoạt động TM-DV phát triển, thời gian qua, huyện Bình Lục cũng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng, hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh; vận động các tổ chức, cá nhân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề… Nhờ đó, giai đoạn 2021-2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện bình quân đạt trên 8.700 tỷ đồng/năm. Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với tình hình khó khăn chung do tổng cầu thế giới sụt giảm mạnh nhưng hoạt động TM - DV trên địa bàn huyện vẫn duy trì đà tăng trưởng khá. Cụ thể, năm 2023, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện ước đạt 7.780,5 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 55 triệu USD, tăng 13,17% so với năm 2022.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Bình Lục sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển TM - DV thông qua việc triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại; xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ nông thôn, tạo mạng lưới kết nối các đô thị, các trung tâm thương mại, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa; tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, các khu nông nghiệp phục vụ du lịch trải nghiệm; xây dựng, triển khai kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác các chợ trên địa bàn huyện theo Quyết định 09/2020/QĐ-UBND ngày 20/4/2020 của UBND tỉnh Hà Nam… Phấn đấu đến năm 2025, lĩnh vực TM - DV chiếm tỷ trọng 36,2% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện (tăng trên 1% so với năm 2023).

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy