kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tự hào vùng đất Chương Lương

Tự hào vùng đất Chương Lương

Chương Lương (trước đây thuộc xã Phú Ích, tổng Vũ Điện, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân; nay thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân). Trải qua hàng trăm năm với những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo, tiêu biểu còn lưu giữ, giúp người dân Chương Lương thêm tự hào, tự tin, đoàn kết, quyết tâm đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương văn minh, tiến bộ.

Toàn cảnh đình Chương Lương.

Sự độc đáo của dải đất Chương Lương thể hiện trước hết ở ngôi đình làng cổ kính đã hàng trăm năm tuổi. Theo hồ sơ di tích của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đình Chương Lương thờ “Đệ Nhất Thiên Bường Đại Vương” (húy là Thiên Bồng), “Đệ Nhị Đồng Việt Cảm Ứng Đại Vương” (húy là Hồng Công), “Đệ Tam Đồng Soi Thành Nghị Đại Vương” (húy là Nghị Công) là ba vị tướng thời Hùng Vương, người con của vùng đất Phú Ích, Vũ Điện có công giữ nước, yên dân được vua ban sắc phong và nhân dân tôn kính, ghi ân làm bản cảnh thành hoàng.

Điểm độc đáo về các ngôi thờ ở đình Chương Lương là cùng với 3 vị thần trên, đình còn tôn thờ “Văn Chất Thập Bát Quốc Ổi Lỗi Tôn Thần”, một nhân vật kỳ tài của quê hương Phú Ích, người rất giỏi ca hát, diễn hề, diễn rối, đã từng được Hoàng đế nhà Minh giao phó trông coi việc ca hát, diễn hề, diễn rối của 18 nước chư hầu. Chính vì thế, ở gian bên phải tòa trung đình có một cỗ khám lớn, trong khám có 19 pho tượng, pho tượng chính giữa, cao nhất là “Văn Chất Thập Bát Quốc Ổi Lỗi Tôn Thần”, 18 pho tượng cùng thờ được xếp đặt theo ngôi thứ rất trang nghiêm, hài hòa hai bên là những nhân vật trong nghệ thuật rối cạn truyền thống tiêu biểu, đặc sắc với những sắc thái biểu cảm vô cùng sinh động, ấn tượng.

Đình Chương Lương còn phối thờ “Thiên Tiên Ngọc Hoa Công chúa” và “Thủy Tinh Công chúa” là hai vị thần luôn phù giúp dân chúng trong vùng chung sống bình yên, tránh mọi tai ương, bệnh dịch. Đình Chương Lương cũng là một ngôi đình hiếm thấy ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ khi phối thờ cả Khổng Tử cùng bốn học trò ưu tú của ngài, thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo", "khuyến học khuyến tài" của chức dịch và người dân nơi đây. Đình cũng là nơi tôn trí hương khói các vị tiên tổ của hai làng Phú Ích- Lương Khê, vốn là hai quê có mối quan hệ gắn bó thân thiết lâu đời.

Theo thần phả và truyền thuyết thì đình hai làng Phú Ích - Lương Khê đều thờ vị thần là thân mẫu hai ngài Hồng Công, Nghị Công, thể hiện rõ nét đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và cũng là để giữ gìn, tiếp nối mối giao hảo thân thiết, nhắc nhở con cháu không quên tổ tông, nguồn cội.

Về kiến trúc, đình Chương Lương xây cất theo phong cách kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thời Nguyễn và Hậu Lê. Theo các cụ cao niên trong làng, ngôi đình cổ Chương Lương hội tụ đầy đủ những yếu tố độc đáo về phong thủy, quy mô kiến trúc và cảnh quan. Đình tọa lạc trên khu đất hình long mã quay về phía tây. Dải đất phía cổng có hình tựa như hàm long mã, trước đình có đôi giếng nước cổ xưa được ví như đôi mắt long mã, sau đình có khu vườn vuông vức, cao ráo, từ lâu được lưu truyền là "miếng ấn".

Về kết cấu kiến trúc, đình Chương Lương xây dựng theo hình chữ tam (gồm ba tòa: tiền đường, trung đình, hậu cung), hai bên đầu hồi tòa trung đình còn có hai dẫy nhà chè (mỗi dãy ba gian), tạo nên thế liên hoàn, vững chãi. Nhìn tổng thể ngôi đình từ phần kết cấu chịu lực đến các mảng họa tiết trang trí đều toát lên vẻ đẹp vừa bề thế, uy nghiêm, vừa uyển chuyển, nhẹ nhàng, tinh tế, thể hiện sự tinh khéo, tài hoa của những hiệp thợ nề, thợ mộc Chương Lương thuở trước.

Đã bao đời nay, ngôi đình cổ trở thành biểu tượng tự hào của người dân Chương Lương, trở thành điểm hẹn để các thế hệ người dân trong làng ngóng mong tìm về khi có việc công cần bàn định, khi muốn hòa mình vào không khí náo nức của các kỳ việc làng, của những đêm hát chèo, chầu văn, tuồng cổ, của những lần thi thố, đọ tài cao thấp cùng các trò đấu vật, cờ người... Thời kỳ kháng chiến, dưới mái đình Chương Lương là điểm tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại chính quyền thực dân, là nơi những cơ sở, quần chúng cách mạng đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, cất giấu lương thực, vũ khí. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, ngôi đình cổ của người dân Chương Lương được xếp hạng “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” năm 2009.

Về Chương Lương hôm nay, du khách xa gần sẽ có dịp cảm nhận rất rõ sự đổi thay, thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ người dân làng quê này. Các tuyến đường làng được mở rộng, cứng hóa, nổi bật những dải cây hoa khoe sắc cùng những ngôi nhà cao tầng tươi màu sơn mới.

Để có được thành quả đó, nhiều năm qua, trên 3 nghìn cán bộ, đảng viên, người dân Chương Lương luôn đoàn kết, đồng lòng, góp sức tô đậm truyền thống quê hương. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa được cụ thể hóa bằng nội dung đăng ký cam kết thực hiện các tiêu chí: kinh tế ổn định, phát triển; tinh thần phong phú, dân trí nâng cao; vệ sinh môi trường bảo đảm, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp… Nỗ lực điểm tô cảnh quan làng quê theo tiêu chí nông thôn mới, nhân dân Chương Lương tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng nâng cấp các tuyến đường, xây dựng nhà văn hóa, tôn tạo công trình tâm linh kết hợp trồng hoa, cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng...

Tự hào với truyền thống của miền đất sản sinh nhiều con người tài hoa, đức độ, giỏi giang, tháo vát, nhạy bén với xu thế đổi mới, hội nhập, phát triển, người dân Chương Lương hôm nay luôn biết phát huy trí sáng tạo, phá thế thuần nông, vươn lên làm giàu ngay tại quê hương. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, các loại hình ngành nghề, dịch vụ, thương mại được người dân đón bắt, ứng dụng nhanh nhạy để đem lại những hiệu quả thiết thực cho kinh tế hộ.

Với trên 400 mẫu đất canh tác, luân canh 3 vụ sản xuất (2 lúa, 1 màu), người dân Chương Lương đã thực hiện 100% diện tích gieo sạ giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Một số cây hàng hóa có giá trị kinh tế (dưa xuân, dưa đông, bí xanh…) được đưa vào gieo trồng, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất. Các đại lý thu gom, bao tiêu nông sản hàng hóa cùng cơ sở sản xuất, dịch vụ xuất hiện ngày càng nhiều, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định tại chỗ cho hàng trăm lao động, tạo nên một không khí cởi mở, năng động của vùng quê giàu truyền thống. Nhờ có sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo ở Chương Lương giảm xuống còn chưa đầy 0,3%.

Đời sống vật chất khấm khá, dư dả, người dân Chương Lương có điều kiện chú trọng hơn đến việc chăm lo tạo dựng đời sống tinh thần theo hướng văn minh, tiến bộ. Các kỳ hội làng, hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng được duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo người dân nhiều lứa tuổi tham gia.

Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, tang, lễ hội luôn được chú trọng. Công tác khuyến học, khuyến tài được chăm lo. Trong mỗi gia đình, dòng họ, các thành viên sống hòa thuận, kính trên, nhường dưới, chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau nỗ lực làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, góp phần nối dài thuần phong, mỹ tục của tiền nhân thuở trước và tạo động lực để kiến thiết xây dựng quê hương.

Trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm, những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo, tiêu biểu vẫn được tiếp tục lưu giữ không chỉ bằng những di sản vật thể hiện hữu mà bằng cả những giá trị vĩnh hằng trong tâm thức người dân Chương Lương. Niềm tự hào về vùng  quê có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống đặc sắc, lâu đời là động lực tiềm tàng giúp người dân Chương Lương thêm đoàn kết, tự tin và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng văn minh, tiến bộ.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy