kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Lao động thất nghiệp “ngại” học nghề

Lao động thất nghiệp “ngại” học nghề

Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhiều lao động đã vượt qua khó khăn trước mắt về kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống. Bên cạnh được nhận tiền trợ cấp, người lao động (NLĐ) tham gia BHTN còn được tư vấn, giới thiệu việc làm, đặc biệt là hỗ trợ học nghề để sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế, đa số NLĐ chỉ làm hồ sơ đăng ký hưởng BHTN mà chưa quan tâm nhiều đến việc học nghề để chuyển đổi công việc, dù các chế độ hỗ trợ cho lao động học nghề đã được điều chỉnh.

Từng có 8 năm làm việc tại doanh nghiệp, song vì thích công việc tự do, chủ động về thời gian nên chị Nguyễn Thị Mơ, xã Kim Bình (thành phố Phủ Lý) đã nghỉ việc và đến Trung tâm Dịch tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tại đây, chị Mơ được cán bộ trung tâm tư vấn học nghề làm đẹp và chị đã đồng ý đăng ký học nghề với khóa học 3 tháng. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, chị đã mở một tiệm spa và duy trì ổn định cho đến nay.

Chị Mơ chia sẻ rằng: Thời điểm năm 2022 khi đăng ký học nghề, tôi được hỗ trợ 4,5 triệu đồng/khóa học. Lúc ấy, vừa nghỉ việc, con tôi cũng còn nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Nếu để bản thân tự bỏ ra một khoản tiền để học nghề thì thực sự rất khó. Tôi cho rằng, chi phí hỗ trợ học nghề là chính sách rất nhân văn, kịp thời giúp những lao động bị mất việc làm có điều kiện học nghề để sau này có việc làm ổn định.

Cũng nhờ được hỗ trợ học nghề nấu ăn trong thời gian 3 tháng, chị Trần Thị Mai, Phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) đã có việc làm ổn định là bán hàng ăn. Chị Mai cho biết: Trước đây tôi bán xăng dầu, song do muốn chuyển đổi công việc nên tôi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và được tư vấn học nghề nấu ăn. Sau một khóa đào tạo, tôi tự mở một cửa hàng ăn sáng, kết hợp bán nước giải khát và duy trì lượng khách ổn định. Thu nhập từ công việc hằng ngày giúp tôi đủ trang trải cuộc sống, có thời gian chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái.

Trên đây chỉ là 2 trong số những trường hợp đã được hỗ trợ học nghề và có việc làm ổn định sau đào tạo. Hầu hết trong số họ đều tự tạo việc làm, như: mở hàng ăn, nấu cỗ thuê, trang điểm, làm nail…

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong khoảng 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 người nộp hồ sơ hưởng BHTN. Giai đoạn 2021 - 2022, số lao động thất nghiệp đăng ký học nghề chiếm từ 1% - 2%/năm, song năm 2023 tỷ lệ này chiếm chưa đến 1%. Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số hơn 1.080 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, chưa có lao động nào đăng ký học nghề.

Ông Đào Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Dù học miễn phí, song tỷ lệ lao động thất nghiệp tham gia học nghề rất thấp và đây là câu chuyện của tất cả các địa phương trong cả nước, không riêng tại Hà Nam. Lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn thuộc độ tuổi từ 35 - 40, không có tích lũy về kinh tế; còn bộ phận trẻ hơn thì hầu hết là do “nhảy” việc. Nhiều người trong số họ mong muốn học các nghề nấu ăn, pha chế đồ uống, làm đẹp, cắt tỉa hoa quả… Tuy nhiên, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh không đào tạo các ngành nghề này. Đối với các cơ sở ngoài tỉnh, do liên quan đến vấn đề cấp phép và kinh phí, trong khi nhu cầu học nghề của NLĐ khá đa dạng, lại không tập trung cùng thời điểm, cùng địa điểm, khiến việc tổ chức lớp học dành cho nhóm lao động đặc thù này bị hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận NLĐ trong quá trình hưởng BHTN đã tích cực tham gia tìm kiếm việc làm mới nên không đăng ký học nghề.

Không riêng NLĐ, ngay cả các doanh nghiệp cũng “ngại” đăng ký tham gia đào tạo NLĐ bị thất nghiệp do đòi hỏi nhiều thủ tục, dù thực tế các doanh nghiệp đều có chính sách đào tạo nghề cho NLĐ tuyển mới cũng như nâng cao tay nghề, kỹ năng cho lao động cũ. Chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ NLĐ tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. Nội dung hỗ trợ là học phí học nghề, chưa có hỗ trợ các chi phí khác nên NLĐ cũng gặp khó khăn khi bản thân phải tự trang trải nhiều khoản chi khác cho cuộc sống trong thời gian học nghề, nhất là với NLĐ ở xa cơ sở đào tạo.

Theo quy định của chính sách BHTN, cùng với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, NLĐ còn được hỗ trợ chi phí học nghề để chuyển đổi việc làm mới. Đây được coi là giải pháp tích cực, lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp họ ổn định cuộc sống và giảm nghèo. Đối với thời gian hỗ trợ học nghề, quy định này được tính theo thời gian học nghề thực tế, nhưng không quá 6 tháng/khóa học và được hỗ trợ một lần để NLĐ học một nghề tại các cơ sở đào tạo nghề.

Với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức học phí của cơ sở đào tạo nghề và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa. Với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nếu NLĐ có nhu cầu học những nghề đòi hỏi có thời gian học dài hơn 6 tháng và mức học phí cao hơn 1,5 triệu đồng/tháng thì phải tự thanh toán các khoản chi phí chênh lệch. Thêm vào đó, NLĐ được đề nghị hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là một trong những điểm mới được quy định tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2024.

Để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp đủ BHTN 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là có quyền được hỗ trợ học nghề. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đào Văn Hòa chia sẻ thêm: Mục đích của chính sách BHTN là bù đắp một phần thu nhập của NLĐ bị mất việc làm, đặc biệt là hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm. Do đó, để khuyến khích NLĐ tham gia học nghề, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ hiểu rõ về những quyền lợi mà họ được hưởng khi họ đến làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, đặc biệt là quyền được hỗ trợ học nghề, chứ không chỉ là nhận một khoản tiền trợ cấp nhất định. Đẩy mạnh khảo sát thị trường lao động để đưa ra tư vấn, định hướng học nghề phù hợp với mong muốn của đa số người học, cũng như nhu cầu của thị trường lao động, bảo đảm cơ bản họ có việc làm sau khi kết thúc khóa đào tạo. Đây là giải pháp thiết thực nhằm tạo thuận lợi cho việc tổ chức lớp.  Trung tâm cũng sẽ chủ động tìm kiếm, kết nối với các đơn vị dạy nghề có năng lực, xây dựng phương án đào tạo linh hoạt giúp người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, thuận tiện sắp xếp các công việc cá nhân. Về lâu dài, cần làm tốt công tác khảo sát, dự báo thị trường lao động, nhằm góp phần cân đối nguồn cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh…

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy