Sông Long Xuyên - Lịch sử, văn hóa, phong thủy

Sông Long Xuyên là chi lưu của sông Hồng, xa xưa gọi là Hoàng giang, chảy trên địa bàn huyện Lý Nhân. Cửa nhận nước của sông Long Xuyên ở địa phận thôn Vũ Xá (xã Đạo Lý), rồi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam sông chảy qua các xã Đạo Lý, Đức Lý, Bắc Lý, Nhân Hưng (cũ), Nhân Nghĩa, Nhân Bình, Nhân Mỹ, Xuân Khê, đến đây đổ nước vào sông Châu, đối ngạn là xã An Ninh (huyện Bình Lục).

Long Xuyên, dòng sông thiên tạo, trải qua thời gian dài đằng đẵng, dòng chảy đã có nhiều biến đổi, lòng sông hẹp lại, một số nhánh sông đã bị bồi lấp. Nghiên cứu thủy văn cổ, truyền thuyết, địa danh cho thấy dòng sông xưa có nhiều khúc uốn, nhiều chi lưu, còn ghi lại bằng tên các xã, thôn, xóm: Tế Xuyên, Tế Bến, xóm Kênh (Đức Lý), Phú Khê (Bắc Lý), Lai Khê, Nam Khê (Nhân Bình), xã Xuân Khê. Xa xưa, ở hạ lưu sông chia thành hai nhánh lớn hợp lưu với sông Châu, theo truyền thuyết như là hai cái đuôi rồng, còn lưu lại tên thôn Thượng Vĩ (đuôi trên), Hạ Vĩ (đuôi dưới) thuộc xã Nhân Chính.

Long Xuyên là chữ Hán, có nghĩa thuần Việt là sông Rồng (xuyên là sông, long là rồng). Đáng lưu ý là từ xưa đến nay nhân dân địa phương vẫn gọi là sông Long Xuyên, chưa bao giờ gọi là sông Long hay sông Rồng, khác hẳn với cách gọi các sông có từ tố Hán: Hà, giang (Hồng hà = sông Hồng, Đáy giang = sông Đáy…). Điều này thật thú vị. Tên sông lần đầu tiên xuất hiện trên cuốn sách đồng “Khâm ban đồng bài, cầu không từ ký (Bài ký đền Cầu Không về việc Nhà Vua ban sách đồng) có niên đại năm 1472, niên hiệu Hồng Đức 3 đời Vua Lê Thánh Tông, trước đó nữa thì sử sách không ghi chép. Sách đồng hiện được lưu giữ ở thôn Văn An (xã Bắc Lý, Lý Nhân).

Tại sao dòng sông lại mang tên Long (rồng)? Xin nêu ra giả thuyết từ những khảo cứu bước đầu của chúng tôi: Xuất xứ của tên sông Long Xuyên có liên quan đến Triệu Quang Phục.

Sử cũ cho biết, tháng Giêng năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi quân nhà Lương. Trong các vị tướng có công lao nổi lên tên tuổi Triệu Quang Phục. Tháng hai năm Giáp Tý (544), Lý Bí xưng hoàng đế, lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu (tên nước) là Vạn Xuân. Một năm sau (545), nhà Lương dồn lực lượng mở cuộc tấn công xâm lược lại nước ta. Sau các trận giao chiến thất lợi, nhà vua phải lui về động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ), rồi trao binh quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục kháng chiến. Tránh vòng vây của giặc, Triệu Quang Phục đem quân về lập căn cứ ở vùng đầm lầy Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên). Ngày 20/3 năm Mậu Thìn (548), Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục xưng vương, lấy hiệu là Triệu Việt Vương, mở rộng địa bàn hoạt động sang vùng đất huyện Lý Nhân hiện nay. Năm 571, Lý Phật Tử (người cùng dòng họ với Lý Nam Đế) bội ước, bất ngờ đem quân đánh Triệu Việt Vương. Vì không phòng bị, Triệu Quang Phục phải rút chạy qua sông Hồng vào sông Long Xuyên, sông Châu ra sông Đáy, đến cửa biển Đại Nha (Nghĩa Hưng, Nam Định) thì tuẫn tiết.

Truyền thuyết ở xã Bắc Lý cho biết, ngay sau khi Triệu Quang Phục mất, nhân dân địa phương đã lập đền thờ phụng ông. Hiện nay, ba thôn Nội Đọ, Yên Trạch, Nội Chuối, nơi có sông Long Xuyên chảy qua, đều thờ Triệu Quang Phục làm Thành hoàng ở đình thôn. Nghi lễ trong lễ hội làng tôn vinh Triệu Quang Phục được phân công: Làng Nội Đọ bơi thuyền, làng Yên Trạch chạy ngựa, làng Nội Chuối múa hát Lải lèn.

Nhánh sông Long Xuyên thuộc địa phận xã Xuân Khê, Lý Nhân. Ảnh: Thế Trang

Có lẽ, dòng sông Long Xuyên được dân gian đặt tên với hai hàm nghĩa. Thứ nhất: Triệu Quang Phục xưng vương vào năm Mậu Thìn (Rồng vàng). Con rồng là biểu tượng của đế vương, đều là vua nhưng vương thấp hơn đế. Vì thế, từ Long mới ghép với từ Xuyên. Trong chữ Hán: xuyên, giang, hà đều có nghĩa là sông, nhưng xuyên là sông cấp độ nhỏ hơn giang, hà. Thứ hai:  Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) đã rút chạy trên dòng sông này trước khi vào sông Châu, sông Đáy. Để tôn vinh dòng sông gắn với Triệu Quang Phục, dân gian không Việt hóa tên sông mà giữ nguyên gốc Hán thành tên riêng, gọi là sông Long Xuyên.

Không chỉ gắn bó mật thiết với Triệu Quang Phục, sông Long Xuyên còn liên quan đến các hiện tượng văn hóa, sự kiện lịch sử trong lưu vực sông, gợi mở hướng tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn.

Từ lâu đời, một số làng xã ven bờ sông Long Xuyên đã thờ các vị Thành hoàng có mối liên hệ hoặc gợi ý niệm về con sông, các con vật gần gũi với rồng.

Đình Tế Xuyên (xã Đức Lý) thờ Linh lang đại Vương. Theo thần tích, mẹ ông là Trần Thị Phương cung phi của Vua Lý Thái Tông. Một ngày hè nóng nực, bà Phương ra hồ Tây tắm bị con thuồng luồng dài hơn 10 trượng nổi lên quấn lấy thân mình. Từ hôm đó bà có mang, sau 13 tháng đến ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Thìn thì sinh con trai, sau lưng có vệt đỏ dài, khác hẳn người thường. Nhà vua đặt tên con là Linh Lang. Theo dân gian, Linh Lang là vị thủy thần có xuất xứ từ rồng. Hai vị thủy thần khác được thờ ở đình Văn Xá (Đức Lý) là Nhị vị Thủy tế có thần hiệu là Câu Mang Đại Vương, là hai anh em rắn trắng (Bạch Xà), do có công giúp dân hàn đê bị vỡ, nên được nhà vua sắc phong là Nhị vị Thủy tế Long Vương và ban cho hai áo thêu rồng chầu. Đình Gia (Nhân Mỹ) thờ Thành Hoàng Kiều Công Tiết, sinh ra có tướng mặt rồng, khi mất ông hóa thành một con rồng đen bay lên trời. Đình Vạn Thọ (Nhân Bình) cũng thờ Câu Mang Đại Vương. Theo thần tích ông là Hoàng tử thứ sáu của Vua Hùng Nghị Vương. Mẹ ông, bà Vũ Thị Tần là cung phi thứ 7 của nhà vua, sinh ra ông do nằm mộng thấy một con rắn đen dài hơn một trượng từ trên trời giáng thẳng xuống bụng mình.

Gắn với sông Long Xuyên còn có một sự kiện lịch sử rất đáng nhớ vào thời Hậu Lê mang yếu tố “rồng” được nêu trong cuốn sách đồng dẫn ra ở trên. Sách cho biết: “Vào ngày mồng 6 tháng 1 (tháng 11), Trẫm (tức vua Lê Thánh Tông – NV) xuất đại quân tiễu trừ Chiêm Thành. Đến ngày mồng 8, thuyền rồng của Trẫm mới dừng lại ở cửa sông Long Xuyên, thuộc địa đầu huyện Nam Xang…”. Cũng theo mô tả của sách, trên sông Long Xuyên (đoạn qua hai thôn Phú Khê, Văn An, xã Bắc Lý) có một chiếc cầu kiểu “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) bắc ngang qua sông, trên cầu có đền thờ vị Thủy thần đã âm phù giúp Vua Lê Thánh Tông đại thắng. Ca khúc khải hoàn trở về, nhà vua trọng thưởng dân làng, ban tiền để dân mua gỗ lim trùng tu cầu, đền thờ, ban phong vị thần là “Thượng đẳng tối linh”. Dòng lạc khoản sách đề: “ngày 6 tháng 3 năm Hồng Đức 3 (1472). Tháng 3 là tháng Thìn, niên hiệu Hồng Đức 3 vào năm Nhâm Thìn (Rồng Đen). Thật là ý nghĩa nếu liên tưởng con rồng vẫy vùng sông nước vì can “Nhâm” thuộc hành thủy (nước) có màu đen trong ngũ hành.

Sông Long Xuyên còn có ý nghĩa phong thủy, là biểu tượng rồng mang tính âm, hợp với núi Đọi (tên xưa: Long lĩnh, Long Đội sơn) cũng là biểu tượng rồng mang tính dương thành cặp rồng âm dương phong thủy. Từ xa xưa đã lưu truyền bài phương ngôn: Đầu gối núi Đọi/ Chân dọi Tuần Vường/ Phát tích đế vương/ Lưu truyền vạn đại. Cặp phong thủy Rồng (Duy Tiên - Lý Nhân) làm nên vượng khí.

Long Xuyên – sông ruột của Lý Nhân, là dòng sông lịch sử, văn hóa, phong thủy, thêm mỗi lần được nhắc nhớ khôn nguôi khi năm con Rồng (thìn) đến.

Dòng sông Long Xuyên được dân gian đặt tên với hai hàm nghĩa. Thứ nhất: Triệu Quang Phục xưng vương vào năm Mậu Thìn (Rồng vàng). Con rồng là biểu tượng của đế vương, đều là vua nhưng vương thấp hơn đế. Vì thế, từ Long mới ghép với từ Xuyên. Trong chữ Hán: xuyên, giang, hà đều có nghĩa là sông, nhưng xuyên là sông cấp độ nhỏ hơn giang, hà. Thứ hai:  Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) đã rút chạy trên dòng sông này trước khi vào sông Châu, sông Đáy. Để tôn vinh dòng sông gắn với Triệu Quang Phục, dân gian không Việt hóa tên sông mà giữ nguyên gốc Hán thành tên riêng, gọi là sông Long Xuyên.

Mai Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy