Một người luôn hết mình với phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở

Nói đến cô Đặng Tuấn Dung (nguyên cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Duy Tiên, hiện sinh sống ở xã Tiên Sơn) những người làm trong ngành văn hóa và bà con ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ai cũng biết. Năm nay dù đã 67 tuổi, nhưng suốt trong quá trình công tác hay khi đã nghỉ hưu cô luôn bền bỉ cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn hóa, văn nghệ (VHVN) cơ sở.

Cô Đặng Tuấn Dung đã 2 lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì những đóng góp cho phong trào VHVN (một lần từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ); 2 lần được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen về những đóng góp trong phong trào VHVN của tổ chức Hội và là tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác.

Hẹn gặp cô mấy lần mới được, vì thời gian này cô đang bận dàn dựng chương trình, tập luyện, đồng thời cũng tham gia biểu diễn cho đội văn nghệ của cựu chiến binh (CCB) xã Tiên Sơn chuẩn bị tham gia Liên hoan văn nghệ của CCB thị xã Duy Tiên chào mừng kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và 70 năm Giải phóng Điện Biên. Cô cho biết, từ khi nghỉ hưu đến nay cô vẫn liên tục tham gia dàn dựng, tập luyện cho các đội văn nghệ của các cơ quan, các xã, phường của thị xã và một số đơn vị trong, ngoài tỉnh. Niềm đam mê gây dựng, củng cố, thúc đẩy phong trào VHVN quần chúng trong cô chưa bao giờ vơi cạn.

Cô Đặng Tuấn Dung (người thứ 3 từ phải sang) trao đổi với chị em xã Tiên Sơn về tổ chức các hoạt động VHVN. Ảnh: Đỗ Hồng

Trong câu chuyện cô Dung nói, có lẽ cô thừa hưởng niềm đam mê VHVN từ bố mẹ. Bố mẹ cô là giáo viên, nhưng rất đam mê văn nghệ. Bố cô là giáo viên dạy văn giỏi, ông từng viết những hoạt cảnh chèo cho các đội văn nghệ địa phương. Mẹ cô thường xuyên tham gia các tiết mục văn nghệ ở hội làng, hát sân đình. Gia đình cô có 8 anh chị em, đều làm trong ngành văn hóa và giáo dục, rất say mê với phong trào VHVN quần chúng và đạt được nhiều giải thưởng của các hội thi, hội diễn văn nghệ. Từ nhỏ cô Dung đã rất tích cực tham gia phong trào VHVH ở trường học và khu dân cư.

Tốt nghiệp THPT, cô Dung thi và học chuyên ngành Đạo diễn sân khấu (Khoa Nghệ thuật quần chúng, Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Hà Nam Ninh), sau đó về làm việc tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Duy Tiên (nay là thị xã Duy Tiên). Quá trình làm việc cô tiếp tục học và tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Văn hóa quần chúng, Đại học Văn hóa Hà Nội. Ngoài ra, cô cũng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, bộ môn sân khấu. Được đào tạo bài bản, cộng với khả năng, niềm đam mê, cô đã góp phần tích cực trong gây dựng, thúc đẩy phong trào VHVN cơ sở nói chung, đặc biệt trên địa bàn thị xã Duy Tiên nói riêng. Cô  thường xuyên xuống các địa phương để hỗ trợ thành lập đội, câu lạc bộ văn nghệ, viết tiểu phẩm, dàn dựng chương trình, tập luyện… Nhất là những năm có hội thi, hội diễn văn nghệ của thị xã, của tỉnh, cô gần như ăn ngủ ở cơ sở, có thời điểm khi con còn nhỏ thậm chí cô phải mang cả con theo.

Biểu diễn văn nghệ cần có khiếu, và được đào tạo khá lâu mới có thể biểu diễn nhuần nhuyễn, chưa nói đến hay. Nhưng với các diễn viên quần chúng ở nông thôn, năng khiếu có một chút hoặc thậm chí không, không được đào tạo, bận rộn với công việc nhà nông… Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất là họ rất nhiệt tình và ham học hỏi. Cô dạy họ theo nguyên tắc cố gắng phát huy tối đa sự chủ động của bản thân, khích lệ họ tự học hỏi, sáng tạo để họ hào hứng. Khi tập, trước hết cô làm mẫu và xem các diễn viên quần chúng thực hiện đến đâu rồi tiếp tục uốn nắn. Người biết nhiều (những người đã có kinh nghiệm tham gia biểu diễn) cô hướng dẫn ít để họ chủ động, người biết ít cô phải kiên trì dạy theo cách “cầm tay hướng dẫn”. Ở những tiểu phẩm, với mỗi vai diễn cô đều biểu diễn thị phạm để diễn viên được giao vai trong đội làm theo. Lúc vào vai ông già, lúc vào vai bà lão, rồi cô gái, bà bầu,… Biết hạn chế của các diễn viên quần chúng, cô không bao giờ nặng lời nếu họ làm chưa đúng ý mà kiên trì hướng dẫn để họ làm bằng được mới thôi. Chính vì sự nhiệt tình, kiên trì, thông cảm, đến đâu cô cũng được mọi người yêu quý, được gọi trìu mến, trân trọng là “Cô giáo Dung”.

Với khả năng và nhiệt huyết với nghề, cô đã góp phần vào sự phát triển của phong trào VHVN tại các cơ quan, địa phương. Hoạt động VHVN tại cơ sở diễn ra sôi nổi, chất lượng hơn. Những tiết mục của các đơn vị, địa phương do cô dàn dựng, tập luyện khi tham gia các hội thi, hội diễn hầu hết đều được đánh giá tốt, nhiều tiết mục được trao giải cao, được trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc hoặc đạt giải Nhất, giải Nhì. Không chỉ ở thị xã Duy Tiên, tiếng lành đồn xa, cô còn được một số cơ quan, địa phương trong, ngoài tỉnh mời đến dàn dựng chương trình văn nghệ dự thi.

Nghỉ hưu đã hơn chục năm nhưng cô Đặng Tuấn Dung vẫn hằng ngày miệt mài, say mê đi cơ sở dàn dựng, tập luyện các chương trình văn nghệ cho nhiều đơn vị, địa phương, nhất là các dịp có hội thi, hội diễn. Cô Dung còn tham gia các câu lạc bộ thơ ca, Câu lạc bộ Dân ca và Chèo tỉnh Hà Nam, tích cực hưởng ứng hoạt động của các hội, đoàn thể, nhất là Hội phụ nữ. Cô cho biết còn sức khỏe cô sẽ còn tiếp tục cống hiến để góp phần đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào VHVN ở cơ sở, để mọi người sống vui, sống khỏe.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy